|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Bài học tiết kiệm: Vì đâu mà hơn một nửa người Mỹ không có nổi 1.000 USD để dành?

07:08 | 24/01/2022
Chia sẻ
Việc để tiết kiệm, xây dựng cho mình một quỹ khẩn cấp để dùng khi cần chưa bao giờ là dễ, nhất là khi phải đối mặt với những thách thức bất ngờ về thiên tai, dịch bệnh.

Kết quả một cuộc khảo sát qua điện thoại với hơn 1.000 người trưởng thành ở Mỹ do Bankrate thực hiện vào đầu tháng 1/2022 cho thấy, hầu hết người Mỹ vẫn đang vật lộn để xây dựng các tài khoản tiết kiệm và họ vẫn chưa thể hoàn thành mục tiêu, dù đại dịch COVID-19 đã xảy ra suốt 2 năm qua.

56% người Mỹ không thể tiết kiệm nổi 23 triệu đồng

Cụ thể, kết quả khảo sát ghi nhận khoảng 56% người Mỹ hiện nay không thể trang trải một khoản chi 1.000 USD (tương đương khoảng 23 triệu đồng) cho tình huống bất ngờ bằng tiền tiết kiệm. 

"Thiếu tiền tiết kiệm khẩn cấp cũng như không đạt được ngưỡng 1.000 USD thực sự là một dấu hiệu cho thấy mọi người đang gặp khó khăn như thế nào, rằng họ đã gần đến mức tài chính giới hạn", ông Greg McBride, phó chủ tịch cấp cao kiêm nhà phân tích tài chính tại Bankrate cho biết.

Bài học tiết kiệm: Vì đâu mà hơn một nửa người Mỹ không có nổi 1.000 USD để dành? - Ảnh 1.

Hầu hết người trưởng thành ở Mỹ gặp khó khăn khi xây dựng quỹ tiết kiệm khẩn cấp. (Nguồn: CNBC)

Thay vì sử dụng quỹ tiết kiệm khẩn cấp, nhiều người Mỹ sẽ phải lâm vào cảnh nợ nần chồng chất với khoản tiền 1.000 USD khi có việc đột xuất như ốm đau, tai nạn, sửa nhà, sửa xe,… Họ sẽ phải nhờ gia đình và bạn bè cho vay, vay cá nhân từ ngân hàng hoặc vay nợ thẻ tín dụng với lãi suất đáng kể.

Các rào cản đối với việc để tiết kiệm

Thực tế, 44% người Mỹ tham gia khảo sát khẳng định họ có thể trang trải khoản chi phí khẩn cấp 1.000 USD từ khoản tiết kiệm, đây là tỷ lệ phần trăm cao nhất trong 8 năm qua, theo Bankrate. Nghĩa là tình trạng không để tiết kiệm hoặc không có quỹ khẩn cấp với tiền mặt để lưu động đã trở thành một tình huống phổ biến với hầu hết người Mỹ.

Đương nhiên, vẫn có một số người trưởng thành hiểu tầm quan trọng của quỹ khẩn cấp và tiết kiệm nên họ có sự chuẩn bị sẵn sàng cho những tình huống khó khăn. Gần 60% những người có bằng đại học có thể trang trải chi phí 1.000 USD, cũng như hơn một nửa số người trong đó kiếm được 50.000 USD (hơn 1 tỷ đồng) trong một năm (hoặc cao hơn thế).

Bài học tiết kiệm: Vì đâu mà hơn một nửa người Mỹ không có nổi 1.000 USD để dành? - Ảnh 2.

Lạm phát, giá cả tăng cao trong khi thu nhập giảm gây khó khăn cho việc để tiết kiệm. (Nguồn: Chime)

Tuy nhiên, chi phí gia tăng cũng đang khiến người Mỹ và người dân ở khắp nơi trên thế giới khó tiết kiệm. Lạm phát cao, như ở Mỹ là vượt mốc 7% trong năm ngoái, tốc độ nhanh nhất trong 40 năm - theo công bố chỉ số giá tiêu dùng tháng 12 của Cục Thống kê Lao động Mỹ. Gần như tất cả các chi phí được đo lường bởi chỉ số đều tăng trong tháng 12, với giá nhà ở, xe hơi và xe tải đã qua sử dụng, năng lượng và thực phẩm thúc đẩy chỉ số này nhiều nhất.

Gần một nửa số người Mỹ nói rằng chi phí cao hơn đang khiến họ không tiết kiệm được nhiều hơn, theo Bankrate.

Bà Tania Brown, một nhà lập kế hoạch tài chính được chứng nhận có trụ sở tại Lawrenceville, Georgia và là người sáng lập của FinanciallyConfidentMom.com cho biết: "Mọi chi phí để duy trì sinh hoạt cho một hộ gia đình đều đã tăng lên". Ngoài ra, bà nói thêm rằng các bậc cha mẹ có thể đặc biệt khó khăn nếu con cái của họ phải đi học rồi nghỉ học do đại dịch, điều này ảnh hưởng nhiều đến thu nhập và ngân sách chi tiêu.

Thay đổi cách để dành để vững vàng tài chính

Từ thực trạng tiết kiệm của những người Mỹ, chúng ta có một bài học tiết kiệm vô cùng ý nghĩa ở đây. Theo bà Brown, đối với những người muốn tiếp tục tiết kiệm hoặc bắt đầu xây dựng quỹ khẩn cấp ngay bây giờ thì điều quan trọng là bạn sẽ phải sáng tạo trong việc lập kế hoạch ngân sách – bao gồm cả hạch toán tiền tiết kiệm.

"Với tôi, yếu tố đóng góp lớn nhất vào tài chính cá nhân là hành vi", bà nói thêm rằng nếu bạn có thể thay đổi thói quen chi tiêu của mình, điều đó sẽ giúp bạn tiết kiệm.

Để tiết kiệm nhiều hơn trong năm mới này, đặc biệt là có một quỹ khẩn cấp giúp bạn yên tâm trong mọi tình huống, có thể bắt đầu từ việc cân nhắc giảm các khoản chi tiêu không cần thiết. Cắt đăng ký cáp và nền tảng phát trực tuyến nếu bạn không sử dụng nhiều và thấy không thực sự cần thiết; mua thịt ở chợ thay vì mua ở siêu thị; tự nấu ăn thay vì ăn hàng đều là cách tiết kiệm chi tiêu cực đơn giản mà hữu ích. Bán quần áo cũ không mặc tới, tiết kiệm điện và năng lượng cũng khá hiệu quả.

Bà Brown giải thích rằng đây cũng có thể là thời điểm để mọi người siêng năng mua sắm và bắt đầu sử dụng phiếu giảm giá trực tiếp hoặc voucher trực tuyến để giảm chi phí, hoặc thậm chí cam kết không chi tiêu những khoản giải trí trong một khoảng thời gian nhất định. "Đối với những thứ không quan trọng, hãy cắt bỏ, không cần nuối tiếc", bà nói.

Sau khi cắt giảm, bạn cũng nên chủ ý xem số tiền tăng thêm đó sẽ được chuyển vào phần ngân sách nào. Chuyên gia tài chính khuyên rằng, bạn cần đảm bảo mình sẽ gửi tất cả số tiền bỏ ra được vào quỹ khẩn cấp, tài khoản tiết kiệm hoặc trả nợ để nhanh chóng chấm dứt tình trạng phải trả lãi suất.

Bà Brown kết luận: "Lối sống của bạn không thể thay đổi theo thời gian. Thế nhưng, phải có một 'nỗi ám ảnh' để bạn buộc phải ưu tiên tiết kiệm và quản lý chi tiêu".


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Thu Phương