Bamboo Airways được cấp giấy chứng nhận huấn luyện hàng không ATO
Theo tin từ Bamboo Airways, Trung tâm đào tạo của hãng bay này đã được cấp Chứng nhận tổ chức huấn luyện hàng không được phê chuẩn (ATO - Approved Training Organization) theo qui chế An toàn hàng không Phần 9 của Cục Hàng không Việt Nam.
Sau khi có giấy chứng nhận này, Bamboo Airways có thể tự đào tạo nguồn nhân lực đặc thù ngành hàng không như nhân viên kĩ thuật hàng không, tiếp viên hàng không ....
Các nữ tiếp viên của Bamboo Airways. Ảnh: Bamboo Airways.
Để được phê chuẩn ATO, Trung tâm đào tạo Bamboo Airways đã tuân thủ đúng 5 bước theo qui chế chủ động khắc phục những khuyết cáo trong quá trình đánh giá, kiểm tra, tuyệt đối tuân thủ theo yêu cầu của Cục HKVN.
Đối với việc đào tạo đội ngũ phi công Trung tâm đào tạo đang xem xét đầu tư, xây dựng chương trình, đội ngũ giáo viên theo tổ chức đào tạo mức 2 (huấn luyện bay trên thiết bị mô phỏng) và sẽ xây dựng tổ chức đào tạo mức 1 (huấn luyện bay trên máy bay thực tiễn) khi hoàn thành đề án xây dựng Viện đào tạo hàng không tại Quy Nhơn.
Ngoài tự đào tạo, Bamboo Airways cũng đang hợp tác cùng các đối tác cung ứng nguồn lực phi công quốc tế để củng cố bộ máy nhân sự, chuẩn bị sẵn sàng cho kế hoạch mở rộng hoạt động.
Hiện tại, hãng có hơn 300 phi công đang làm việc và gần 80% trong số đó là phi công nước ngoài. Một máy bay cần trung bình 11-14 phi công (tùy loại thân hẹp hay thân rộng) để vận hành ổn định. Theo tỉ lệ này thì với tổng số 300 phi công hiện tại, Bamboo Airways đang "dư" 150-200 phi công để phục vụ các máy bay mà hãng chuẩn bị nhận về.
Dự kiến đến cuối năm 2023, đội tàu bay của Bamboo Airways sẽ phát triển lên 30 chiếc bao gồm các loại máy bay thân hẹp Airbus A321 và loại máy bay thân rộng Boeing B787.
Những cơ sở đào tạo sắp được xây dựng
Ngày 28/7 vừa qua, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định), Bamboo Airways đã tổ chức Lễ khởi công Viện đào tạo Hàng không Bamboo Airways. Viện đào tạo này có qui mô 10 hecta, tổng mức đầu tư gần 700 tỉ đồng cho giai đoạn thành lập và phát triển.
Dự kiến sau khi hoàn thành và đưa vào hoạt động vào năm 2022, Viện sẽ đào tạo gần 3.500 học viên mỗi năm, tập trung trong các chuyên môn nghiệp vụ ngành như: phi công, tiếp viên hàng không, kĩ thuật, khai thác mặt đất, điều hành khai thác bay và các chức năng đào tạo cơ bản…
Đây là cơ sở qui mô lớn đầu tiên được triển khai trong chuỗi các cơ sở đào tạo mà Bamboo Airways đang lên kế hoạch. Các cơ sở còn lại dự kiến sẽ được đặt tại Quảng Ninh, Hải Phòng và Vĩnh Phúc.
Ở Quảng Ninh, Tập đoàn FLC (công ty mẹ sở hữu 100% Bamboo Airways) dự kiến xây dựng Trường Đại học FLC trên diện tích dự kiến khoảng 55 ha tại phường Hà Lầm và Hà Trung (TP Hạ Long), tổng vốn đầu tư gần 4.000 tỉ đồng, dự kiến khởi công trong năm 2019.
Trường sẽ hoạt động theo mô hình đại học tư thục không lợi nhuận, với ba chuyên ngành chính là công nghệ cao, du lịch, hàng không.
Tập đoàn FLC mới đây có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh về dự án Trường Đại học này. Tại buổi làm việc, FLC cho biết khó khăn lớn nhất trong quá trình triển khai dự án liên quan tới Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) chưa trả đất cho UBND tỉnh.
Do vậy tỉnh chưa có cơ sở giao đất xây dựng trường và chưa xác định được tuyến đường kết nối vào trường do vướng mắc các mỏ than xung quanh đang hoạt động.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu TKV tiến hành ngay các thủ tục để bàn giao đất cho tỉnh, tạo điều kiện để nhà đầu tư sớm triển khai dự án.