Apple củng cố vững chắc vị trí số một trên thị trường smartphone cao cấp Trung Quốc
Trong quý II, doanh số bán iPhone của Apple chiếm tới một nửa tổng số lượng smartphone thuộc phân khúc cao cấp (có giá từ 400 USD trở lên) được bán ra tại thị trường Trung Quốc.
Con số này càng củng cố vị thế dẫn dẫn đầu của gã khổng lồ công nghệ Mỹ với tư cách là nhà cung cấp thiết bị cầm tay cao cấp hàng đầu tại thị trường tỷ dân, vươn lên thay thế các thương hiệu nội địa để cạnh tranh với gã khổng lồ Huawei Technologies Co, theo South China Morning Post.
Doanh số bán dòng sản phẩm iPhone 13 tăng cao đã giúp Apple chiếm 46% thị phần điện thoại thông minh cao cấp của Trung Quốc trong quý II, theo một báo cáo từ Counterpoint Research mới được công bố ngày 24/8. Thị phần của Apple đã được cải thiện nhẹ so với mức 43% cùng kỳ năm trước.
Trong phân khúc siêu cao cấp (ultra high-end), được định nghĩa là những chiếc điện thoại thông minh có giá từ 1.000 USD trở lên, doanh số bán iPhone đã tăng 147% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo báo cáo, Samsung Electronics cũng đã đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh chóng, với doanh số bán hàng cùng phân khúc tăng 133% trong giai đoạn này.
Nhà phân tích Zhang Mengmeng của Counterpoint Reseach nhận định: “Cả Apple và Samsung đều là những ông lớn trên thị trường smartphone Trung Quốc. Hai tên tuổi này đều được hưởng lợi từ sự lao dốc của Huawei và sự thay đổi xu hướng mua hàng đối với dòng điện thoại cao cấp của người dân Trung Quốc”.
Apple, dự kiến sẽ ra mắt iPhone 14 vào ngày 7/9 tại Mỹ, đã duy trì vị thế vững chắc trên thị trường điện thoại thông minh của Trung Quốc trong bối cảnh các đối thủ trong nước phải đối mặt với những thách thức. Đáng chú ý nhất, Huawei đã gặp khó khăn trong việc bán các mẫu điện thoại mới ra mắt kể từ khi bị Mỹ áp lệnh trừng phạt vào năm 2019.
Huawei đã tụt xuống vị trí thứ ba khi chỉ chiếm 11% thị phần trong quý, giảm so với mức 19% cùng kỳ năm trước. Huawei, trước đây từng là nhà cung cấp điện thoại thông minh lớn nhất Trung Quốc, đã chứng kiến mảng kinh doanh điện thoại thông minh béo bở một thời của mình dần lụi tàn kể từ khi chính quyền Mỹ thêm nhà sản xuất thiết bị viễn thông này vào danh sách đen thương mại.
Điều này đã để lại một khoảng trống lớn trên thị trường mà các đối thủ trong nước đang cạnh tranh sẵn sàng chiếm lấy để lấp đầy. “Apple và Huawei đã cạnh tranh vị trí thứ nhất và thứ hai trong một thời gian dài. Nhưng giờ đây, các nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn khác của Trung Quốc đã bắt đầu nhắm vào phân khúc cao cấp”, nhà phân tích Ivan Lam của Counterpoint Research cho biết.
Cụ thể, Vivo, nhà sản xuất smartphone có trụ sở tại Đông Quan đã lần đầu tiên nhảy lên vị trí thứ hai, chiếm 13% thị trường thiết bị cầm tay cao cấp. Honor, đơn vị mà Huawei đã phải bán tháo vào năm 2020, cũng đã nhảy từ vị trí thứ 6 lên thứ 4, với 9% thị phần.
Giai đoạn khó khăn của thị trường smartphone Trung Quốc
Tuy nhiên, cơ hội trên thị trường điện thoại thông minh cũng đang giảm dần. Doanh số bán điện thoại thông minh phân khúc cao cấp ở Trung Quốc trong quý II đã giảm khoảng 10% so với quý II/2021. Thị trường thiết bị cầm tay nói chung đã giảm 14%, mức giảm mạnh nhất trong gần một thập kỷ qua.
Thị trường điện thoại thông minh của Trung Quốc đã bị “vùi dập” bởi tốc độ tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế đất nước cũng như sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng, vốn ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn do ảnh hưởng từ chính sách Zero-COVID để phòng chống dịch bệnh COVID-19 của quốc gia này.
Bên cạnh đó, một số khu vực, bao gồm Thượng Hải và các trung tâm sản xuất khu vực xung quanh của Đồng bằng sông Dương Tử, đã bị đóng cửa một phần trong quý II nhằm nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của biến thể Omicron.
Nhà phân tích Zhang Mengmeng cho biết: “Việc phong tỏa ở các thành phố quan trọng của Trung Quốc đã ảnh hưởng đến doanh số bán phân khúc cao cấp vì khách hàng của phân khúc này chủ yếu sống ở những thành phố này”.
Chính Apple cũng đã cảm nhận được những khó khăn hiện tại trên thị trường trong bối cảnh nền kinh tế vĩ mô đang tương đối bất ổn. Gã khổng lồ Apple mới đây đã yêu cầu các nhà cung cấp sản xuất vừa đủ lượng iPhone thế hệ mới của mình trong năm nay dựa trên số lượng khách hàng giàu có cũng như giảm bớt sự cạnh tranh để chống lại sự suy thoái của ngành điện tử toàn cầu, theo Bloomberg.
Theo những người am hiểu về vấn đề này, “táo khuyết” đang yêu cầu các nhà lắp ráp sản xuất khoảng 90 triệu sản phẩm thế hệ mới nhất, ngang bằng với năm ngoái, bất chấp những dự báo về thị trường điện thoại thông minh đang xấu đi. Công ty có trụ sở tại Cupertino, California vẫn dự kiến sẽ lắp ráp tổng cộng khoảng 220 triệu chiếc iPhone cho năm 2022, cũng ngang bằng với năm 2021.
Các dự báo của Apple cho thấy công ty tỏ ra tự tin về khả năng vượt qua được giai đoạn mà người tiêu dùng hạn chế chi tiền mua sắm đồ công nghệ, đặc biệt là smartphone. Theo dự báo của IDC, thị trường thiết bị cầm tay toàn cầu đã giảm 9% trong quý II và dự kiến sẽ giảm 3,5% cho cả năm 2022.