|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Arab Saudi có thể gây khủng hoảng nghiêm trọng cho nền kinh tế Nga chỉ bằng một động thái

09:58 | 15/10/2024
Chia sẻ
Arab Saudi có thể tăng mạnh nguồn cung dầu thô trên thị trường để giành lại quyền kiểm sát giá cả, gây khó khăn cho Nga bởi nước này đang phụ thuộc vào nguồn thu từ năng lượng. Tình huống này có thể ảnh hưởng đến cả cuộc chiến ở Ukraine.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) đứng chụp ảnh với Thái tử Mohammed bin Salman của Arab Saudi vào năm 2018. (Ảnh: Getty Images). 

Trừng phạt kẻ bội ước

Nền kinh tế thời chiến của Nga có thể sẽ gặp khó khăn nếu Arab Saudi “đánh sập” giá dầu thô toàn cầu. Gần đây, Arab Saudi phát tín hiệu rằng giá dầu có thể rớt xuống còn 50 USD/thùng nếu OPEC không tuân thủ kế hoạch giảm sản lượng.

Theo các nhà phân tích, Arab Saudi đang bóng gió rằng nước này có thể khiến nguồn cung dầu tăng mạnh. Động thái trên sẽ khiến giá lao dốc, trừng phạt những thành viên OPEC và đồng minh không hợp tác trong việc hạn chế dòng chảy của dầu - bao gồm cả Nga.

Trên tạp chí IPS Journal, nhà nghiên cứu Luke Cooper thuộc Trường Kinh tế London nhận định: “Do Nga đang phải bán dầu thô với giá chiết khấu trong khi chi phí sản xuất đã tăng lên, giá dầu xuống thấp có thể ảnh hưởng đến khả năng tài trợ cho chiến dịch quân sự của Moscow tại Ukraine”.

Arab Saudi, thủ lĩnh không chính thức của OPEC, trong thời gian qua đã cố kéo giá dầu lên 100 USD/thùng bằng cách thúc đẩy các quốc gia thành viên giảm sản lượng. Song, cho tới nay, nỗ lực trên vẫn chưa thành và giá dầu thô quốc tế đang dao động quanh ngưỡng 80 USD/thùng.

Nguồn tin của tờ Financial Times cho biết Arab Saudi có ý định thay đổi chiến lược bằng cách tăng sản lượng của nước này vào tháng 12.

Ông Simon Henderson, Giám đốc Chương trình Bernstein về vùng Vịnh và Chính sách Năng lượng thuộc Viện Washington, nói với Business Insider: “Arab Saudi đang phát bực. Lãnh đạo OPEC là một trách nhiệm nhiều mặt. Việc lãnh đạo có thể diễn ra trơn tru, nhưng đôi khi cũng có thể trở thành nhiệm vụ bất khả thi”.

Nga là một trong những nước sản xuất dầu dư thừa trong OPEC+. Theo dữ liệu mới nhất của S&P Global Ratings, trong tháng 7, sản lượng thực tế của Nga vượt hạn ngạch khoảng 122.000 thùng dầu/ngày. Iran và Kazakhstan cũng vi phạm hạn ngạch đã thỏa thuận.

Rắc rối của Điện Kremlin

Giám đốc Henderson gợi ý rằng có thể một số thành viên OPEC+ vi phạm thỏa thuận để tối đa hóa lợi nhuận.

Trong trường hợp của Nga, Moscow đang đối mặt với áp lực phải đem về nhiều tiền nhất có thể bởi cuộc chiến với Ukraine đã khiến chi phí quốc phòng và an ninh trong ba năm qua nhảy vọt. Ước tính hai lĩnh vực này sẽ chiếm 40% tổng tổng chi tiêu của chính phủ Nga vào năm 2025.

Trong khi đó, tình hình tài chính của Nga lại phụ thuộc vào dầu mỏ. Bộ Tài chính Nga cho biết vài năm trước sản lượng dầu mỏ và khí đốt chiếm 35% - 40% thu ngân sách của Nga.

Đó là lý do phương Tây nỗ lực kìm hãm lợi nhuận từ dầu mỏ của Nga, đặc biệt là thông qua việc G7 áp mức giá trần 60 USD/thùng với dầu thô có nguồn gốc từ Nga. Nga né tránh mức giá trần này bằng cách sử dụng các tàu chở dầu "bóng tối" không đăng ký, nhưng mối đe dọa từ Arab Saudi có thể khó xử lý hơn nhiều.

Tình hình có thể xấu đi đáng kể nếu quyết định gia tăng sản lượng của Arab Saudi châm ngòi cho cuộc chiến giá dầu giữa nước này với Nga.

Ông Henderson chỉ ra điều này đã từng xảy ra vào năm 2020. Năm đó, những bất đồng về cắt giảm sản lượng đã thúc đẩy cả hai quốc gia giải phóng nguồn cung, thử thách xem nước nào có thể xoay xở trong môi trường giá thấp lâu hơn.

Trong tình huống trên, dự trữ ngoại hối là điều tối quan trọng, nhưng đây lại là điểm yếu của Nga. Kể từ khi tấn công Ukraine, bộ đệm tài chính của Nga đã yếu đi đáng kể. Quỹ Tài sản Quốc gia Nga đã giảm một nửa quy mô vào đầu năm nay và không còn khả năng tìm nguồn tiền tệ phương Tây để đa dạng hóa dự trữ ngoại hối nữa.

Do đó, có khả năng Moscow sẽ không muốn tham gia vào cuộc chiến giá với Riyadh bởi trước mắt Tổng thống Nga Vladimir Putin có những ưu tiên cấp bách hơn.

Tuy nhiên có thể Nga đang chuẩn bị cho một số hình thức đối đầu với Arab Saudi. Tuần trước, Phó thủ tướng Nga Alexander Novak nói rằng giờ vẫn còn quá sớm để xác định liệu OPEC+ có nên tăng sản lượng tại cuộc họp tháng 12 hay không, trái với tín hiệu Arab Saudi phát đi từ trước.

Trong trường hợp xấu nhất là cuộc chiến giá dầu nổ ra, nhà nghiên cứu Cooper nhận định Nga sẽ bị đặt vào vị thế xấu.

Ông bình luận: “Khác với Arab Saudi, dầu thô của Nga không dễ để khai thác, do đó nước này sẽ gặp khó trong môi trường giá thấp. Theo logic, điều này sẽ thúc đẩy Nga leo thang cuộc chiến tại Ukraine trong ngắn hạn hòng cố gắng đạt được nhiều thành công trên chiến trường trước khi giá dầu xuống thấp”.

Giang