|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Ba dự án cao tốc Bắc-Nam sắp khởi công sẽ được thu phí như thế nào?

16:01 | 29/09/2020
Chia sẻ
Thứ trưởng Bộ GTVT đã có những giải đáp trước nhiều ý kiến cho rằng cơ chế thu phí trên cao tốc đầu tư bằng ngân sách Nhà nước sắp khởi công vào ngày 30/9 là không thỏa đáng.

Ngày 30/9 tới đây, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) sẽ đồng loạt khởi công ba dự án thành phần thuộc dự án cao tốc Bắc- Nam phía đông. Ba dự án cao tốc này gồm cao tốc Mai Sơn - QL45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây.

Ba dự án thành phần trên đã được Quốc hội khóa XIV quyết nghị chuyển đổi từ đầu tư theo phương thức đối tác công tư sử dụng một phần vốn ngân sách nhà nước (PPP) sang hình thức đầu tư công sử dụng toàn bộ vốn ngân sách nhà nước, bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, giám sát, quản lí và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư.

Nhiều ý kiến trái chiều trong việc thu phí

Ngày 26/8 vừa qua tại cuộc họp báo của Bộ GTVT thông tin về việc khởi công ba dự án thành phần tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, ba đoạn tuyến cao tốc này dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2022, đồng thời có tổ chức thu phí với mức từ 1.500 đồng - 2.000 đồng/km.

Thu phí trên ba cao tốc đầu tư bằng ngân sách Nhà nước khởi công ngày 30/9 như thế nào? - Ảnh 1.

Bộ GTVT sẽ thu phí trên các dự án cao tốc được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách tương đương với mức phí các tuyến cao tốc đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa. (Ảnh minh họa: Zingnews).

Theo Báo An ninh Thủ đô, tại buổi họp báo, việc Bộ GTVT sẽ thu phí trên các dự án cao tốc được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách, mức thu cũng tương đương các tuyến cao tốc đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa hiện nay không nhận được sự đồng tình từ dư luận.

Ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT thừa nhận, việc thu phí cao tốc còn nhiều quan điểm, các nước trên thế giới cũng áp dụng nhiều mô hình khác nhau.

Ông Đông cho biết, hiện tại, phí bảo trì đường bộ mà các xe đang đóng hàng năm là thu để bảo trì các tuyến đường khác nhau, gồm đường xã, thôn, tỉnh, huyện, có nước thu qua xăng dầu, có nước thu theo tải trọng xe.

Thứ trưởng Bộ GTVT nói thêm, lâu nay mọi người vẫn hiểu rằng các tuyến đường đầu tư bằng vốn ngân sách thì không thu phí. Tuy nhiên, ông Đông cho rằng đường cao tốc có tính thương mại cao, đi lại an toàn và thuận tiện hơn nên phương tiện nào muốn lưu thông thì phải trả tiền, nếu không thì có thể chọn QL1 để di chuyển.

Giải thích thêm về việc thu phí cao tốc, ông Lê Kim Thành, Vụ trưởng Vụ đối tác công tư PPP, Bộ GTVT, cho biết sẽ xác định giá khởi điểm và giá từng thời kì của việc thu phí.

Chỉ thu phí đường cao tốc nối hai điểm có đường quốc lộ do ngân sách Nhà nước đầu tư 

Thông tin từ Cổng thông tin điện tử của Bộ GTVT, giữa tháng 8, Bộ GTVT đã có công văn gửi Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp đề xuất phương án thu phí sử dụng đường cao tốc thông qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư.

Bộ GTVT cũng đề nghị Bộ Tài chính xem xét báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung khoản thu phí sử dụng đường cao tốc thông qua trạm thu phí vào danh mục phí, lệ phí tại Luật Phí và lệ phí.

Các nguyên tắc thu phí đường cao tốc được Bộ GTVT xác định, chỉ thu phí đối với các đường cao tốc khi đường cao tốc này nối hai điểm mà có đường quốc lộ do ngân sách nhà nước đầu tư để người dân có quyền lựa chọn và việc thu phí được thực hiện tại trạm thu phí trên tuyến đường cao tốc.

Bộ GTVT cũng xác định mức phí phải phù hợp với chất lượng dịch vụ, nhưng không vượt quá lợi ích thu được và khả năng chi trả của người sử dụng đường cao tốc.

Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Mai Sơn - QL45 đi qua địa phận hai tỉnh: Ninh Bình, Thanh Hóa có chiều dài tuyến khoảng 63,37 km, trong giai đoạn 1 xây dựng 4 làn xe hạn chế; tổng mức đầu tư giai đoạn phân kì là 12.111 tỉ đồng, trong đó chi phí xây dựng và thiết bị 7.684 tỉ đồng.

Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết đi qua địa phận tỉnh Bình Thuận có chiều dài 100,8 km; trong giai đoạn 1 đầu tư với qui mô 4 làn xe hạn chế với tổng mức đầu tư giai đoạn là 10.853.800 tỉ đồng, trong đó chi phí xây dựng và thiết bị 7.210 tỉ đồng.

Dự án thành phần cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đi qua địa phận tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai có chiều dài khoảng 99 km; giai đoạn 1 xây dựng theo qui mô 4 làn xe với tổng mức đầu tư điều chỉnh là 12.577,487 tỉ đồng, trong đó, chi phí xây dựng là 7.201 tỉ đồng.

Minh Hằng