Bài học rút ra từ nỗ lực tái cơ cấu nợ của Singapore
Sự sụp đổ của công ty xử lý nước nổi tiếng một thời Hyflux cũng như của các công ty dầu khí khác đã thu hút chú ý về quá trình tái cơ cấu nợ và thủ tục phá sản ở Singapore
Báo The Business Times mới đây đăng bài viết của tác giả David Gerald, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Hiệp hội các nhà đầu tư chứng khoán Singapore (SIAS), đánh giá sự sụp đổ của công ty xử lý nước nổi tiếng một thời Hyflux cũng như của các công ty dầu khí khác đã thu hút chú ý về quá trình tái cơ cấu nợ và thủ tục phá sản ở Singapore.
Trong vài năm qua, SIAS đã tham gia một số hoạt động tái cơ cấu doanh nghiệp theo quyết định của tòa án, với nhiều vụ việc liên quan đến các công ty trong lĩnh vực dầu khí. Với các kinh nghiệm rút ra, SIAS đề xuất cải thiện quy trình áp dụng Mục 64, trong Đạo luật về Phá sản, Tái cơ cấu và Giải thể (IRDA), cho phép các công ty nợ nần và gặp khó khăn có không gian tái cơ cấu các khoản nợ của họ.
Thời gian là vấn đề cốt yếu
Để gia tăng tối đa khả năng tái cơ cấu thành công và tránh đóng cửa công ty, thời gian là vấn đề cốt yếu. Quá trình tái cơ cấu được tiến hành càng sớm thì cơ hội có được một hình thức giải quyết nào đó càng khả quan hơn.
Tuy nhiên, thuyết phục các công ty công khai những khó khăn tài chính của họ không phải là việc dễ dàng. Hơn nữa, các ngân hàng cho vay có khả năng phản đối vì khi đó họ sẽ phải trích lập các khoản dự phòng đáng kể. Họ có thể thuyết phục các công ty tiến tới một hình thức tái cơ cấu dựa vào thỏa thuận nào đó.
Bất chấp thực tế này, SIAS chỉ ra rằng trong hầu hết mọi trường hợp, các vấn đề của mỗi công ty đã được thị trường biết đến rộng rãi trước khi họ chuẩn bị hồ sơ xin phá sản. Việc trì hoãn quá trình này thường không đem lại lợi ích nào đáng kể.
Hội đồng quản trị và ban quản lý cấp cao của doanh nghiệp nên tự đặt câu hỏi rằng, giữa việc chờ đợi để tìm cách giải quyết các vấn đề của công ty, hay nhận trợ giúp từ tòa án và các chuyên gia về tái cơ cấu nợ càng sớm càng tốt, điều gì là tốt hơn cho các cổ đông?
Công khai, minh bạch thông tin
SIAS luôn nhấn mạnh sự cần thiết phải công khai và minh bạch thông tin giữa các công ty và cổ đông của họ. Trong trường hợp của Hyflux, SIAS đã gửi hàng chục câu hỏi đến công ty này. Mặc dù hầu hết câu hỏi đều được trả lời, nhưng nhiều câu trả lời mang tính hình thức sáo rỗng, trên thực tế hầu như không có thông tin hữu ích nào.
SIAS nhận ra rằng một khi lệnh hoãn trả nợ được kích hoạt, công ty thường nói càng ít càng tốt để tránh những vấn đề rắc rối sau này. Đối với các nhà đầu tư cá nhân đang phải đối mặt với khả năng mất tất cả số tiền mà họ đã đầu tư, không gì tồi tệ hơn là phải dò dẫm trong bóng tối để tìm câu trả lời mà không hề có thông tin gì.
Các tổ chức đầu tư có khả năng tiếp cận thông tin tốt hơn nhiều với những gì diễn ra sau hậu trường, nhưng nhà đầu tư cá nhân thường sẽ không thể hành động nhanh chóng và gánh chịu hậu quả khi các công ty rơi vào tình trạng khó khăn.
Điều quan trọng là cần có một sự thống nhất về những thông tin cập nhật tình hình hoạt động và cơ cấu nợ của của doanh nghiệp. Cơ quan quản lý hoặc tòa án có thể yêu cầu doanh nghiệp công bố và cập nhật thường xuyên về tiến trình tái cơ cấu, có thể là ba đến bốn tuần một lần. Quy định này không phải là hiếm ở một số nước khác.
Có nên xác lập phí cố vấn?
Trong hầu hết các cuộc tái cơ cấu, các công ty phải trả một khoản phí đáng kể cho các bên đóng vai trò cố vấn trong toàn bộ quá trình tái cơ cấu. Hiện tại, các khoản phí được công ty và các cố vấn của họ thỏa thuận với nhau. SIAS khuyến nghị việc nên xác lập một khuôn khổ và giới hạn đối với các khoản phí này, và tòa án nên giám sát các khoản phí thanh toán.
Trong trường hợp của Hyflux, công ty ban đầu đồng ý tài trợ cho hoạt động tư vấn pháp lý và tài chính của những người nắm giữ trái phiếu và cổ phiếu ưu đãi của công ty. Tuy nhiên, khi công ty cạn nguồn tài chính, khoản chi phí này có thể không được thanh toán. Điều này cho thấy sự cần thiết của việc xác định nguồn tài trợ độc lập và bền vững trong suốt quá trình tái cơ cấu.
Năm 2017, SIAS cùng với công ty luật Rajah & Tann Singapore đã đệ trình lên Cơ quan Quản lý tiền tệ Singapore (MAS, ngân hàng trung ương) một đề xuất kêu gọi các công ty phát hành trái phiếu có chính sách bảo hiểm tại thời điểm phát hành, để những nhà đầu tư bị thiệt hại sẽ được tư vấn về mặt pháp lý trong trường hợp công ty vỡ nợ.
Nếu sự cố vỡ nợ xảy ra, khoản tiền bảo hiểm này có thể được sử dụng trong việc tổ chức hội họp cũng như thanh toán phí tư vấn pháp lý và tài chính của người nắm giữ trái phiếu. Bộ phận phụ trách điều tiết quy định trên Sàn giao dịch chứng khoán Singapore đang xem xét điều chỉnh các quy định về niêm yết trái phiếu và biện pháp bảo vệ nhà đầu tư.