Bài học về xung đột giữa nhà đầu tư và người sáng lập The KAfe
Tâm thư của Đào Chi Anh: Làm doanh nhân rất khổ |
Đào Chi Anh, cựu sáng lập viên kiêm CEO của chuỗi cà phê nhà hàng The Kafe, từng là một tên tuổi lẫy lừng trong giới khởi nghiệp Việt Nam vài năm trước. Chuyện cô gọi thành công khoản vốn 5,5 triệu USD cho The KAfe thực sự trở thành đề tài gây xôn xao dư luận. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau khi gọi vốn, các nhà đầu tư tuyên bố cô không còn là CEO của The KAfe nữa.
Sau khi rời khỏi The KAfe, Đào Chi Anh vẫn điều hành Kitchen Art (thương hiệu hàng đầu về phân phối và bán lẻ dụng cụ bếp tại Việt Nam). Ngoài ra cô còn là sáng lập viên kiêm CEO của DCA Holding International – đơn vị cung cấp những concept và giải pháp đồng bộ cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống.
Đào Chi Anh, nữ doanh nhân "vang bóng một thời" với thương hiệu The KAfe. Ảnh: Vietnamplus |
Anh Phạm Anh Cường, người sáng lập vườn ươm doanh nghiệp BestB, nhận định việc Đào Chi Anh rời khỏi The KAfe là một ví dụ điển hình về xung đột về mục tiêu giữa các nhà đầu tư và người sáng lập start-up. Trong trường hợp của Đào Chi Anh, mục tiêu mà các nhà đầu tư đặt ra quá lớn khi họ rót 5,5 triệu USD vào The KAfe, khiến cô không thể đáp ứng.
"Về bản chất, quỹ đầu tư gom tiền của các nhà đầu tư thiên thần. Là tổ chức tài chính, họ phải chịu sức ép về lợi nhuận đối với những người góp vốn", anh Cường nói.
Trong khi đó, những người điều hành The KAfe phải điều hành toàn bộ hệ thống để kiếm khoản lợi nhuận mà quỹ đầu tư yêu cầu. Cụ thể, quỹ đầu tư đề ra chỉ tiêu là Đào Chi Anh phải mở thêm 18 cửa hàng mỗi tháng. Chỉ tiêu quá cao của nhà đầu tư tạo nên sức cực lớn cho Đào Chi Anh, khiến chị phải làm việc cật lực và luôn cảm thấy căng thẳng.
Một bài học nữa mà anh Cường nêu ra là Đào Chi Anh đã bỏ qua khâu gọi vốn từ các nhà đầu tư thiên thần và ra nước ngoài để gọi vốn từ quỹ. Kiểu gọi vốn "bỏ qua giai đoạn" khiến bộ máy của The KAfe không có thời gian để chuẩn bị và thích nghi với việc nhận khoản vốn quá lớn, dẫn tới tình trạng quá tải.
"Giả sử tài khoản của bạn chỉ có 100 triệu đồng. Đột nhiên ai đó cho 1.000 tỷ vào tài khoản của bạn. Ngay lập tức hoạt động quản trị sẽ có vấn đề", anh Cường giải thích.
Sau này, khi trao đổi với Phạm Anh Cường, Đào Chi Anh cũng nhận định sai lầm của cô là "nhảy cóc" khi gọi vốn. Ngoài ra, Đào Chi Anh cũng nghĩ nếu cô đưa The KAfe vào một vườn ươm trước khi gọi vốn từ quỹ đầu tư, có thể kết cục buồn đã không xảy ra.
Chưa từng gọi vốn từ quỹ, nhưng Đoàn Thị Thùy Nhung, người sáng lập công ty Thảo Mộc Trường Sinh, đã nhìn ra nguy cơ của start-up khi gọi được quá nhiều vốn.
"Nhiều start-up vận hành bình thường khi đói vốn, nhưng khi gọi được quá nhiều vốn, họ chết rất nhanh", Nhung bình luận.