|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Ba quản lí của JPMorgan bị truy tố tội thao túng thị trường, tạo cung cầu giả lừa dối khách hàng trong 8 năm

17:11 | 17/09/2019
Chia sẻ
Ngày 16/9, các công tố viên liên bang Mỹ đã chính thức truy tố ba quản lí thuộc bộ phận giao dịch kim loại quí của ngân hàng JPMorgan tội thao túng thị trường "trên qui mô khổng lồ trong nhiều năm".

Các công tố viên cũng cảnh báo rằng cuộc điều tra sẽ còn tiếp diễn và nhằm vào những quản lí cấp cao hơn của ngân hàng lớn nhất nước Mỹ này.

Theo Bloomberg, những quản lí bị truy tố bao gồm: Michael Nowak – Giám đốc Bộ phận giao dịch kim loại quí, cùng với Gregg Smith và Christopher Jordan – đều là các quản lí tại cùng bộ phân thuộc JPMorgan.

Michael Nowak năm nay 45 tuổi, gia nhập JPMorgan từ năm 1996. Ông này đã nghỉ phép tại JPMorgan từ tháng 8 vừa qua.

Gregg Smith năm nay 55 tuổi, làm việc tại JPMorgan từ tháng 5/2008 khi JPMorgan mua lại ngân hàng đầu tư Bear Stearns đang đứng bên bờ vực phá sản. Hiện nay ông này cũng đang nghỉ phép.

Christopher Jordan năm nay 47 tuổi từng là giao dịch viên và Giám đốc điều hành tại bộ phận giao dịch kim loại quí của JPMorgan từ năm 2006 đến tháng 12/2009. Sau đó, Jordan chuyển sang làm giao dịch viên kim loại quí tại Credit Suisse rồi tiếp tục chuyển sang công ty chứng khoán First New York Securities.

Cả ba đều bị buộc tội liên quan đến thao túng thị trường kim loại quí tương lai (futures) theo qui định của Luật về những tổ chức biến chất và lừa đảo (RICO). Luật này thường chỉ được dùng để đối phó với hành vi tội phạm có tổ chức.

Việc luật RICO được đưa ra sử dụng trong trường hợp này cho thấy JPMorgan đang phải đối mặt với bê bối pháp lí  nghiêm trọng. Vụ việc nhiều khả năng sẽ không dừng lại ở những cá nhân đang bị truy tố.

"Chúng tôi sẽ theo dấu các bằng chứng đến bất cứ đâu, cho dù là sang bàn làm việc bên cạnh hoặc đến các ngân hàng khác hoặc các quản lí cấp cao hơn trong ngân hàng", Trợ lí Bộ Trưởng Bộ Tư pháp Mỹ Brian Benczkowski khẳng định với báo giới.

Theo các công tố viên, những quản lí này thực hiện "hành vi lừa đảo và thao túng thị trường trên phạm vi rộng" khi làm việc tại JPMorgan.

Trong đó, JPMorgan cùng với HSBC là hai ngân hàng đóng vai trò chủ đạo trên thị trường giao dịch vàng và bạc toàn cầu.

Cụ thể, các công tố viên cho rằng từ tháng 5/2008 đến tháng 8/2016, các quản lí của JPMorgan cùng với những kẻ đồng lõa đã đặt các lệnh giao dịch giả "siêu to khổng lồ" rồi nhanh chóng hủy trước khi các lệnh này được thực hiện, khiến các nhà đầu tư khác lầm tưởng về thanh khoản cũng như biến động thị trường và rơi vào bẫy.

Ba người này còn bị báo cuộc lừa đảo khách hàng mua hợp đồng quyền chọn (options) tại JPMorgan, bằng cách giao dịch hợp đồng tương lai với kim loại "theo hướng đẩy giá về ngưỡng có lợi cho ngân hàng" và gây thiệt hại cho khách hàng.

Các kim loại bị thao túng giá bao gồm vàng, bạc, bạch kim và palladi trên các sở giao dịch quản lí bởi CME Group, trong đó có Nymex và Comex.

Những quản lí này được cho là đã tạo ra lợi nhuận bất chính hàng triệu USD cho ngân hàng JPMorgan trong khi các đối tác và khách hàng phải chịu thiệt hại.

16metals-articleLarge

Ngân hàng JPMorgan. Ảnh: Reuters

Financial Times đã liên hệ nhưng JPMorgan từ chối đưa ra bình luận. Theo cáo buộc của công tố viên, Jordan và Smith còn nói dối với các điều tra viên chính phủ và nhân viên kiểm soát tuân thủ của ngân hàng trong nhiều năm liền.

Theo đó, năm 2010, Jordan cố ý nói dối trong một cuộc điều tra của Ủy ban Giao dịch hàng hóa và Hợp đồng tương lai (CFTC) về hành vi thao túng giá bạc. Còn Smith đã cung cấp thông tin sai sự thật cho các điều tra viên của CME Group về hành vi giao dịch của ông ta.

Chính phủ Mỹ đã thua trong hai vụ kiện về thao túng giá gần đây. Việc Bộ Tư pháp Mỹ tiếp tục truy tố ba quản lí của JPMorgan cho thấy các cơ quan hành pháp đang ngày càng mạnh tay chứ không nương tay cho hành vi thao túng thị trường.

Song Ngọc