|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Bán giá 'sập sàn', thép ngoại lấn át hàng trong nước

21:21 | 27/05/2024
Chia sẻ
Theo dữ liệu mới đây từ cơ quan hải quan, tháng 4/2024, lượng thép cán nóng (HRC) nhập khẩu vào Việt Nam tiếp tục tăng cao, đạt mức 890.000 tấn, gấp 1,5 lần lượng sản xuất nội địa.

(Ảnh minh hoạ: Reuters).

Theo dữ liệu mới đây từ cơ quan hải quan, tháng 4/2024, lượng thép cán nóng (HRC) nhập khẩu vào Việt Nam tiếp tục tăng cao, đạt mức 890.000 tấn, gấp 1,5 lần lượng sản xuất nội địa. Trong đó, thép cán nóng nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm 71%.

Lũy kế 4 tháng đầu năm 2024, tổng lượng thép cán nóng nhập khẩu về Việt Nam là 3,93 triệu tấn, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2023 và bằng 159% lượng sản xuất của toàn ngành sản xuất HRC trong nước. Trong đó, lượng nhập từ Trung Quốc chiếm 73% với 2,9 triệu tấn, gấp hơn 2 lần cùng kỳ năm 2023.

Đại diện một số doanh nghiệp ngành thép cho rằng, thép nhập khẩu tiếp tục vào Việt Nam với số lượng lớn, không phải chịu biện pháp phòng vệ thương mại nào là một nghịch lý.

Chẳng hạn cùng loại mặt hàng thép HRC, nhưng Trung Quốc luôn bán rẻ hơn nhiều quốc gia khác để xuất khẩu sang Việt Nam, giá nhập khẩu HRC từ Trung Quốc 4 tháng đầu năm luôn thấp hơn giá bình quân so với các thị trường khác từ 32 - 59 USD/tấn. Nếu so sánh riêng với thép HRC nhập từ Hàn Quốc, thép cán nóng từ Trung Quốc thấp hơn đến 123 USD/tấn.

Theo chia sẻ của một doanh nghiệp sản xuất thép tại Việt Nam, giá bán HRC tháng 4 (giao hàng tháng 6) tại thị trường nội địa khoảng 550 USD/tấn; giá chào tháng 5 (giao hàng tháng 7) khoảng 570 USD/tấn. Trong khi đó, giá thép HRC nhập khẩu của Trung Quốc vào Việt Nam thường thấp hơn giá HRC trong nước khoảng 20 USD/tấn.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Sưa, chuyên gia ngành thép cho biết, hiện nay, Trung Quốc phải đối mặt với nguồn cung thép dư thừa khi lĩnh vực bất động sản, cơ sở hạ tầng và sản xuất trong nước trì trệ. Do đó, họ đang đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng này sang các nước; trong đó có Việt Nam.

Với bối cảnh như vậy, nhiều nước trên thế giới đang xem xét, áp dụng biện pháp chống bán phá giá với thép Trung Quốc nhằm bảo vệ doanh nghiệp nội địa.

Điển hình như Thái Lan đang tiến hành điều tra và xem xét triển khai các biện pháp chống bán phá giá đối với một số công ty thép cuộn cán nóng từ Trung Quốc, do thép nhập giá rẻ tràn ngập khiến doanh nghiệp thép Thái Lan chỉ sản xuất được 30% công suất, thấp hơn mức trung bình 58% của Đông Nam Á.

Hay như Mỹ cũng vừa công bố mức thuế mới được đánh giá là “cứng rắn” với lượng hàng hoá nhập khẩu trị giá 18 tỷ USD của Trung Quốc vì lý do “bảo vệ các ngành công nghiệp của Mỹ khỏi sự canh tranh không lành mạnh”. Trong các mặt hàng được Mỹ áp mức thuế mới có một số mặt hàng là thép và nhôm với mức thuế mới tăng hơn 3 lần, từ 7,5% của hiện tại lên 25%.

Thông tin từ các chuyên gia ngành thép cũng cho biết, Ủy ban châu Âu (EC) bắt đầu điều tra áp dụng thuế chống bán phá giá (AD) đối với thép cuộn nhập khẩu từ Trung Quốc nếu phát hiện hàng nhập khẩu đó đang bị bán phá giá và gây thiệt hại cho ngành công nghiệp địa phương.

Hiệp hội Thép châu Âu (Eurofer) cho biết: “Ngành công nghiệp EU đã mất 1/4 khối lượng bán hàng từ năm 2021 đến năm 2023, trong khi thị phần tiêu dùng của EU do hàng nhập khẩu của Trung Quốc chiếm giữ đã tăng hơn gấp đôi trong cùng kỳ”.

Theo thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tổng năng lực sản xuất của các doanh nghiệp thép trong nước hiện đạt khoảng 23 triệu tấn thép thô (phôi vuông, phôi dẹt). Năng lực sản xuất thép thành phẩm đạt khoảng 38,6 triệu tấn/năm, vượt nhu cầu sử dụng trong nước.

Theo ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), theo quy định của Việt Nam, thép nhập khẩu đa phần được hưởng mức thuế 0%, trong khi thép Việt Nam xuất khẩu sang nhiều nước phải chịu thuế rất cao.

Ví dụ, thép HRC của các nhà sản xuất Việt Nam bán vào thị trường Thái Lan chịu thuế hơn 42%. Hay thép cán nguội từ Việt Nam, sử dụng nguyên liệu thép cán nóng nhập khẩu từ Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc, xuất khẩu vào Mỹ bị áp thuế hơn 450%.

Tiêu thụ và xuất khẩu của các doanh nghiệp thép trong nước sụt giảm, trong khi lượng thép nhập khẩu vào Việt Nam vẫn ở mức cao, hưởng thuế 0% và không phải chịu bất kỳ biện pháp phòng vệ thương mại nào, theo các doanh nghiệp đây là điều nghịch lý.

Trong khi đó, các biện pháp phòng vệ thương mại như tự vệ phôi thép đã dỡ bỏ, các sản phẩm thép khác như tôn mạ, tôn màu, thép HRC, ống thép… đều không phải chịu bất kỳ biện pháp phòng vệ thương mại nào.

Các chuyên gia và doanh nghiệp sản xuất cho hay, đã đến lúc cần lập hàng rào kỹ thuật chất lượng nhằm mục đích kiểm soát tuân thủ chất lượng, điều tiết lượng hàng nhập khẩu, đồng thời bảo vệ sản xuất trong nước. Bởi thực tế nhiều nước đã dựng hàng rào quy chuẩn kỹ thuật khắt khe.

Theo thông tin từ Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI), hàng rào kỹ thuật Việt Nam tuy có nhưng rất đơn giản khi chỉ đánh giá sản phẩm mẫu. TS. Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm này cho rằng, cần lập hàng rào kỹ thuật theo chuẩn mực quốc tế để ngăn chặn hàng nhập khẩu kém chất lượng.

Mặt khác, cần xây dựng quy trình, thủ tục kiểm tra chất lượng thép nhập khẩu vào Việt Nam. Theo đó, thép nhập khẩu cần phải có giấy chứng nhận tuân thủ tiêu chuẩn chất lượng của Việt Nam.

Theo đó, Bộ Công Thương cần tăng cường điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp để hạn chế sản phẩm thép cạnh tranh không lành mạnh, bảo vệ ngành sản xuất thép trong nước, bà Trang đề xuất…

Đức Dũng