|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

19 ông lớn bất động sản tắc dự án tại TP HCM

13:04 | 22/02/2020
Chia sẻ
Trên địa bàn TP HCM hiện vẫn còn nhiều dự án ngừng triển khai do vướng các thủ tục pháp lí, thậm chí có những dự án tính đến nay hơn 10 năm vẫn nằm im bất động.

Sáng nay ngày 22/2, lãnh đạo UBND TP HCM đã có buổi làm việc với gần 40 doanh nghiệp bất động sản (BĐS) để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Trước bổi làm việc này, đã có 19 doanh nghiệp BĐS gửi văn bản kiến nghị về các dự án đang bị vướng mắc trong thời gian qua. Phần lớn các dự án này đang trong diện thanh tra, điều tra của thành phố.

Dự án Khu nhà ở Him Lam vẫn chưa được giao đất

Đối với CTCP Đầu tư Kinh doanh Địa ốc Him Lam, dự án thành phần Khu nhà ở Him Lam (quận 9) hoàn thành bồi thường giải phóng mặt bằng từ năm 2003 và hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng khu vực dự án từ năm 2010.

Đây là dự án thành phần thuộc Dự án Khu đô thị mới Bắc Rạch Chiếc do CTCP Địa ốc 10 làm chủ đầu tư chính nhưng đến nay đơn vị này nay vẫn chưa hoàn thành trách nhiệm của chủ đầu tư chính, chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng và xây dựng hệ thống hạ tầng.

Bên cạnh đó, Khu đô thị mới Bắc Rạch Chiếc đang trong quá trình thanh tra, điều tra, nên Dự án Khu nhà ở Him Lam vẫn chưa được giao đất để Him Lam thực hiện nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất và làm sổ đỏ cho khách hàng.

Theo đó, Him Lam đề nghị được thực hiện nghĩa vụ đóng góp tài chính theo tỉ lệ phân bổ cho dự án, để Địa ốc 10 hoàn thành trách nhiệm xây dựng cơ sở hạ tầng trục chính của dự án theo qui hoạch được duyệt.

Nhiều hồ sơ dự án nhà ở xã hội chưa được giải quyết

Hiện nay, Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Lê Thành là chủ đầu tư hai dự án nhà ở xã hội được xây dựng trên quĩ đất do doanh nghiệp nhận chuyển nhượng, tức không phải là quỹ đất công của Nhà nước.

Tuy nhiên, Dự án Nhà ở xã hội cho thuê Lê Thành An Lạc đang vướng hàng loạt khó khăn về: Quyết định miễn tiền sử dụng đất và thời hạn sử dụng đất; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; vay vốn ưu đãi; thế chấp dự án để vay vốn ngân hàng và chính sách thuế.

Đơn cử như trường hợp cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, dự án trên được chuyển mục đích sử dụng đất từ năm 2014 và được cấp phép, khởi công xây dựng công trình từ năm 2017.

Thế nhưng do chưa được UBND TP ban hành quyết định miễn tiền sử dụng đất nên 19 căn nhà phố của dự án chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất cho người nhận chuyển nhượng.

Tại Nhà ở xã hội Lê Thành Tân Kiên, dự án này đã gần một năm vẫn chưa có quyết định chủ trương đầu tư do vướng các khâu về chỉ tiêu qui hoạch và ranh đất thực hiện dự án.

Theo thông ti từ Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), Dự án Chung cư nhà ở xã hội Nam Lý thuộc Dự án Khu đô thị mới Bắc Rạch Chiếc do CTCP Địa ốc 10 làm chủ đầu tư hạ tầng kĩ thuật trục đường chính.

Dự án đã được Thủ tướng quyết định giao đất cho Công ty Xây dựng và Dịch vụ Nhà đất quận 10, nay là Địa ốc 10.

Do có những sai phạm trong quá trình đầu tư xây dựng, nên dự án đã bị thanh tra và toàn bộ hồ sơ đang được Cơ quan Cảnh sát điều tra thụ lí và kết luận đã được gửi UBND TP HCM.

Theo HoREA dự án đã được chấp thuận đầu tư, công nhận chủ đầu tư, thẩm định thiết kế cơ sở theo qui định của pháp luật và chỉ còn thiếu thủ tục được giao đất.

Ngoài ra, Dự án Chung cư nhà ở xã hội Nam Lý tại số 91A Đỗ Xuân Hợp, phường Phước Bình, quận 9 của CTCP Địa ốc Thảo Điền gần 10 năm chưa triển khai được do chưa được giao đất.

Chủ đầu tư cho biết, phần đất thực hiện dự án đã được công ty quản lí, sử dụng từ năm 1993. Nguồn vốn thực hiện dự án là nguồn vốn của công ty và đối tượng phục vụ của dự án là cán bộ công nhân, viên chức, người nghèo… trên địa bàn quận 9 và lân cận.

Phía chủ đầu tư đã đề nghị Phó Chủ tịch UBND TP  xem xét giải quyết cho công ty được giao đất. 

Trong trường hợp không thể giải quyết được, thời gian đã quá lâu, công ty đề nghị Phó Chủ tịch UBND TP có văn bản trả lời để công ty có thể tiếp tục hay ngưng triển khai dự án.  

Hàng loạt dự án ở Nhà Bè chôn chân

CTCP Địa ốc Phú Long cho biết, hiện công ty có hai dự án tại Nhà Bè vướng mắc trong việc bồi thường giải phóng mặt bằng.

Tại Dự án Dragon City, công ty đã trúng đấu giá đất từ năm 2004, bao gồm 14 khu đất có diện tích 44,49 ha tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè.

Bên cạnh đó, Phú Long đã thanh toán đủ toàn bộ tiền trúng đấu giá, hoàn tất nghĩa vụ tài chính đối với 14 khu đất theo đúng quy định và đã được UBND TP HCM cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để triển khai dự án.

Tuy nhiên đến nay, Phân khu số 15 của dự án vẫn còn tồn tại một căn nhà trên khu đất và một số hộ dân không chịu di dời. Theo đó, dự án này hơn 16 năm vẫn chưa thể triển khai.

Còn Dự án Ngầm hóa đường điện cao thế 220kV Nhà Bè - Tao Đàn (đoạn từ cầu Rạch Đĩa đến trạm Nhà Bè), Phú Long được UBND TP HCM giao làm chủ đầu tư.

Trung tâm phát triển quĩ đất và Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Nhà Bè có trách nhiệm tiến hành bồi thường giải phóng mặt bằng, giao đất cho Phú Long thực hiện dự án.

Phú Long có trách nhiệm ứng kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng và ngầm hóa tuyến điện.

Theo phương án bồi thường được duyệt, Phú Long đã chuyển hơn 160 tỉ đồng cho Trung tâm phát triển quĩ đất để bồi thường giải phóng mặt bằng.

Thế nhưng hơn 12 năm nay, Trung tâm phát triển quĩ đất và Ban Bồi thường Giải phóng mặt bằng huyện Nhà Bè vẫn chưa bồi thường giải phóng mặt bằng xong để giao đất cho Phú Long thực hiện dự án.

CTCP Quốc Cường Gia Lai (Mã: QCG) cũng có một dự án tại Phước Kiển, Nhà Bè mất nhiều năm liền chưa làm xong thủ tục.

Doanh nghiệp này cho biết, Dự án Phước Kiển, huyện Nhà Bè (91 ha) đã được UBND TP HCM chấp thuận đầu tư và phê duyệt qui hoạch chi tiết 1/500 từ năm 2017.

Kế hoạch sử dụng đất của dự án đã được phê duyệt năm 2018. Đến nay khi UBND huyện Nhà Bè đang trình xin gia hạn thì Sở Tài nguyên và Môi trường không đưa dự án vào danh sách gia hạn.

Do bất cập của các chính sách mà Quốc Cường Gia Lai mất hơn ba năm cũng chưa làm xong thủ tục. "Công ty bị thiệt hại hàng nghìn tỉ đồng lãi vay ngân hàng và lãi vay phải trả cho đối tác liên doanh", văn bản kiến nghị của Quốc Cương Gia Lai nêu.

Ngoài dự án nói trên, Quốc Cường Gia Lai còn 5 dự án khác vẫn chưa giải quyết thủ tục đầu tư xây dựng.

Khu liên hợp cao ốc phường Thảo Điền của Sơn Kim mới được cấp sổ đỏ một phần

CTCP Bất động sản Sơn Kim được UBND TP HCM giao 10.944 m2  đất vào năm 2010 để thực hiện đầu tư xây dựng Khu liên hợp cao ốc Trung tâm thương mại - văn phòng và căn hộ tại phường Thảo Điền, quận 2. 

Dự án này đã được Sở Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho một phần, phần còn lại vẫn chưa được cấp.

Doanh nghiệp cho biết, đến nay Sở Tài nguyên Môi trường chưa có báo cáo trình UBND TP HCM liên quan đến vấn đề trên.

Do đó, Sơn Kim đưa ra hai kiến nghị: Cấp Giấy chứng nhận cho khách hàng đã mua căn hộ (Khối A&B) tại dự án và Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất Khối nhà C (Căn hộ dịch vụ).

The Water Bay của Novaland thanh tra chung với Thủ Thiêm

Cụ thể, Dự án 30,2 ha tại phường Bình Khánh, quận 2 (còn có tên thương mại là The Water Bay) của CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland - Mã: NVL) đang rà soát lại các thủ tục pháp lý dự án chung với Thủ Thiêm.

Trước đó vào ngày 25/1, Novaland đã gửi đơn cầu cứu đến Bộ Xây dựng xin được tiếp tục triển khai dự án. Mới đây, Novaland đã gửi đề xuất hai phương án tháo gỡ cho dự án này.

Ở phương án 1, Novaland đề xuất được giao tiếp tục triển khai phần dự án đã hoàn thành thi công là Lô D07 và phần dự án đã hoàn thành thi công phần móng như D02-D06, D08-D10.

Đối với phần dự án chưa triển khai thi công là Lô D01 và các hạng mục Thương mại dịch vụ, Novaland sẽ bàn giao lại để cơ quan ban ngành tiến hành đấu giá.

Ở phương án 2, Novaland đề xuất được tiếp tục thực hiện toàn bộ dự án với chức năng nhà ở tái định cư theo các hồ sơ pháp lí đã được phê duyệt.

Novaland cũng cho biết thêm, hiện nay một số công ty thành viên trực thuộc tập đoàn đang quản lí sử dụng các khu đất theo hợp đồng thuê đất.

Tuy nhiên, khi thực hiện các thủ tục xin chuyển mục đích sử dụng đất theo qui hoạch chung đã được phê duyệt, các Sở ngành còn phân vân trong việc giải quyết hồ sơ do chưa có hành lang pháp lí rõ ràng cho loại hình này.

19 doanh nghiệp bất động sản có dự án đứng hình tại TP HCM - Ảnh 2.

19 doanh nghiệp bất động sản có dự án đứng hình tại TP HCM - Ảnh 5.

19 doanh nghiệp kiến nghị UBND TP HCM tháo gỡ khó khăn.

 

Nguyên Ngọc

Giá vé đường sắt cao tốc Bắc - Nam dự kiến bằng 75% hàng không là đắt hay rẻ?
Không phải mất thời gian di chuyển đến sân bay, chờ cất hạ cánh mà chỉ vẫn làm việc bình thường trên tàu điện nhờ có kết nối internet là lợi ích vượt trội đường sắt cao tốc. Vì vậy, giá vé đường sắt cao tốc dù cao vẫn có thể cạnh tranh được với hàng không.