|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

‘Kịch bản trong mơ’ của chứng khoán Mỹ đang trở thành hiện thực?

09:35 | 19/08/2024
Chia sẻ
Chứng khoán Mỹ có vẻ đang bước vào kịch bản lý tưởng là lạm phát hạ nhiệt và nền kinh tế vẫn tăng trưởng ổn định.

(Hình minh họa: Business Insider). 

Hồi đầu tháng 8, các nhà đầu tư từng hoảng loạn và bán tháo cổ phiếu sau khi chứng kiến thị trường lao động suy yếu nhiều hơn dự kiến và tỷ lệ thất nghiệp kích hoạt một chỉ báo suy thoái đáng tin cậy.

Kể từ đó, thị trường chứng khoán Mỹ đã phục hồi mạnh mẽ và lấy lại mọi mất mát. Các dữ liệu kinh tế mới nhất đã làm sống dậy ước mơ của Phố Wall về một kịch bản lý tưởng: lạm phát hạ nhiệt đi cùng với nền kinh tế tăng trưởng ổn định.

Ông Tim Hayes, Giám đốc đầu tư toàn cầu của Ned Davis Research, viết trong lưu ý mới đây: “Trên thị trường chứng khoán Mỹ và thế giới, tâm lý bi quan đã dịu đi khi các nhà đầu tư nhận ra nỗi lo suy thoái đã bị thổi phồng.

Nhà đầu tư cũng kỳ vọng chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ trở nên thân thiện hơn - gần như chắc chắc Fed sẽ theo chân các ngân hàng trung ương khác và cắt giảm lãi suất vào tháng sau”.

Các chuyên gia trên Phố Wall đang trở nên lạc quan hơn khi 4 dữ liệu gần đây báo hiệu nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ hạ cạnh mềm.

Lạm phát chắc chắn trên đà giảm

Cục Thống kê Lao động Mỹ cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 chỉ đi lên 2,9% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng ghi nhận trong tháng 6 và cả dự đoán của các nhà kinh tế.

Trong một lưu ý vào tuần trước, ông Charlie Ripley, chuyên gia đầu tư cấp cao tại Allianz Investment Management, nhận xét: “Điểm mấu chốt là tốc độ hạ nhiệt của lạm phát đã chậm lại đáng kể, nhưng có vẻ vẫn sẽ đủ để Fed có thể tự tin hạ lãi suất”.

 

Giới đầu tư đã trông chờ Fed hạ lãi suất trong cả năm nay. Giám đốc chiến lược đầu tư toàn cầu của Wells Fargo kỳ vọng việc Fed nới lỏng chính sách tiền tệ có thể thúc đẩy chứng khoán Mỹ bật tăng mạnh mẽ như vào năm 1995.

Ông Bill Adams, nhà kinh tế trưởng của ngân hàng Comercia Bank, nhận xét: “CPI tháng 7 đã bật đèn xanh để Fed hạ lãi suất trong cuộc họp tiếp theo”.

Comercia dự đoán Fed giảm lãi suất 25 điểm cơ bản (bps) tại cả 4 cuộc họp chính sách kế tiếp. Ngân hàng này dự đoán các quan chức sẽ giảm lãi suất tổng cộng 150 bps trong 12 tháng tới.

Các nhà đầu tư thậm chí còn lạc quan hơn. Công cụ FedWatch của CME cho thấy nhà đầu tư nghĩ có 41% khả năng Fed hạ lãi suất 100 bps trong những tháng cuối năm 2024.  

Đơn xin trợ cấp thất nghiệp xuống mức thấp trong 5 tuần

Bộ Lao động Mỹ cho biết số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu đã giảm 7.000 trong tuần kết thúc vào ngày 10/8, xuống còn 227.000.

 

Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp leo lên mức cao nhất trong vòng một năm vào đầu tháng 8. Song, một số chuyên gia giải thích sự gia tăng đột biến này có thể là do các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như siêu bão Beryl ở Texas, không phải do nền kinh tế chững lại.

Ông Ronald Temple, Giám đốc đầu tư của Lazard Asset Management, bình luận: “Doanh số bán lẻ tháng 7 và số đơn xin trợ cấp thất nghiệp gần đây là bằng chứng mới nhất cho thấy rủi ro suy thoái ở Mỹ vẫn thấp”.

Chi tiêu tiêu dùng bất ngờ tăng

Doanh số bán lẻ tháng 7 của Mỹ tăng 1%, mức cao nhất trong vòng một năm và vượt xa dự báo 0,3% của giới chuyên gia.

 

Các nhà phân tích của Bank of America đánh giá: “Những con số trên phù hợp với kịch bản nền kinh tế hạ cánh mềm”. Ông lớn ngân hàng này dự kiến Fed sẽ thực hiện hai đợt giảm lãi suất 25 bps trong năm nay.

Ông Jim Baird, Giám đốc đầu tư của Plante Moran Financial Advisors, nói thêm: “Các nhà bán lẻ nhận được cú hích từ chi tiêu của người tiêu dùng trong tháng 7 và các nhà đầu tư có thêm bằng chứng cho thấy nền kinh tế vẫn đang trên đà tăng trưởng”.

Doanh nghiệp nhỏ tự tin hơn

Theo khảo sát mới nhất từ ​​Liên đoàn các doanh nghiệp độc lập của Mỹ (NFIB), niềm tin của các doanh nghiệp nhỏ đã tăng lên mức cao nhất từ tháng 2/2022 - ngay trước khi Fed bắt đầu tăng lãi suất.

Khảo sát còn cho thấy tỷ lệ các chủ doanh nghiệp nhỏ kỳ vọng doanh số bán hàng thực tế sẽ đi lên trong thời gian tới đã tăng 4 bps trong tháng 7, đạt mức cao nhất trong năm 2024.

Ông John Caplan, CEO công ty tài chính Payoneer, nói với Business Insider: “Chỉ số lạc quan của doanh nghiệp vừa và nhỏ do NFIB tổng hợp đã leo lên mức cao nhất trong gần hai năm rưỡi... các dữ liệu này cho chúng ta thấy sự gia tăng đột biến của nỗi sợ suy thoái trong thời gian gần đây là không có cơ sở”.

Tuy nhiên, một số chuyên gia vẫn cảnh báo về nguy cơ suy thoái xảy ra tại Mỹ nếu thị trường lao động và hoạt động kinh tế tiếp tục suy yếu. Các nhà kinh tế thuộc chi nhánh New York của Fed nhìn nhận có 56% khả năng Mỹ gặp suy thoái vào tháng 7/2025.

Giang