|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bán rau sạch cho người ngoại quốc: Tìm thành công từ thị trường ngách

22:09 | 02/09/2016
Chia sẻ
Đang có một xu hướng kinh doanh nông sản sạch đi sâu vào thị trường ngách dành riêng cho người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam.
ban rau sach cho nguoi ngoai quoc tim thanh cong tu thi truong ngach
Đối tượng người nước ngoài sống tại các khu đô thị là thị trường nhiều tiềm năng với các doanh nghiệp kinh doanh nông sản. (Ảnh: bizlive.vn).

Thị trường mới mẻ

Trao đổi với BizLIVE, bà Nguyễn Thùy Dung, Giám đốc Công ty Đầu tư và Phát triển Ánh Dương Xanh, một đơn vị chuyên trồng và phân phối sản phẩm rau sạch cho người Nhật ở Hà Nội cho biết, đây là mô hình kinh doanh mới mẻ và có tiềm năng phát triển.

Bởi lẽ những người nước ngoài thường có đặc điểm là sống tập trung trong một số khu đô thị, tạo thành một cộng đồng riêng với những nhu cầu riêng. Sự lan tỏa, chia sẻ về các sản phẩm sạch, phù hợp với tiêu chuẩn của người ngoại quốc là rất lớn.

“Chỉ tính riêng người Nhật, trung bình trong một khu đô thị ở Hà Nội đã có khoảng 50 – 100 gia đình rồi. Cộng đồng người nước ngoài đang sinh sống ở Hà Nội là rất lớn và chỉ cần phục vụ tốt thị trường ngách này đã là thành công rồi”, bà Dung nhận xét.

Thực tế hiện nay, các cửa hàng, siêu thị trên địa bàn thành phố dù quảng cáo nhiều về rau quả sạch nhưng chất lượng còn chưa đồng đều khiến khách hàng khá phân vân. Nhất là với đối tượng người tiêu dùng đến từ ngoại quốc, quen với hình thức mua sắm hàng hóa có xuất xứ đảm bảo và cách thức phục vụ văn minh, thì việc tìm đến những địa chỉ tin cậy vẫn còn khá khó khăn.

Theo ông Nguyễn Huy Minh, Giám đốc điều hành Công ty Sunshine Holding, nhu cầu rau quả sạch hiện nay rất lớn nhưng mới chỉ cung cấp được khoảng 40% và theo kiểu nhỏ lẻ. Cùng với đó, chất lượng các loại rau này vẫn còn là một dấu hỏi lớn chưa có lời giải bởi khó ai có thể kiểm định được một cách tuyệt đối.

“Để đảm bảo uy tín với khách hàng cũng như khẳng định thương hiệu, nhiều doanh nghiệp đã chấp nhận đầu tư, hướng tới phục vụ những đối tượng chuyên biệt mà khách ngoại quốc là một ví dụ”, ông Minh cho hay.

Cụ thể, một số doanh nghiệp đã có chiến dịch riêng nhằm tiếp cận và thuyết phục người tiêu dùng ngoại quốc mua những sản phẩm có định hướng theo từng tuần, từng tháng. Cách giao hàng theo kiểu thuê bao, tức là khách hàng có thể đăng ký các gói dùng thử chia theo nhóm hay tự chọn; đăng ký làm thành viên để đặt hàng qua website, mạng xã hội…

Chiều khách ngoại không dễ

ban rau sach cho nguoi ngoai quoc tim thanh cong tu thi truong ngach
Nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm được khách hàng ngoại quốc đặt lên hàng đầu khi lựa chọn sản phẩm. (Ảnh: bizlive.vn).

Tuy nhiên, sản phẩm phục vụ nhóm khách hàng cao cấp này phải được trồng và kiểm định nghiêm ngặt theo một quy trình khép kín, công nghệ tiên tiến nên không phải doanh nghiệp nào cũng đủ sức thực hiện.

Theo bà Dung, không đơn giản là thu mua rồi bán lại như các loại rau thông thường, ví dụ sản phẩm bán được cho người Nhật phải được đầu tư bài bản về vùng nguyên liệu, lựa chọn giống Nhật, công nghệ Nhật, thuê các kỹ sư trình độ cao thử nghiệm rồi đào tạo nông dân làm theo tiêu chuẩn riêng,…

Bên cạnh đó, công đoạn sơ chế, thu mua cũng hết sức cầu kỳ. Sau khi thu hoạch rau, người nông dân phải tiến hành phân loại sản phẩm theo kích cỡ, trọng lượng, bỏ đi phần bị hỏng, sao cho đảm bảo mặt bằng chất lượng tốt nhất. Tiếp đó là rửa sạch rồi để ráo khô, đóng gói và chuyển cho khách trong thùng đựng riêng biệt…

Đặc biệt, trên các bao bì, người Nhật yêu cầu phải có đầy đủ thông tin về người nông dân trực tiếp trồng ra loại rau củ đó, thậm chí có cả ảnh của họ để đảm bảo chất lượng sản phẩm an toàn nhất.

"Chúng tôi phải mất rất nhiều thời gian nghiên cứu, tìm hiểu tập quán, thói quen của từng khách hàng. Nếu không thực sự am hiểu sẽ khó có thể bán được hàng cho những khách hàng khó tính như vậy", bà Dung cho hay.

Dù phản hồi của khách hàng ngoại quốc là khá tốt với những dịch vụ như thế này nhưng ở thời điểm hiện tại, ông Minh cũng chia sẻ, lượng rau quả vẫn chưa đủ phục vụ đông đảo khách hàng do nguồn cung còn hạn chế.

“Sau khi mang hàng từ vườn về, tiến hành sơ chế lại phải vứt đi từ 30 – 50% sản phẩm bị dập nát, hỏng, thối do quá trình vận chuyển. Rồi khi đưa xuống các cửa hàng thì đến cuối ngày phải giảm giá, rau nào xuống mã phải đổ bỏ đi. Có thời điểm phải vứt đến 80% lượng rau nhập về. Chưa kể giống rau củ ngoại chỉ hợp sống ở khí hậu lạnh nên không phải lúc nào chúng tôi cũng có hàng để bán”, ông Minh chia sẻ thực tế.

Theo Tuyết Nhung

bizlive.vn