Ông Lê Quốc Vinh: Doanh nghiệp phải sống thật với những gì họ có, không giả tạo, không che giấu khuyết điểm
Mới đây trong khuôn khổ chuỗi sự kiện Vietnam 2030 do BIT Group tổ chức, ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Truyền thông Le Bros Group đã có những chia sẻ về bức tranh toàn cảnh trong việc duy trì niềm tin của doanh nghiệp đối với khách hàng trong giai đoạn hiện nay.
"Chúng ta vừa vượt qua giai đoạn vô cùng khó khăn của COVID-19 và kéo theo đó là hàng loạt những sự kiện biến động, ít nhiều ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trên thị trường. Bức tranh về kinh tế vĩ mô ổn định, nhìn toàn cảnh về bức tranh khá sáng thế nhưng thị trường chứng khoán hoàn toàn ngược lại, niềm tin trên thị trường bị tổn thương nghiêm trọng. Vậy phải làm thế nào để các doanh nghiệp ngày nay duy trì được niềm tin của mình đối với khách hàng trong giai đoạn này?", ông Lê Quốc Vinh mở đầu buổi chia sẻ.
Theo đó, BTC đưa ra câu hỏi về thách thức và xu thế truyền thông của các doanh nghiệp Việt Nam trong thời kỳ VUCA.
Theo ông Vinh, thời kỳ VUCA là thuật ngữ chỉ thời kỳ khó xác định những sự không chắc chắn và mọi chuyện xảy ra bất ngờ trong môi trường sống ảnh hưởng nhiều đến nền kinh tế, có thể kể đến dịch bệnh COVID-19, chiến tranh ở Ukraine hay thậm chí gần đây là hàng loạt sự kiện bê bối trên thị trường chứng khoán, bất động sản trong nước...
Ông Vinh cho rằng thách thức đầu tiên là lượng thông tin nhận được hằng ngày rất lớn, lượng thông tin tiếp nhận phần lớn là thông tin giả gây hoang mang. So với thập niên 90 - thời điểm đất nước bắt đầu mở cửa, hiện nay chúng ta phải tiếp nhận lượng thông tin gấp 168 lần, và trong đó có nhiều thông tin giả, fake news lẫn lộn.
"Ví dụ, khả năng ghi nhớ của con cá vàng là 8 giây nhưng Google họ đã đưa ra một nghiên cứu cho biết năng lực ghi nhớ thông tin của con người hiện nay chỉ có 6 giây mà thôi. Một con số khiến chúng ta phải giật mình", ông Lê Quốc Vinh nêu ra thách thức lớn nhất đối với truyền thông doanh nghiệp hiện nay.
Bởi vì năng lực tiếp nhận thông tin của con người ngày càng hạn hẹp, thách thức đặt ra là doanh nghiệp phải làm thế nào để khách hàng tập trung vào thông tin của doanh nghiệp muốn truyền tải. Vì thế, doanh nghiệp không nên làm truyền thông theo cách thông thường, một cách đại trà mà phải đánh có trọng điểm, tập trung vào từng đối tượng truyền thông của mình.
Tiếp theo là sự phát triển của công nghệ theo cấp số nhân. Điều này dẫn tới hai xu hướng là không muốn bị bỏ lỡ (hiệu ứng FOMO) và xu hướng sợ hãi sự phát triển của công nghệ. Hai xu hướng này tạo ra sự mâu thuẫn đối với sự phát triển của công nghệ.
"Sự phát triển của công nghệ làm cho chúng ta cảm thấy lệ thuộc vào công nghệ. Điều này dẫn tới sự kết nối giữa con người với con người ngày càng giảm", ông Vinh lo ngại sự lệ thuộc vào công nghệ đang làm con người giảm tương tác với nhau.
"Đặc biệt sự kết nối giữa thương hiệu và con người cũng bị đứt gãy. Làm thế nào để xây dựng được liên kết giữa con người với con người, giữa thương hiệu với con người. Lượng thông tin nhận được quá lớn chi phối suy nghĩ của công chúng. Con người bị chi phối về những cái tốt, cái xấu và biến thành những định kiến và từ đó khiến chúng khó bị phá vỡ. Điều này tạo ra những hệ lụy không tưởng", ông Lê Quốc Vinh nói.
Về định nghĩa xây dựng thương hiệu nhân bản, Chủ tịch Le Bros cho biết xuất phát từ những thách thức nói trên và để tìm ra giải pháp, chúng ta phải làm thế nào để kết nối chặt chẽ hơn với khách hàng, đối tượng khách hàng của mình.
Theo ông Vinh, doanh nghiệp phải giúp khách hàng có khả năng nhìn nhận doanh nghiệp một cách trọn vẹn với góc nhìn đa chiều và trung thành với doanh nghiệp. Từ đó, thu hút sự quan tâm của công chúng với thương hiệu. Điều này buộc doanh nghiệp phải xây dựng được mối quan hệ giữa thương hiệu với khách hàng. Khi xây dựng phải coi mỗi khách hàng là một cá nhân riêng biệt và kết nối theo một cách riêng. Vì thế, thương hiệu phải trở thành “con người” để kết nối với từng khách hàng.
"Ngày xưa chúng ta có 10 triệu khách hàng và coi đó là một nhóm khách hàng thì hiện nay, chúng ta phải coi 10 triệu khách hàng đó là 10 triệu con người với những tích cách khác nhau. Con người là khác biệt và không ai giống nhau cả nên chúng ta [doanh nghiệp] phải trở thành một con người và xây dựng mối quan hệ khác nhau với từng nhóm, cá nhân khách hàng. Ở đây tôi nói nhân bản là xây dựng hình ảnh doanh nghiệp như một con người", ông Vinh nêu vấn đề.
Do đó, ông Vinh cho rằng cần xây dựng hình ảnh của thương hiệu như một con người, có khả năng giao tiếp, kiến tạo mối quan hệ. Truyền thông doanh nghiệp phải có khả năng hành xử như một con người và đối thoại với công chúng như con người. Theo Chủ tịch Le Bros, những mối quan hệ được xây dựng đó sẽ là mối quan hệ sâu sắc và phát triển bền vững.
Trong việc xây dựng thương hiệu nhân bản, ông Lê Quốc Vinh cho rằng doanh nghiệp không nên tập trung vào truyền thông trên diện rộng. Thay vào đó, họ cần sử dụng những công cụ để đánh đúng vào đúng đối tượng mục tiêu. Thương hiệu muốn trở thành con người thì trước hết phải sống thật với những gì nó có. Khi đó khách hàng sẽ có kỳ vọng nhiều hơn về thương hiệu.
"Tôi nhớ đến một hình ảnh mà anh Lê Trí Thông (CEO PNJ) có nhắc tới, rằng cái phương pháp truyền thông ngày xưa chúng ta thường sử dụng bom rải thảm, làm sao để mà đánh được vào số đông, nhiều người nhất có thể. Tuy nhiên, hiện tại anh Thông nói rằng chúng ta phải sử dụng phương pháp xác định chính xác đối tượng để đánh thẳng, trúng mục tiêu - từng cá nhân, thay vì truyền thông trên diện rộng", ông Vinh chia sẻ.
Theo ông Vinh, có 5 tiêu chí quan trọng là hướng về con người; Sống thật với cá tính nhưng phải thấu hiểu và đặt khách hàng ở trung tâm; Đối thoại một cách cởi mở, tiếp nhận những thông tin trái chiều và lấy nó làm mục tiêu để thay đổi; Giải quyết các vấn đề xã hội: Sống vì mục tiêu phát triển xã hội; Xây dựng văn hóa của sự tử tế: Quan tâm đến lợi ích của những bên liên quan.
"Tôi có nghe nói rằng một con người hoàn hảo là con người nhàm chán, chúng ta sẽ không thể gắn bó lâu dài với con người đó. Tuy nhiên, chúng ta lại thích những con người sống thật, không giả tạo, không che giấu khuyết điểm của mình. Vì thế, thương hiệu muốn trở thành doanh nghiệp nhân bản, giống một con người thì phải sống thật với những gì họ có", ông Vinh nói.
Lấy ví dụ từ thương hiệu iPhone của Apple, ông Vinh cho rằng nhà Táo khuyết chưa bao giờ làm một chiếc iPhone hoàn hảo và mỗi thế hệ iPhone đều có vấn đề. Đáng nói, Apple không bao giờ ứng dụng các tính năng mới nhất vào mỗi thế hệ máy mới. Điều này đặt sản phẩm vào thế có thể thay đổi, nâng cấp được và nó dẫn tới sự mong đợi của khách hàng về những cải tiến tiếp theo. "Như vậy mới giúp đổi mới, sáng tạo có đất để phát triển", ông Vinh nêu quan điểm.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/