|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Bà chủ Quốc Cường Gia Lai: Đối tác ngoại đang rất nản, muốn rút khỏi dự án 91ha Phước Kiển

07:03 | 24/02/2020
Chia sẻ
Bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch HĐQT CTCP Quốc Cường Gia Lai cho biết, vì chờ đợi thủ tục quá lâu nên hiện nay đối tác ngoại muốn rút khỏi dự án có doanh thu ước tính lên đến 50.000-70.000 tỉ đồng này.

Tại buổi gặp gỡ giữa lãnh đạo UBND TP HCM với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản sáng ngày 22/2, bà Loan một lần nữa đề nghị các Sở, ngành của thành phố quan tâm, sớm giải quyết thủ tục đầu tư xây dựng cho 6 dự án của công ty, đặc biệt là Dự án Phước Kiển.

Theo bà Loan, hiện công ty có hai dự án nòng cốt trong số 6 dự án đang bị vướng, nhiều thủ tục khiến công ty bị rối, thậm chí chuyên viên tất cả các ban ngành thụ lí hồ sơ không biết phải giải quyết thế nào.

Chờ đợi thủ tục quá lâu, đối tác ngoại muốn rút khỏi dự án Phước Kiển - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Như Loan trình bày những khó khăn ở hai dự án nòng cốt. Ảnh: Trường Nguyên.

Đối tác ngoại muốn rút khỏi Dự án Phước Kiển

Bà Loan cho biết, Dự án Phước Kiển có qui mô hơn 91 ha đã có qui hoạch chi tiết 1/500 và chấp thuận đầu tư từ năm 2017. Theo thời hạn 5 năm thì đến tháng 8/2020 sẽ hết hạn. Bên cạnh đó, kế hoạch sử dụng đất Công ty đăng kí đến nay cũng đã hết hạn.

"Chúng tôi chấp thuận đầu tư hạ tầng, đã đền bù 95%, riêng quĩ đất để đầu tư hạ tầng chúng tôi đã đền bù 100%.

Chúng tôi cũng đã nộp hồ sơ lên Sở Tài nguyên và Môi trường xin giao đất để làm trước bước xây dựng hạ tầng. Nhưng khi trình lên Sở Tài nguyên và Môi trường thì tất cả các chuyên viên vẫn lúng túng.

Họ nói từ hồi nào đến bây giờ chưa bao giờ giao đất để chấp thuận thực hiện đầu tư hạ tầng trước. Họ cũng không biết giải quyết như thế nào.

Sau nhiều lần đến, các chuyên viên hướng dẫn tôi quay về lại Sở Kế hoạch và Đầu tư để làm quyết định chấp thuận chủ trương, trở lại từ ban đầu", Chủ tịch HĐQT CTCP Quốc Cường Gia Lai trình bày.

Theo bà Nguyễn Thị Như Loan, dự án này quá lớn, tổng doanh thu khoảng 50.000-70.000 tỉ đồng nên không thể nào một mình Quốc Cường Gia Lai đủ khả năng tài chính để làm mà phải liên doanh với nước ngoài.

Bà Nguyễn Thị Như Loan chia sẻ: "Chúng tôi đã có các đối tác nước ngoài đồng hành với chúng tôi ba năm nay nhưng bây giờ người ta đang rất nản và muốn rút.

Về lí do, họ nói tại sao dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư rồi, ba bước đã xong hết rồi, kế hoạch sử dụng đất đã có rồi thì bây giờ kế hoạch sử dụng đất cũng không được gia hạn.

Quay trở lại, phải mất ba năm mới được chấp thuận chủ trương đầu tư. Nếu bây giờ làm lại từ đầu thì mất bao nhiêu lâu nữa? Chúng tôi bỏ tiền cho Quốc Cường Gia Lai thì khi nào chúng tôi mới được rút được tiền ra?

Trước đó tại văn bản kiến nghị lên UBND TP HCM, bà Loan cũng đã nêu rõ khó khăn mà công ty đang đối mặt: "Công ty chúng tôi rất rối, không thể có kế hoạch kinh doanh, dòng tiền thu - chi và tiền lãi phải trả cho các đối tác liên doanh ngày một gia tăng.

Công ty chúng tôi và đối tác không thể định hướng được kế hoạch sản xuất kinh doanh vì không thể biết được thời gian hoàn tất thủ tục để chuẩn bị tài chính, nộp thuế, thi công xây dựng, thực hiện dự án."

Đây là một bài toán rất là trăn trở. Dự án này là sự sống còn của doanh nghiệp và góp phần vào ngân sách Nhà nước, nếu cộng ba loại thuế (thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT, thuế chuyển đổi mục đích sử dụng đất) thì trên 10.000 tỉ đồng.

Để được chấp thuận chủ trương là mừng lắm, đối tác nước ngoài cũng phấn khởi cùng với Quốc Cường Gia Lai. Nhưng đến bây giờ người ta nản, nản lắm. Người ta nói thôi, chắc chúng tôi phải rút.

Mà rút thì rút chứ Quốc Cường Gia Lai cũng không có tiền để trả. Đây là một bài toán không biết giải như thế nào".

Dự án nhà ở quận 9: Hơn 7 ha nhưng chỉ được xây dựng 1 ha

Ngoài ra, Quốc Cường Gia Lai còn một dự án nhà ở khác tại Phú Hữu, quận 9. Bà Loan cho biết, chỉ riêng câu chuyện điều chỉnh dân số mà quận 9 trình lên Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Qui hoạch Kiến trúc mất một năm.

Bà Loan đưa ra lí do: "Chúng tôi có 7,4 ha tổng diện tích dự án mà chúng tôi phải gánh 1,7 ha đất giáo dục.

Bên cạnh đó, ngoài qui chuẩn qui định, chúng tôi phải gánh thêm 2.500 m đất cây xanh do vào năm 2016, quận 9 lấy đất văn hóa cho đấu giá, bây giờ thiếu cây xanh cũng bắt doanh nghiệp tôi phải bù.

Cũng vì những chuyện đó mà chúng tôi phải đi lại rất nhiều lần, cuối cùng cũng phải chấp nhận vì vốn không thể chờ được, tiền là tiền vay ngân hàng. Chúng tôi chấp nhận bán thêm phần đất giáo dục, đất cây xanh trên quận 10.

Trong tổng số 7,4 ha mà chỉ được 2,7 ha là đất xây dựng. Trong 2,7 ha chỉ được xây dựng 35%, tức là chỉ còn 1 ha. Nhưng chúng tôi chấp nhận hết, đến nay hồ sơ đã trình lên UBND TP. Và đến bây giờ cũng không biết khi nào mới được giải quyết."

Trên thực tế, tình hình tài chính của Quốc Cường Gia Lai đã ngày càng khó khăn hơn. Trong năm 2019, công ty thực hiện được 67% kế hoạch doanh thu và 50% kế hoạch lợi nhuận, tương ứng đạt 858 tỉ đồng và 80 tỉ đồng.

Kết thúc năm tài chính 2019, lượng tiền mặt của công ty rơi xuống mức thấp nhất 10 năm,  chỉ còn lại 16 tỉ đồng, giảm 117 tỉ đồng so với hồi đầu năm do hoạt động kinh doanh âm và thanh toán các khoản nợ vay.

Bên cạnh đó, hơn 11.400 tỉ đồng tài sản của công ty phần lớn tập trung ở những tài sản có tính thanh khoản kém.

Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu từng chia sẻ: " Có những dự án 20 năm rồi vẫn chưa hoàn thành, người dân vẫn chưa có sổ đỏ.

Các thủ tục chuẩn bị đầu tư dự án, từ quyết định chủ trương đầu tư, duyệt qui hoạch 1/500 tới được công nhận chủ đầu tư và làm các thủ tục khác… đã mất khoảng 3 năm.

Đến khi xây dựng một dự án nhiều tòa nhà, trung bình mất thêm trên dưới 3 năm nữa. Riêng công tác tính tiền sử dụng đất nếu xuôi chèo mát mái cũng mất một năm. Chính những điều này khiến thị trường BĐS có độ trễ."

Nguyên Ngọc