Bán cho cổ đông ngoại gần 1,9 triệu đồng một cổ phiếu, VNG tính bán ESOP chỉ 20.000 đồng
Kế hoạch lãi ròng 568 tỉ đồng, tăng trưởng 71%
Công ty cổ phần VNG (Mã: VNG) vừa tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 với tỉ lệ tham dự trên 76% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Tại đại hội lần này, cổ đông VNG gần như nhất trí thông qua tất cả các tờ trình, tỉ lệ tán thành đạt trên 95%.
Trong năm 2019, VNG đặt kế hoạch doanh thu 5.627 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế dự kiến 568 tỉ đồng, lần lượt tăng trưởng 30% và 71% so với năm trước đó.
Định hướng của HĐQT công ty trong tương lai là tiếp tục phát triển ngành nghề kinh doanh theo hướng đa dạng hóa: sản phẩm Zalo và các sản phẩm truyền thông, ưu tiên phát triển ZaloPay và hỗ trợ hoạt động đầu tư vào thương mại điện tử. Công ty cho biết sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ dự án VNG Campus, đồng thời tìm kiếm, phát triển các dự án liên quan đến sản phẩm thế mạnh về Zalo, ZaloPay và thương mại điện tử.
Để phục vụ hoạt động đầu tư, VNG xin ý kiến ĐHĐCĐ thông qua phương án không chia cổ tức năm 2018 và được chấp thuận.
Phát hành cổ phiếu ESOP, giá bán từ 20.000 đồng, 30.000 đồng/cp
Trong năm 2019, HĐQT VNG tiếp tục kế hoạch thực hiện chương trình phát hành thêm cổ phiếu theo chương trình lựa chọn người lao động (ESOP) số lượng hơn 766.000 đơn vị. Trong đó, 690.336 cổ phần sẽ được bán giá 20.000 đồng, 75.70 cổ phần còn lại được bán giá 30.000 đồng. Kế hoạch năm 2020 dự kiến phát hành lên tới 2,71 triệu đơn vị, gấp gần 4 lần trung bình các năm trước đó.
Được biết đầu tháng 3 năm nay, cổ đông ngoại Seletar Investments (công ty con của Temasek Capital - thuộc Temasek Holdings - chính phủ Singapore) thông báo mua xong 355.820 cổ phiếu CTCP VNG, nâng tỉ lệ cổ phiếu có quyền biểu quyết lên 6,35%. Đây chính là lượng cổ phiếu quỹ mà VNG thực hiện bán ra. Theo công bố của VNG, giá bán bình quân cho một cổ phiếu VNG là 1.861.800 đồng, tương đương giá trị thu về trên 662 tỉ đồng. Với mức giá này định giá toàn công ty khoảng 51.000 tỉ đồng (2,2 tỉ USD).
Như vậy, giá cổ phiếu ESOP của VNG tỏ ra thấp hơn rất nhiều so với giá bán cho cổ đông ngoại.
Số tiền VNG thu được hơn 660 tỉ đồng từ bán cổ phiếu quỹ hầu hết được dùng để chi thường xuyên
Đại hội năm nay cũng phê duyệt chương trình bảo hiểm trách nhiệm cấp lãnh đạo và quản lý của công ty, theo lý giải từ phía VNG, với mỗi quyết định đưa ra, ban lãnh đạo công ty phải đối diện với nhiều áp lực và gánh vác trách nhiệm pháp lý với cổ đông. Do đó, nhằm mục đích phòng tránh các rủi ro và giảm thiểu thiệt hại có thể xảy ra, HĐQT xin thông qua phương án mua bảo hiểm trách nhiệm cho HĐQT và Ban điều hành, tổng phí bảo hiểm tối đa 600 triệu đồng/tháng cho hạn mức bảo hiểm 460 tỉ đồng/năm.
Cuối năm nay, hoặc đầu năm sau, VNG sẽ tiến hành đổi trụ sở sang địa chỉ mới từ 52 Nguyễn Ngọc Lộc, phường 14, quận 10, TP HCM sang lô Z.05-06-07 và lô Z.03b-04, Khu chế xuất Tân Thuận, phường Tân Thuận Đông, quận 7, TP HCM.
Khoản đầu tư vào Tiki vẫn tốt
Trong phần thảo luận, cổ đông đặt các câu hỏi xung quanh tình hình kinh doanh và hoạt động đầu tư của VNG.
Ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tác động thế nào đến hoạt động kinh doanh của công ty?
Trả lời: Khuynh hướng hiện nay là các hoạt động sản xuất và chuỗi cung ứng sẽ dịch chuyển khỏi Trung Quốc và dự kiến sẽ chuyển đến khu vực Đông Nam Á. Khi đó đây sẽ là nơi được các nhà đầu tư quan tâm nhiều hơn, có nhiều cơ hội tốt hơn nhưng mức độ cạnh tranh lớn hơn. Đối với VNG trước mắt chưa có ảnh hưởng gì.
Trong quý IV/2018, VNG lỗ 44 tỉ đồng, cổ đông rất quan ngại về khoản lỗ này. Vì sao chi phí bán hàng tăng đột biến vậy?
Trả lời: Chi phí bán hàng tăng chủ yếu do chi phí marketing. Trong quý IV/2018, nhiều sản phẩm của VNG được tung ra thị trường. Cũng trong thời điểm này, ZaloPay cũng tiến hành nhiều hoạt động quảng cáo và khuyến mãi mạnh. Ngoài ra, lỗ cũng một phần do VNG thực hiện cắt giảm (write off) một số khoản đầu tư dẫn đến khoản lỗ hiện lên trên báo cáo tài chính.
HĐQT và Ban điều hành nhìn nhận thế nào về các khoản đầu tư của công ty, nhất là tại Tiki?
Trả lời: Các khoản đầu tư vẫn tốt và tăng giá trị. VNG rất cẩn trọng trong hoạt động đầu tư, chỉ nhắm vào các công ty cùng lĩnh vực internet.
Tuy nhiên theo báo cáo kiểm toán 2018 của VNG, năm 2018 công ty báo lỗ 254 tỉ đồng từ CTCP Tiki, công ty liên kết do VNG sở hữu gần 29% vốn điều lệ.
Giá trị phần lỗ lũy kế của VNG tại Tiki tại thời điểm kết thúc năm 2018 lên tới 473 tỉ đồng, điều này làm giảm giá trị khoản đầu tư chỉ còn lại 33 tỉ đồng.
Hạn mức sở hữu của nước ngoài tại VNG như thế nào, công ty có cách nào tăng tính thanh khoản của cổ đông?
Trả lời: VNG vẫn đang tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về hạn mức đầu tư nước ngoài, trong lĩnh vực của công ty là 49%.
Cơ cấu cổ đông ngoại tại VNG (ngày 25/3/2019)
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/