|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Bán hạt nhựa PP tại Lọc hóa dầu Bình Sơn: Đối tác mua đi bán lại, tạo thế độc quyền

19:09 | 19/11/2018
Chia sẻ
Chỉ ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với 5 đối tác, trong đó có đối tác chỉ mua và bán lại ngay để kiếm lời, dẫn thế độc quyền hạn chế khách hàng tham gia tiêu thụ sản phẩm PP và có đối tác nắm giữ tới gần 60% sản lượng của BSR.
ban hat nhua pp tai loc hoa dau binh son doi tac mua di ban lai tao the doc quyen
Hạt nhựa PP là nguyên liệu đầu vào của ngành bao bì và sản xuất đồ nhựa bảo quản thực phẩm.

Mới đây, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam, PVN) đã tiến hành kiểm tra hoạt động thương mại của Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR). Qua kiểm tra, cho thấy nhiều điểm cần xem xét trong việc mua dầu thô, bán sản phẩm xăng dầu, LPG, hạt nhựa PP và lưu huỳnh.

Theo đó, mặc dù qui chế và qui trình nội bộ liên quan đến việc bán sản phẩm hạt nhựa PP là tương đối đầy đủ, nhưng trong quá trình thực hiện thực tế không tuân theo các qui chế này. BSR cũng chưa thực hiện theo chỉ đạo của PVN về việc sửa đổi qui trình đấu giá.

Ngoài việc trình phương án bán sản phẩm PP không tuân theo qui chế kinh doanh sản phẩm của BSR, công ty này cũng không có qui chế, qui trình nội bộ trong việc đánh giá thị trường tiêu thụ và khách hàng.

Điều này, theo kết quả kiểm tra, khiến các tiêu chí lựa chọn khách hàng chưa thực sự phù hợp, có thể dẫn tới hạn chế khách hàng tham gia tiêu thụ sản phẩm PP của nhà máy Dung Quất, chưa đảm bảo tính cạnh tranh, minh bạch khi xử lý tình huống… Ngoài ra, do mức pre (mức phụ thu) kỳ vọng cho năm 2018 không thực tế, nên phát sinh các khó khăn trong việc đàm phán với khách hàng.

Thực tế, từ 2010 đến nay, việc bán PP của BSR đã thay đổi rất nhiều phương thức bán hàng, từ bán theo lô đến bán dài hạn và các hình thức kết hợp khác. Tuy nhiên, chỉ có 5 đối tác được BSR đồng ý mua hạt nhựa PP là Công ty cổ phần nhựa OPEC (OPEC Plastics), Công ty cổ phần hóa dầu nhựa Đà Nẵng (P&C Đà Nẵng); Công ty cổ phần thương mại và dịch vụ dầu khí Miền trung (Petroseco); Công ty dịch vụ khoan và hóa phẩm dầu khí (DMC) và Công ty cổ phần nhà và thương mại dầu khí (PV Building).

Theo lý giải của lãnh đạo BSR, việc lựa chọn đối tác như hiện nay là do không có nhiều đối tác có đủ điều kiện tài chính và kho bãi đủ để mua khối lượng PP lớn (khoảng 150.000 tấn/năm và có thể tăng thêm).

Tuy nhiên, thực tế cách bán hàng hiện nay có nhiều yếu tố gây băn khoăn về tính chủ động, giá bán và yếu tố cạnh tranh.

Cụ thể, từ năm 2018, toàn bộ sản lượng PP theo kế hoạch (12.500 tấn/tháng) được bán theo hợp đồng dài hạn (4 năm từ 2018 – 2021) với 5 khách hàng nói trên theo giá đàm phán hàng năm.

Tuy nhiên, trong 5 đối tác này có 2 công ty là DMC và PVBuilding đã bán trao tay toàn bộ lượng hàng PP ngay tại xưởng của BSR cho đối tác lớn là OPEC để hưởng chênh lệch. Cụ thể, DMC hưởng lợi 3 USD giá chênh mỗi tấn, còn PVBuilding hưởng 8 USD/tấn.

Việc bán trao tay hưởng chênh lệch này tạo ra lợi nhuận khổng lồ cho DMC và PVBuilding, nhưng không tạo ra giá trị gia tăng nào cho hệ thống phân phối. Đồng thời, phần lợi nhuận mà DMC và PVBuilding có được cũng đồng thời là phần lợi nhuận mà BSR mất đi trên mỗi tấn PP.

Ngoài ra, điều này còn gián tiếp tạo ra thế độc quyền của OPEC trong việc bao tiêu sản phẩm PP của BSR. Cụ thể, tổng sản lượng mà OPEC bao tiêu, bao gồm mua trực tiếp từ BSR theo hợp đồng dài hạn và sản lượng mua lại từ DMC và PVBuilding, lên tới gần 50% sản lượng sản xuất theo kế hoạch của BSR.

Chưa hết, cuối năm 2017, Tổng Giám đốc BSR còn ký phụ lục hợp đồng cho OPEC mua thêm toàn bộ PP bổ sung (vượt kế hoạch) trong năm 2018. Thực tế sản lượng PP vượt kế hoạch hàng tháng khoảng 2.000 tấn. Như vậy, tổng cộng lượng hàng mà OPEC mua trực tiếp và gián tiếp lên tới gần 60% tổng sản lượng tháng của BSR.

Về mức giá của phần sản lượng vượt kế hoạch, theo phụ lục thì OPEC được mua với mức pre chỉ là +15 USD/tấn, tương đương với mức giá hợp đồng dài hạn, trong khi có nhiều thời điểm trong năm 2018 giá giao chuyến vượt mức +50 USD/tấn.

Được biết, mới đây đại diện HĐTV PVN đã có cuộc họp với lãnh đạo BSR, DMC và PVBuilding để kiểm điểm việc DMC chưa thực hiện chỉ đạo trước đó của tập đoàn này về việc chấm dứt hợp đồng mua PP của BSR.

Trong báo cáo của đoàn kiểm tra hoạt động thương mại tại BSR, ngoài các kiến nghị đối với BSR về việc xây dựng qui chế nội bộ, pháp lí hợp đồng và công tác dự báo thị trường đối với các dòng sản phẩm, đoàn kiểm tra cũng kiến nghị PVN cần đánh giá về tính cần thiết của việc quản lí tiêu thụ sản phẩm PP đối với BSR.

Được biết, hiện PVN đã có thỏa thuận với An Phát Holdings (APH) về việc bán 35% sản lượng PP cho đối tác này, như một phần của thỏa thuận tái cấu trúc PVTex. Đối với việc bán PP từ năm 2019, HĐTV PVN cũng sẽ họp để có quyết định.

Xem thêm

Hoành San