Ba yếu tố có thể giúp USD giữ vững sức mạnh dù Fed sắp hạ lãi suất
Đi ngược quy luật
Đồng USD khởi đầu năm 2024 bằng một đợt tăng giá bất chấp giới đầu tư dự kiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giảm mạnh lãi suất trong năm nay.
Chi phí đi vay tại Mỹ có thể sẽ còn giảm nhiều hơn nữa nếu lạm phát tiếp tục hạ nhiệt. Song, sức mạnh nội tại của Mỹ trong bối cảnh nền kinh tế thế giới giảm tốc và vai trò thiết yếu của USD trong lĩnh vực tài chính - thương mại sẽ giúp đồng bạc xanh trụ vững trong một khoảng thời gian.
Mối quan hệ giữa đồng tiền pháp định và lãi suất của quốc gia phát hành nó có thể rất phức tạp. Tuy nhiên, theo quy luật thông thường, tiền tệ mạnh lên khi lãi suất tăng và suy yếu khi lãi suất giảm. Trên thực tế, giá USD đang diễn biến ngược với quy luật này.
Chỉ số USD đã sụt 2,1% giữa lúc lãi suất ở Mỹ tăng rõ rệt hồi năm 2023. Nhưng theo tờ Reuters, chỉ số này lại đi lên 1% kể từ đầu năm 2024 bất chấp đông đảo các nhà đầu tư kỳ vọng lãi suất sẽ đi xuống. Deutsch Bank cho biết tuần vừa qua là tuần tích cực nhất của chỉ số USD kể từ tháng 7 năm ngoái.
Ba lý do
Sức mạnh của đồng USD có thể được giải thích một phần bằng lý do kỹ thuật. Dữ việc việc làm được công bố trong tuần đầu năm mới báo hiệu nền kinh tế số một thế giới vẫn mạnh mẽ, khiến một số nhà đầu tư hạ bớt kỳ vọng về quy mô và thời điểm của các đợt giảm lãi suất.
Song, thị trường vẫn dự đoán Fed sẽ giảm chi phí vay 7 lần trong năm 2024, từ đó đưa lãi suất chính sách xuống còn khoảng 4% từ mức hiện tại là 5,25% - 5,5%, theo dữ liệu do LSEG tổng hợp. Nếu như theo lẽ thường, kịch bản này sẽ khiến các nhà đầu tư quay lưng với đồng bạc xanh.
Tuy nhiên, ba yếu tố khác đang khiến giá USD di chuyển theo hướng ngược lại. Yếu tố đầu tiên được Fed gọi là “Vòng tròn Đế vương”. Lãi suất tại Mỹ tăng cao sẽ giúp thúc đẩy giá trị đồng USD và khiến giao dịch của các công ty nước ngoài trở nên đắt đỏ hơn. Kết quả là tăng trưởng kinh tế của thế giới chậm lại.
Nền kinh tế Mỹ ít phụ thuộc vào phần còn lại của thế giới, do đó Mỹ lại trở thành điểm sáng trong tình huống này. Theo số liệu của World Bank năm 2022, giao dịch thương mại chỉ tương đương 30% GDP Mỹ nhưng lại tương đương với 100% GDP Đức và 47% GDP Nhật Bản. Tốc độ tăng trưởng kinh tế vượt trội của Mỹ làm tăng tính hấp dẫn của các tài sản USD và giúp nâng cao giá trị của đồng bạc xanh.
Chu kỳ trên đang diễn ra ngay lúc này. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán tốc độ tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ chỉ đạt 2,9% trong năm 2024, thấp hơn hẳn mức trung bình 3,8% trong giai đoạn 2000-2020. Nhưng Mỹ vẫn sẽ tăng trưởng nhanh hơn các nước như Anh, Pháp, Đức và Nhật Bản.
Yếu tố thứ hai thúc đẩy giá USD là nếu Fed khống chế được lạm phát mà không gây ra suy thoái thì thị trường chứng khoán Mỹ rất có thể sẽ thăng hoa, thu hút dòng tiền từ những nhà đầu tư ngoại quốc. Trên thực tế, trong 5 chu kỳ Fed hạ lãi suất gần nhất, có ba trường hợp chỉ số USD đi lên, theo Capital Economics.
Thứ ba, bất kỳ cú sốc bên ngoài nào cũng sẽ thôi thúc các nhà đầu tư tìm đến nơi trú ẩn an toàn là đồng bạc xanh, ví dụ như xung đột ở Ukraine, Gaza hoặc Biển Đỏ. Sự mong manh của nền kinh tế toàn cầu và vai trò thiết yếu của USD trong hoạt động của thế giới sẽ duy trì sức mạnh của đồng tiền này.