|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Thấy gì từ lời kêu cứu của Novaland?

19:37 | 06/02/2020
Chia sẻ
Đối mặt với khó khăn, Novaland đã buộc phải gửi văn bản xin Bộ Xây dựng cứu xét được tiếp tục phát triển Dự án Khu dân cư Bình Khánh mà tập đoàn và các nhà đầu tư đã rót vào hơn 6.000 tỉ đồng.

Rà soát pháp lí kéo dài, doanh nghiệp gồng mình "chịu trận"

Dự án Khu dân cư Bình Khánh còn có tên thương mại là The Water Bay, có diện tích 30.224 ha, do công ty con của Novaland là Công ty TNHH Phát triển Quốc tế Thế kỷ 21 làm chủ đầu tư. Dự án đã hoàn thành đầu tư giai đoạn 1 với hơn 506 căn hộ tái định cư và xây dựng xong cơ sở hạ tầng kĩ thuật toàn khu nhưng bị dừng triển khai 2 năm nay.

Theo Thông báo số 1483/TB-TTCP ngày 4/9/2018, Thanh tra Chính phủ cho biết UBND TP HCM đã ban hành Văn bản số 1122/UBND-ĐTMT ngày 20/2/2008 chấp thuận chuyển mục đích sử dụng 30,1 ha đất của Công ty Thế Kỷ 21 tại Dự án Khu du lịch, văn hóa, giải trí thuộc phường Bình Khánh sang xây dựng khoảng 4.000 căn hộ tái định cư và hoán đổi bằng 30,2 ha đất sạch thuộc 90,2 ha Khu tái định cư Nam Rạch Chiếc.

Tuy nhiên sau đó, UBND TP HCM lại chấp thuận cho chuyển khu đất tái định cư này sang đầu tư kinh doanh nhà ở mà không thực hiện đấu giá theo qui định và tính tiền sử dụng đất không đúng thời điểm giao đất.

Novaland cho biết, ban đầu, dự án nằm trong thỏa thuận mua lại các căn hộ tái định cư giữa chủ đầu tư và Ban quản lý Khu quản lý Đầu tư - Xây dựng Khu Đô thị mới Thủ Thiêm. Tuy nhiên, do ngân sách thành phố khó khăn nên hai bên thống nhất thực hiện phương án hoàn tất giai đoạn 1 và không đầu tư xây dựng giai đoạn 2. Thay vào đó sẽ dùng quĩ đất giai đoạn 2 để tạo vốn thanh toán cho giai đoạn 1.

Theo đó, UBND TP đã ban hành Quyết định chủ trương đầu tư số 3990/QĐ-UBND, chấp thuận cho chủ đầu tư Dự án Khu dân cư Bình Khánh tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 với loại hình căn hộ thương mại do không còn nhu cầu sử dụng cho mục đích tái định cư.

"Trong quá trình rà soát chung tại khu vực Thủ Thiêm, dự án đã dừng triển khai từ hai năm nay để phục vụ công tác rà soát, dẫn đến chậm triển khai và phát sinh chi phí vốn.

Trong khi đó, dự án đã đủ điều kiện bán hàng, Novaland cùng các nhà đầu tư đã rót vào dự án hơn 6.000 tỉ đồng. Hiện tập đoàn đã kiệt sức và đang bị mất tính thanh khoản", Novaland cho biết thêm.

Bất động sản đóng băng, tác động xấu sẽ lan sang nhiều lĩnh vực

Novaland dẫn ra hàng loạt các kịch bản xấu như nguy cơ gây nợ xấu gần 5.000 tỉ đồng cho hệ thống ngân hàng, gần 250.000 khách hàng biểu tình đòi trả nhà, đòi lấy lại tiền, gây kiện tụng quốc tế dây chuyền, giảm niềm tin của doanh nhân, doanh nghiệp, ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư…

Do đó, ông lớn bất động sản này cho rằng việc được tiếp tục phát triển dự án không chỉ giúp Novaland có nguồn thu mà còn giúp hơn 200 nhà đầu tư ngước ngoài hiện đang đầu tư vào Novaland yên tâm tiếp tục bỏ vốn phát triển các dự án còn dang dở.

Bà Nguyễn Thị Vân Khanh, Giám đốc cấp cao Thị trường vốn của JLL Việt Nam cũng từng đánh giá, "thực trạng một số dự án BĐS đang trong quá trình điều tra có thể dẫn đến sự trì hoãn tạm thời của những nhà đầu tư đang sẵn sàng chờ rót vốn vào thị trường. Đồng thời, điều này có thể tác động đến lợi nhuận kinh doanh của doanh nghiệp".

Thực tế cũng cho thấy, tình hình tài chính của Novaland đã có dấu hiệu đuối sức trong bối cảnh nhiều dự án vướng pháp lí, buộc phải dừng triển khai. Trong năm 2019, Novaland báo lãi tăng trưởng 6%, đạt 3.426 tỉ đồng không phải đến từ hoạt động kinh doanh chính mà nhờ khoản lãi từ giao dịch mua rẻ

Khó khăn chung của thị trường 

Không chỉ riêng Novaland mà nhiều doanh nghiệp BĐS hoạt động tại TP HCM cũng lâm vào tình cảnh khó khăn trong hai năm vừa qua. Nhiều dự án bị đứng hình do không xin được giấy phép xây dựng hoặc bị dừng triển khai.

Một chủ doanh nghiệp bất động sản có hàng loạt các dự án tại TP HCM cũng từng chia sẻ với cổ đông của mình rằng: "Hầu như trong 25 năm làm doanh nghiệp, chưa có năm nào khó khăn như năm vừa qua.

Chúng tôi cũng rất đau đầu, cứ ở lẩn quẩn trong vòng pháp lí. Trong trường hợp vấn đề pháp lí không được gỡ, giá thành sản phẩm sẽ tăng cao, sức mua không tốt và doanh nghiệp sẽ không có doanh thu".

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, "thị trường BĐS khó khăn không phải do thị trường mà do thiếu nguồn cung vì dự án không được duyệt".

Dữ liệu từ Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cho thấy, nguồn cung dự án mới trong năm 2018 giảm 42% về số lượng dự án và giảm 40% về số lượng căn hộ so với năm 2017.

Bên cạnh đó, số lượng nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện huy động vốn cũng giảm hơn 16% về số lượng dự án và giảm hơn 34% về số lượng căn hộ.

Theo báo cáo của HoREA, từ tháng 10/2015 đến hết năm 2018, có 126 dự án nhà ở thương mại có quĩ đất hỗn hợp bị ách tắc thủ tục đầu tư xây dựng và 158 dự án BĐS có nguồn gốc quĩ đất thuộc Nhà nước quản lí, phải rà soát lại thủ tục pháp lí. Thậm chí, một số trường hợp thuộc diện phải thanh tra, điều tra.

Tháng 3/2019, TP HCM đã quyết định cho 124 dự án được vận hành trở lại bình thường. Tuy nhiên trên thực tế, hầu hết các dự án vẫn chưa hoạt động trở lại.

Bước sang năm 2019, thị trường BĐS TP HCM vẫn tiếp tục xu thế giảm. Theo số liệu từ Công văn số 03/2020/CV-HoREA ngày 8/1/2020, toàn TP chỉ có một dự án nhà ở thương mại có quyền sử dụng đất ở được UBND TP chấp thuận chủ trương đầu tư, giảm 92% so với cùng kì.

Bên cạnh đó, có 4 dự án nhà ở thương mại được chấp thuận chủ trương đầu tư và công nhận chủ đầu tư, giảm 85% và số dự án chung cư đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai giảm hơn 14% còn 47 dự án.

Theo đó, nếu TP không nhanh chóng giải quyết những rào cản về thủ tục, cơ chế, chính sách liên quan đến bất động sản thì còn nhiều doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn về thanh khoản trong thời gian tới chứ không chỉ riêng Novaland.        

Nguyên Ngọc

VDSC: Dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024
Các chuyên gia phân tích của VDSC cho rằng bộ đệm để ứng phó với áp lực tỷ giá là dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024, ước tính khoảng 8-10 tỷ USD. Điều này khiến cho tỷ giá dễ biến động khi có áp lực về luồng ngoại tệ rút ra.