Ba mối nguy tới thị trường chứng khoán Mỹ các nhà đầu tư cần chú ý
Hôm 19/8, chỉ số S&P 500 ghi nhận phiên tăng điểm thứ 8 liên tiếp - chuỗi tăng điểm dài nhất kể từ tháng 11/2023.
Dữ liệu lạm phát và doanh số bán lẻ gần đây đã xoa dịu nỗi lo của các nhà đầu tư về nguy cơ nền kinh tế Mỹ giảm tốc. Đồng thời, các số liệu này giúp củng cố niềm tin rằng cuộc bán tháo khủng khiếp vào đầu tháng diễn ra do một số nhà đầu tư chốt lời, chứ không phải do thị trường gặp phải rắc rối nghiêm trọng.
Tuy nhiên, theo tờ CNBC, một số chuyên gia lo ngại tâm lý chung đã trở nên quá lạc quan, bỏ qua những mối nguy tiềm tàng có thể khiến giá cổ phiếu giảm mạnh. Dưới đây là ba kịch bản các nhà đầu tư cần chú ý nhiều hơn để có biện pháp đối phó thích hợp:
Kịch bản 1: Fed không hạ lãi suất vào tháng 9
Theo công cụ FedWatch của CME, thị trường đang nhận định có 100% khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nới lỏng chính sách tiền tệ vào tháng 9. Điều duy nhất thị trường phân vân là các quan chức sẽ cắt giảm lãi suất 25 hay 50 điểm cơ bản (bps).
Tuy nhiên, ông Brian Mulberry, nhà quản lý danh mục đầu tư tại Zacks Investment Management, lại cho là Fed có thể giữ nguyên lãi suất trong tháng 9. Kịch bản này chắc chắn sẽ dẫn đến phản ứng tiêu cực của thị trường.
Ông lưu ý chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 không gây bất ngờ so với dự báo của các nhà kinh tế nhưng vẫn cho thấy áp lực giá dai dẳng tại một số lĩnh vực, báo hiệu lạm phát có thể “trồi sụt”. Trong khi đó, dữ liệu doanh số bán lẻ mạnh mẽ tuần trước gợi ý rằng sức mua của người tiêu dùng vẫn bền bỉ.
Ông Mulberry nói: “Chúng tôi sẽ không ngạc nhiên nếu không có đợt cắt giảm lãi suất nào trong tháng 9. Tôi cho rằng nền kinh tế Mỹ vẫn đang trên đường hạ cánh mềm, nhưng quá trình này có thể cần nhiều thời gian hơn so với kỳ vọng của thị trường, có lẽ là hơn một quý hoặc quý rưỡi”.
Kịch bản 2: Nền kinh tế hạ cánh thô bạo
Ông Arthur Budaghyan, trưởng chiến lược gia của BCA Research, dự kiến nền kinh tế số một thế giới sẽ có một cú hạ cánh thô bạo - tệ hơn hạ cánh mềm nhưng tốt hơn hạ cánh cứng.
Ông dự đoán việc Fed hạ lãi suất sẽ không đủ để hỗ trợ giá các tài sản rủi ro. Lưu ý gần đây của ông nêu rõ: “Việc Fed nới lỏng chính sách tiền tệ không đủ để nhà đầu tư lạc quan về tài sản rủi ro. Để được vậy, tốc độ tăng trưởng của Mỹ cần duy trì ở mức khá và lợi suất trái phiếu ở mức thấp.
Chúng tôi dự kiến nền kinh tế Mỹ sẽ hạ cánh một cách thô bạo, gây ra tác động tiêu cực đến tài sản rủi ro”.
Kịch bản 3: Kết quả bầu cử tổng thống Mỹ không rõ ràng
Ông Ken Mahoney, CEO Mahoney Asset Management, lo lắng về khả năng cuộc đua vào Nhà Trắng sẽ diễn ra quá sít sao, khó xác định được ai là người chiến thắng vào tối ngày 5/11.
Trường hợp tương tự đã từng xảy ra khi cựu Tổng thống George W. Bush chiến thắng bang Florida với cách biệt sít sao đến mức bang nay phải đếm lại phiếu.
Ông Mahoney nói tiếp: “Một trong những nỗi lo của chúng tôi là khi thức giấc vào sáng ngày 6/11, người Mỹ vẫn chưa biết ai sẽ là tổng thống tiếp theo. Điều này từng diễn ra vào năm 2000, các bang vẫn còn kiểm phiếu hứng chịu rất nhiều lời chỉ trích, rồi các luật sư và thống đốc cũng bị lôi vào cuộc.
Hiện nay, tôi dự đoán có 20% khả năng Mỹ gặp một số khó khăn trong việc tuyên bố ai là người thắng cử. Thị trường sẽ không thích điều này. Và có lẽ thị trường chưa mường tượng được kịch bản này sẽ xảy ra”.
Theo nền tảng cá cược chính trị PredictIt, hiện tại Phó Tổng thống Kamala Harris có 56% khả năng chiến thắng cuộc bầu cử tổng thống.