Bamboo Capital báo lãi quý I kỷ lục, dư nợ trái phiếu gần 9.100 tỷ đồng.
CTCP Bamboo Capital (Mã: BCG) vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2022 với doanh thu và lợi nhuận sau thuế đều tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái.
Lãi kỷ lục 522 tỷ đồng, gấp ba lần cùng kỳ
Cụ thể, doanh thu thuần tăng gần gấp đôi lên 1.252 tỷ đồng, trong đó mảng bất động sản đóng góp lớn nhất với 477 tỷ đồng (do bàn giao các căn biệt thự thuộc dự án King Crown Village), theo sau đó là mảng xây dựng - hạ tầng với 445 tỷ đồng nhờ hưởng lợi từ đầu tư công.
Ngoài ra, mảng bảo hiểm (sau khi mua lại Bảo hiểm AAA) ghi nhận 47 tỷ đồng so với 18 tỷ đồng của năm 2021. Còn mảng năng lượng tăng trưởng so với cùng kỳ nhờ hợp nhất doanh thu từ hai nhà máy điện mặt trời BCG Long An 1 và 2.
Biên lãi gộp trong kỳ của BCG cải thiện từ 32,1% của quý I/2021 lên 42,9% quý này.
Bên cạnh đó, BCG tiếp tục ghi nhận doanh thu hoạt động tài chính đột biến so với cùng kỳ, hơn 732 tỷ đồng, gấp 2,3 lần, phần lớn nhờ lãi đầu tư cổ phiếu, trái phiếu và lãi phải thu theo hợp đồng hợp tác đầu tư.
Ngược lại, chi phí tài chính cũng ngốn hết của doanh nghiệp này hơn 461 tỷ đồng, hơn gấp đôi cùng kỳ chủ yếu do các khoản phải trả lãi vay, lãi trái phiếu.
Trừ đi các chi phí, BCG lãi sau thuế 522 tỷ đồng, gấp 3,2 lần cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là quý có kết quả cao kỷ lục của tập đoàn.
Năm nay, BCG dự kiến trình cổ đông kế hoạch 7.250 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận sau thuế đạt 2.200 tỷ đồng. Như vậy kết thúc quý I, tập đoàn đã thực hiện được 17,4% doanh thu và 23,7% lợi nhuận cả năm.
Nợ trái phiếu đến hạn trả gần 8.800 tỷ
Tính đến cuối quý I/2022, tổng tài sản của BCG tăng 3.900 tỷ đồng lên 41.505 tỷ, trong đó khoản phải thu ngắn hạn hơn 12.003 tỷ đồng, tăng khoảng 1.800 tỷ.
BCG đang ghi nhận khoản nợ xấu gần 245 tỷ đồng, trong đó đã trích dự phòng hơn 230 tỷ, tương đương ngày đầu năm.
Khoản mục tiền và tương đương tiền là 882 tỷ đồng, song song đó là hơn 1.531 tỷ đồng BCG dành để đầu tư chứng khoán, gửi ngân hàng và đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.
Tính đến cuối quý, BCG đang ghi nhận số tiền hơn 2.042 tỷ đồng đầu tư vào công ty liên doanh liên kết, tăng 500 tỷ so với đầu năm, lớn nhất là khoản đầu tư vào CTCP Đầu tư Thương mại Dịch vụ An Khang Land số tiền hơn 840 tỷ đồng.
Ở phía nguồn vốn, tổng nợ đi vay của BCG hơn 15.100 tỷ đồng, chiếm một nửa tổng nợ phải trả, tăng khoảng 12% so với đầu năm, chủ yếu là nợ vay dài hạn. Trong đó, dư nợ trái phiếu ngắn hạn và dài hạn của tập đoàn hơn 9.097 tỷ đồng.
Vốn chủ sở hữu của BCG tính đến cuối kỳ hơn 11.150 tỷ đồng, trong đó vốn cổ phần là 4.463 tỷ đồng do trong quý tập đoàn đã phát hành 148 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu nhằm tăng vốn điều lệ.
Nhìn chung, tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu của BCG tại cuối quý I/2022 đã giảm còn 2,72 lần so với cuối năm 2021 là 3,51 và 7,15 của năm 2020.
Còn tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu của BCG cũng giảm từ 1,64 xuống còn 1,36 lần. Ban lãnh đạo BCG từng cho biết đang thực hiện việc cơ cấu tài chính các dự án, tiếp tục đưa tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu về dưới 2 trong năm 2022 này để đảm bảo tình hình tài chính của tập đoàn.