|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bắc Kinh đang cảnh giác cao độ trước các lực cản kinh tế chồng chất

09:14 | 24/11/2021
Chia sẻ
Thủ tướng Lý Khắc Cường kêu gọi chính quyền địa phương ưu tiên hỗ trợ thêm cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Một số cố vấn chính phủ cảnh báo cuộc phục hồi kinh tế của Trung Quốc chưa vững vàng.
Bắc Kinh đang cảnh giác cao độ trước các lực cản kinh tế chồng chất - Ảnh 1.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường. (Ảnh: Tân Hoa Xã).

Cuộc họp giữa Thủ tướng Lý Khắc Cường và 10 người đứng đầu chính quyền địa phương Trung Quốc hôm 22/11 cho thấy Bắc Kinh đang cảnh giác cao độ trước các lực cản ngày càng dữ dội đối với nền kinh tế thứ hai thế giới, tờ South China Morning Post (SCMP) nhận định.

Chính phủ trung ương Trung Quốc hứa hẹn cung cấp một loạt biện pháp hỗ trợ mới cho doanh nghiệp vừa và nhỏ để bảo vệ việc làm và tăng trưởng.

Động thái này được đưa ra nhanh chóng sau khi một vài cố vấn chính phủ cảnh báo rằng cuộc phục hồi kinh tế của Trung Quốc chưa vững vàng. Tốc độ tăng trưởng GDP quý IV của Trung Quốc bị cho là sẽ rơi xuống dưới ngưỡng quan trọng là 4%.

Ông Lý Khắc Cường nói trong cuộc gặp gỡ với quan chức từ 10 chính quyền tỉnh: "Các yếu tố không ổn định và không chắc chắn trong và ngoài nước đang gia tăng và nền kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt với áp lực suy giảm mới".

Những người tham gia bao gồm lãnh đạo của các trung tâm kinh tế như Thượng Hải, Quảng Đông, Giang Tô và Chiết Giang, nhưng cũng có các chủ tịch từ các khu vực kinh tế kém sôi động hơn như Quý Châu và Cát Lâm, tờ Tân Hoa Xã (Xinhua) đưa tin.

Bắc Kinh đang cảnh giác cao độ trước các lực cản kinh tế chồng chất - Ảnh 2.

Ông Lý Khắc Cường kêu gọi chính quyền địa phương có thêm hành động để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và coi đây là ưu tiên kinh tế lớn. Ví dụ, các chính quyền có thể giảm thuế và giúp doanh nghiệp trong việc thanh toán nợ tồn đọng.

Đồng thời ông thúc giục các chủ tịch tỉnh xây dựng môi trường kinh doanh tốt hơn cho doanh nghiệp vừa vừa nhỏ, nới lỏng các hạn chế hành chính, tránh "các biện pháp quá cứng nhắc, khiên cưỡng".

Chỉ 4 ngày trước đó, ông Lý Khắc Cường cũng nêu lên lo ngại tương tự trong hội nghị ở Bắc Kinh với các nhà kinh tế và doanh nhân.

Trong cả hai cuộc họp, ông đều nhấn mạnh trọng tâm của chính phủ là "đảm bảo an ninh trong việc làm, sinh kế của người dân và các thực thể thị trường", câu cửa miệng thường được dùng khi Trung Quốc hỗ trợ nền kinh tế bằng các chính sách trong giai đoạn xấu nhất của đại dịch.

Ông Lý Khắc Cường cũng kêu gọi cung cấp thêm các khoản trợ cấp thu nhập ở cấp cơ sở và tăng cường hỗ trợ tài chính ở cấp dưới chính quyền quận.

Cảnh báo của chuyên gia

Ông Liu Yuanchun, Phó hiệu trưởng Đại học Nhân dân Trung Quốc và là cố vấn của chính phủ, cũng đã cảnh báo về những áp lực kinh tế mang tính cơ cấu trong nửa cuối năm. Ông và các đồng nghiệp dự kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ chậm lại còn 3,9% trong ba tháng cuối năm, giảm 1 điểm % so với quý III.

Ông Liu cảnh báo vào tuần trước: "Tác động của chi phí gia tăng đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã lên đến đỉnh điểm, doanh nghiệp sẽ khó có thể chịu đựng được lâu hơn nữa".

Doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Trung Quốc tạo ra khoảng 80% việc làm ở thành thị và 60% GDP quốc gia. Những doanh nghiệp này được nhìn nhận là trụ cột chính hỗ trợ tăng thu nhập và tiêu dùng tư nhân trong nước theo chiến lược "lưu thông kép" hướng nội của Bắc Kinh.

Tuy nhiên, nhóm doanh nghiệp này chịu ảnh hưởng nặng nề bởi giá nguyên liệu thô tăng. Loạt chính sách hà khắc của chính phủ và thiếu hụt năng lượng càng khiến tình hình tệ hơn.

Động thái mới nhất từ Bắc Kinh được đưa ra sau khi giới chuyên gia cảnh báo rằng những chính sách trước đó là không đủ để hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ trong cuộc phục hồi hậu đại dịch.

Ông Liu chỉ rõ: "Chỉ riêng sự gia tăng chi phí do giá nhập khẩu cao hơn dự kiến sẽ leo lên tới 1.400 tỷ nhân dân tệ trong năm nay. Trong khi đó, tổng số tiền cắt giảm thuế và trợ giúp dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ lại chỉ vào khoảng 700 tỷ nhân dân tệ".

Giáo sư tài chính Zhao Xijun tại Đại học Nhân dân Trung Quốc nói với SCMP: "Nếu một lượng lớn doanh nghiệp vừa và nhỏ sụp đổ, không chỉ nhiều việc làm bị xóa sổ mà các dịch vụ thiết yếu cho người dân cũng sẽ bị thiếu hụt".

Thách thức với chính quyền địa phương

Cũng trong hôm 22/11, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đã ban hành kế hoạch tăng cường nỗ lực cứu trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Văn bản khuyến khích chính quyền địa phương phân bổ quỹ cứu trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ để làm giảm gánh nặng chi phí tiền thuê nhà và hóa đơn điện nước, cùng với các khoản trợ cấp để bù đắp chi phí nguyên liệu, logistics và tiền lương ngày càng tăng. Văn bản cũng cho biết sẽ có thêm đảm bảo đài chính được cấp cho doanh nghiệp.

Chính phủ Trung Quốc cũng đã ban hành hai kế hoạch hành động riêng biệt trong tuần này nhằm tăng cường hỗ trợ tài chính và chính sách cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Mục tiêu là giúp các doanh nghiệp này tăng cường khả năng cạnh tranh và có công nghệ tiên tiến giải quyết các vấn đề cụ thể.

Ông Xu Xiaolan, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc phát biểu tại cuộc họp báo hôm 23/11: "Nền kinh tế Trung Quốc sẽ chỉ vận hành tốt khi doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động tốt, chúng ta nên nghiêm túc giúp đỡ các doanh nghiệp này vượt qua khó khăn và nhanh chóng nâng cao khả năng cạnh tranh của họ".

Ông Ding Shuang, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Standard Chartered nhận định việc bổ sung cho quỹ cứu trợ sẽ là thử thách đối với nhiều chính quyền địa phương, vì họ sẽ phải dựa vào túi tiền của mình thay vì phát hành trái phiếu phục vụ mục đích đặc biệt.

Ông Ding cũng cho rằng Bắc Kinh sẽ không có động thái quyết liệt nào nhằm nới lỏng chính sách tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ các công ty nhỏ.

Giang