|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Tiết kiệm quá muộn hay rút tiền quá sớm - những sai lầm nghiêm trọng cần tránh khi tích luỹ tài chính

07:16 | 18/01/2022
Chia sẻ
Tiết kiệm hưu trí giúp bạn được sống chậm lại, tận hưởng cuộc sống khi về già mà không cần phải đối mặt với những áp lực cơm áo gạo tiền. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách tiết kiệm để dư dả khi nghỉ hưu.

Business Insider đã trao đổi với các chuyên gia tài chính hàng đầu để tìm hiểu những sai lầm phổ biến khi tiết kiệm tiền cho kế hoạch nghỉ hưu. Một số người bắt đầu tiết kiệm quá muộn hay rút tiền tiết kiệm quá sớm để chi tiêu trong khi những người khác không tìm cách gia tăng thu nhập. 

Tất cả đều có thể phá hoại kế hoạch nghỉ ngơi khi về già của bạn. Để tránh một số sai lầm khi lập kế hoạch nghỉ hưu, hãy tránh những lỗi nghiêm trọng sau đây.

1. Cảm thấy chưa cần tiết kiệm ở thời điểm hiện tại

Có một quan niệm sai lầm rằng bạn nên đợi cho đến khi đạt đến đỉnh cao của sự nghiệp rồi mới bắt đầu lên kế hoạch nghỉ hưu, nhưng không có thời điểm nào tốt hơn hiện tại. Bạn bắt đầu tiết kiệm càng sớm thì tiền của bạn càng có nhiều thời gian để sinh lời và giúp bạn thu về nhiều hơn. Một lợi ích khác khi bắt đầu tiết kiệm cho kế hoạch nghỉ hưu từ sớm là bạn có thể sẽ có định hướng rõ ràng và quyết tâm với các lựa chọn đầu tư của mình.

Những sai lầm nghiêm trọng khi tiết kiệm tiền dưỡng già - Ảnh 1.

Tiết kiệm từ khi còn trẻ, đến tuổi nghỉ hưu sẽ an nhàn hơn. (Nguồn: Family Financial Services)

Thị trường giảm giá, suy thoái, lạm phát có thể sẽ ảnh hưởng tới tài khoản tiết kiệm của bạn, tuy nhiên thì đầu tư sẽ giúp bạn lấy lại. Nói cách khác, tiết kiệm sớm bạn sẽ có cơ hội để khắc phục khó khăn ở những thời điểm không may.

2. Rút tiền tiết kiệm cho chi tiêu hàng ngày

Lời khuyên tài chính mà mọi người đều đã từng nghe ít nhất một lần trong đời nhưng không phải ai cũng làm được, đó là tạo một quỹ khẩn cấp có thể trang trải các chi phí của bạn từ 3 đến 12 tháng. Quỹ này nhằm mục đích cho bạn có dự phòng về tiền bạc trong những tình huống bất ngờ, chẳng hạn như sửa nhà, hỏng ô tô, mất việc. Có quỹ khẩn cấp, bạn sẽ không cần phải rút tiền tiết kiệm nghỉ hưu để chi tiêu.

Bạn hãy nhớ rằng, tiết kiệm hưu trí được bạn duy trì chỉ để phục vụ cho mục đích nghỉ hưu sau này. Nếu bạn quyết định dùng những khoản tiền này từ sớm thì bạn sẽ bị giảm lãi suất cũng như hình thành thói quen xấu, không kiên trì với các mục tiêu tài chính. Nhìn chung, trừ những trường hợp thực sự bất khả kháng, nếu không thì bạn không nên tiêu tiền để dành cho tương lai chỉ để đáp ứng các nhu cầu hiện tại.

3. Không tăng tiền tiết kiệm hàng tháng khi thu nhập tăng

Một điều rất quan trọng khác là bạn cũng phải thường xuyên xem xét lại ngân sách của mình để xác định xem liệu có bất kỳ cơ hội nào để tiết kiệm thêm tiền hay không. Khi thu nhập của bạn tăng lên, hãy cân nhắc thiết lập mức tăng tự động khoản tiền tiết kiệm hưu trí. Tăng tỷ lệ tiết kiệm so với thu nhập sẽ khiến tổng số tiền bạn để dành tăng lên đáng kể, thu về được nhiều tiền lãi hơn. 

Những sai lầm nghiêm trọng khi tiết kiệm tiền dưỡng già - Ảnh 2.

Khi thu nhập tăng, bạn hãy tăng tiết kiệm hưu trí. (Nguồn: AIA Malaysia)

Dù vậy, hãy nhớ là bạn vẫn có thể ưu tiên đầu tư vào bản thân – các kế hoạch phát triển nghề nghiệp để tăng thu nhập hơn nữa nếu có thể.

4. Ưu tiên các khoản khác hơn là tiết kiệm nghỉ hưu

Với nhiều người, bởi vì thu nhập có hạn nên luôn có nhiều lý do để chần chừ không tiết kiệm hưu trí, ví dụ như để dành cho con học đại học. Dĩ nhiên, con cái hay gia đình, bạn bè và người thân luôn có nghĩa quan trọng, chúng ta muốn dành cho họ điều tốt đẹp nhất nhưng điều đó không phải tất cả.

Bạn có thể có nhiều lựa chọn để trang trải những chi phí như nuôi con học đại học – ví dụ như các khoản vay sinh viên, xin học bổng, trợ cấp hay làm thêm công việc khác. Trong khi đó, việc để tiết kiệm chuẩn bị cho kế hoạch nghỉ hưu sau này thì không có những lựa chọn như vay mượn. Về cơ bản, bạn hãy đảm bảo rằng mình đang đặt mức độ ưu tiên phù hợp với ngân sách.

5. Chỉ muốn đầu tư sinh lời, không muốn để tiền nằm im một chỗ

Khi bạn còn trẻ, bạn có thể đầu tư vào các tài sản rủi ro hơn với lợi nhuận cao hơn vì bạn còn nhiều thập kỷ để làm việc, nỗ lực tích lũy trước khi nghỉ hưu. Tuy nhiên, khi bạn sắp chính thức dừng làm việc thì bạn nên giảm một số rủi ro trong danh mục đầu tư của mình vì bạn có ít thời gian hơn. 

Bạn nên giữ từ 5 đến 7 năm thu nhập hưu trí ở dạng thu nhập cố định. Do đó, nếu thị trường chứng khoán, bất động sản hay bất kỳ lĩnh vực đầu tư nào khác của bạn đi xuống, bạn cũng sẽ không phải bán tháo để thu hồi vốn.

Bên cạnh đó, bạn cũng cần chắc chắn rằng mình đã điều chỉnh phân bổ tài sản của mình cho một danh mục đầu tư ít rủi ro hơn khi sắp về hưu. Mục đích là để hạn chế nhược điểm đồng thời đạt được một số lợi ích tiết kiệm. Đa dạng hóa đầu tư cũng là chìa khóa để thành công.

Khi nói đến việc lập kế hoạch và tiết kiệm cho việc nghỉ hưu sau này, bạn bắt đầu càng sớm càng tốt. Bạn nên ưu tiên cho bản thân trong khi tập trung vào mục tiêu, thời gian và khả năng chấp nhận rủi ro của bạn.

Thu Phương