|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bác sĩ Mỹ lo sợ âm tính giả tạo 'điểm mù' trên trận địa chống COVID-19

11:54 | 13/04/2020
Chia sẻ
Các chuyên gia cảnh báo khoảng 1/3 trường hợp nhiễm virus corona ở Mỹ nhận kết quả xét nghiệm âm tính sai và lo ngại nỗ lực chống dịch vẫn còn những "điểm mù" về quy mô dịch.

Các chuyên gia y tế Mỹ tin rằng cứ ba bệnh nhân Covid-19 sẽ có một người nhận kết quả quả âm tính sai. Kết luận này dựa trên phản ánh thực tế từ nhiều bác sĩ trực tiếp khám và điều trị cho các bệnh nhân, theo Wall Street Journal.

Trước nhu cầu mở rộng xét nghiệm nhanh chóng, nhiều loại kit thử COVID-19 ở Mỹ đang được lưu hành với mức độ giám sát tối thiểu và thiếu sự nghiên cứu kĩ lưỡng. 

Những trường hợp "âm tính giả" làm dấy lên mối lo ngại về độ tin cậy của xét nghiệm được các phòng thí nghiệm, hãng dược phẩm và Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC) gấp rút phát triển.

Bác sĩ Mỹ lo sợ âm tính giả tạo 'điểm mù' trên trận địa chống COVID-19 - Ảnh 1.

Nhân viên y tế bang Massachusetts chuyển bệnh nhân xét nghiệm dương tính với virus corona đến cơ sở điều trị ngày 10/4. Ảnh: Reuters.

Báo động "âm tính giả" ở nhiều bang

Michele Hickle, sống tại Texas, bắt đầu sốt và ho khan vào ngày 17/3, sau đó tự cách ly tại nhà. Xét nghiệm Covid-19 lần một của Hickle, do phòng thí nghiệm y tế công cộng bang Texas thực hiện, cho kết quả âm tính nên bệnh nhân trở lại sinh hoạt bình thường với gia đình.

Trong những ngày sau, các triệu chứng vẫn tiếp diễn và ngày càng nghiêm trọng, buộc Hickle phải đến cơ sở y tế địa phương để kiểm tra thêm lần nữa. 

Dựa trên ảnh chụp x-quang, cô được chẩn đoán viêm phổi. Bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân đã nhiễm virus corona nên tiến hành xét nghiệm lần hai. Mẫu bệnh phẩm được gửi đến công ty Quest Diagnostis và mất gần một tuần mới trả về. Kết quả cho thấy cô dương tính với virus.

Người phát ngôn của Cơ quan Y tế bang Texas cho biết có khả năng xét nghiệm không phát hiện được virus trong giai đoạn đầu nhiễm bệnh, hoặc các bệnh nhân phơi nhiễm từ một nguồn khác trước khi xét nghiệm lại. Tuy nhiên, Hickle không phải là trường hợp xét nghiệm sai duy nhất tại bang này.

Theo Peter Brokish, bác sĩ tại một phòng cấp cứu ở Dallas, một số bệnh nhân của ông thời gian qua dù được công ty LabCorp (Laboratory Corp of America Holdings) xét nghiệm âm tính với virus corona vẫn trở lại khám với triệu chứng nặng hơn ban đầu. Sau khi nhập viện, họ được xét nghiệm lại và kết quả chuyển thành dương tính.

"Bạn dễ dàng nhận ra đó là âm tính giả", Brokish chia sẻ.

Đối với các bệnh viện của New York, bệnh nhân có triệu chứng Covid-19 dù xét nghiệm âm tính cũng không được đưa khỏi diện nghi nhiễm, theo Dara Kass, bác sĩ khoa cấp cứu thuộc hệ thống bệnh viện NewYork-Presbyterian. Vì dịch bệnh đã lan rộng cả thành phố, mọi bệnh nhân có triệu chứng phải được điều trị như người xét nghiệm dương tính.

Trong khi đó, trả lời Wall Street Journal, bác sĩ Linda Girgis tại New Jersey cũng ghi nhận tình trạng tương tự với kết quả xét nghiệm của một nhân viên y tế địa phương được công ty Quest Diagnostics thực hiện. Cô lo ngại một số nhân viên y tế có thể đang làm việc mà không biết mình mang theo mầm bệnh truyền nhiễm.

Craig Deligdish, một lãnh đạo của hệ thống bệnh viện Omni Healtcare tại bang Florida, từng gặp một bệnh nhi 16 tháng tuổi xét nghiệm dương tính với virus corona. 

Chỉ vài ngày sau, xét nghiệm tại một cơ sở khác, với mẫu bệnh phẩm cũng lấy từ ca nhiễm này, lại cho kết quả âm tính. Deligdish quyết định tin vào kết quả dương tính ban đầu vì có khả năng cháu bé đã khỏi bệnh khi lấy mẫu xét nghiệm lần hai.

"Kết quả âm tính giả sẽ gây rắc rối vì bệnh nhân nghĩ mình không có virus", vị bác sĩ chuyên khoa ung thư tại Melbourne, bang Florida, cảnh báo nguy cơ người nhiễm vô tình lây lan virus.

Bác sĩ Mỹ lo sợ âm tính giả tạo 'điểm mù' trên trận địa chống COVID-19 - Ảnh 2.

Người dân tại bang Washington đến lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại Bệnh viện Đại học George Washington ngày 10/4. Ảnh: Reuters.

Khó khăn cho nỗ lực chống dịch

Mọi xét nghiệm đều có mức sai lệnh nhất định. Mức độ này được đánh giá bằng độ nhạy (tỷ lệ phát hiện chính xác ca dương tính) và độ đặc hiệu (tỷ lệ phát hiện chính xác ca âm tính). Thông thường, những cơ quan như CDC hay Cục Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cần nhiều thời gian để nghiên cứu và phê duyệt các xét nghiệm này, đảm bảo kit thử có mức sai lệch thấp nhất.

"Hiện nay, phần lớn xét nghiệm được thông qua một quy trình thẩm định cấp tốc. Kết quả là chúng ta không thể hoàn toàn tin tưởng vào hiệu quả của chúng", Bill Miller, bác sĩ và chuyên gia dịch tễ học tại Đại học Bang Ohio, nhận định.

Âm tính giả khiến bệnh nhân chủ quan và trở lại với nhịp sinh hoạt bình thường nhưng thật ra vẫn có nguy cơ lây nhiễm cho người khác. Miller cảnh báo điều này sẽ dẫn đến "điểm mù" trong khả năng nhìn nhận về quy mô dịch bệnh.

Theo Mike Lozano, lãnh đạo tập đoàn Envision Healthcare chuyên cung cấp dịch vụ cho các bệnh viện, những kit xét nghiệm hiện hành có độ nhạy thấp hơn sản phẩm cùng loại ở những nơi khác. Ông ước tính độ nhạy của kit thử tại khu vực Florida chỉ khoảng 70%, nghĩa là gần 1/3 bệnh nhân COVID-19 sẽ ra viện nghĩ rằng mình âm tính với virus corona.

Đồng tình với tỷ lệ này còn có bác sĩ Chris Smalley, làm việc cho hãng Norton Healthcare, có trụ sở tại bang Kentucky. Ông nói các bác sĩ dần nhận ra hiệu quả hoạt động của kit xét nghiệm trong quá trình sử dụng thực tế, còn thật ra dữ liệu nghiên cứu chuẩn xác vẫn hạn chế. 

Theo Smalley, một số bệnh nhân của ông dù xét nghiệm âm tính vẫn xuất hiện triệu chứng rất giống Covid-19 và cần lưu viện trong thời gian dài.

Tình trạng tương tự cũng từng được ghi nhận ở Vũ Hán, Trung Quốc. Trong một nghiên cứu hồi tháng 2 đối với khoảng 1.000 bệnh nhân, được công bố trên tạp chí khoa học Radiology, các kit thử tương tự số sản phẩm Mỹ đang sử dụng chỉ phát hiện khoảng 60% dương tính. 

Tuy nhiên, thông qua ảnh chụp CT lồng ngực, các bác sĩ phát hiện đến gần 90% ca bệnh có dấu hiệu nhiễm virus corona.

Theo một số bác sĩ, tình trạng thiếu hụt nguyên liệu và vật tư xét nghiệm tại Mỹ có thể ảnh hưởng đến độ chính xác trong chẩn đoán. Vì lượng bệnh nhân quá đông nên hiếm khi nào các trường hợp nghi nhiễm được xét nghiệm lần hai sau khi xét nghiệm lần đầu đã âm tính.

Kết quả xét nghiệm sai, theo các bác sĩ, có thể do khác biệt về thu thập và vận chuyển mẫu bệnh phẩm. Cách lấy mẫu xét nghiệm từ mũi thường thu được lượng niêm dịch có nồng độ virus thấp hơn phương pháp phết vòm họng.

Thanh Danh