Apple chạm vốn hóa kỷ lục 3.000 tỷ USD trong phiên giao dịch đầu năm
Trong phiên giao dịch đầu tiên của năm 2022, giá cổ phiếu Apple có lúc đạt 182,86 USD, tương ứng với vốn hóa 3.000 tỷ USD. Apple là doanh nghiệp Mỹ đầu tiên chạm vào con số vốn hóa khổng lồ này.
Kết phiên, Apple tăng 2,5% và dừng ở mức giá 182,01 USD, tương ứng với giá trị thị trường 2.986 tỷ USD.
Mốc vốn hóa 3.000 tỷ USD đa phần chỉ mang tính biểu tượng chứ không có ý nghĩa thực tế nào. Mặc dù vậy, dấu mốc này cũng cho thấy sự tin tưởng của nhà đầu tư vào khả năng tăng trưởng của Apple.
Trong chưa đầy 4 năm, vốn hóa của Apple đã tăng gấp ba lần, từ 1.000 tỷ lên 3.000 tỷ USD. Các nhà phân tích cho rằng cổ phiếu táo khuyết vẫn còn rất nhiều dư địa để tăng trưởng.
Trong quý IV (kết thúc vào ngày 25/9/2021), Apple ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận ở tất cả dòng sản phẩm, doanh thu tăng trưởng 29% so với cùng kỳ năm trước. iPhones vẫn là cố máy hái tiền quan trọng nhất nhưng mảng dịch vụ của Apple đã tăng trưởng tới 25,6% và mang về 18 tỷ USD doanh thu trong quý IV.
Tháng 12 vừa qua, nhà phân tích Katy Huberty của ngân hàng đầu tư Morgan Stanley đã nâng giá mục tiêu của Apple từ 164 USD lên 200 USD, tương ứng với khuyến nghị Mua. Nhà phân tích của Morgan Stanley cho rằng các sản phẩm mới như headset thực tế ảo và thực tế tăng cường vẫn chưa được phản ánh vào giá cổ phiếu.
Doanh thu từ App Store của Apple nhiều khả năng cũng sẽ vượt dự báo của Morgan Stanley và trong quý kết thúc vào tháng 12, đại gia công nghệ này có thể bán được 83 triệu sản phẩm, nhiều hơn 3 triệu so với dự báo trước đó.
Trong kỳ nghỉ lễ vừa qua, Apple bán được 27 triệu cặp tai nghe AirPods mới nhất, nâng tăng trưởng của mảng các thiết bị đeo (wearables) quý này lên 20%, nhà phân tích Ming-Chi Kuo của công ty quản lý quỹ TFI Asset Management Limited nhận xét.
Ông Daniel Ives, Giám đốc điều hành nghiên cứu cổ phiếu của công ty chứng khoán Wedbush cho rằng việc chạm tay vào vốn hóa 3.000 tỷ USD là một bước ngoặt nhưng Apple vẫn còn khả năng tăng trưởng, đặc biệt là khi ông Ives định giá mảng dịch vụ của Apple lên tới 1.500 tỷ USD.
Nhà đầu tư tìm đến Apple như là một nơi trú ẩn an toàn trong giai đoạn thị trường nhiều biến động vừa qua, nguyên nhân là Apple có bảng cân đối kế toán mạnh mẽ và dòng tiền dồi dào. Số tiền này được Apple dùng để phát triển các sản phẩm mới, mua lại cổ phiếu và trả cổ tức.
Apple trở thành công ty đại chúng đầu tiên của Mỹ đạt vốn hóa 1.000 tỷ USD vào ngày 2/8/2018. Hơn hai năm sau vào ngày 19/8/2020, Apple đạt vốn hóa 2.000 tỷ USD. Trong năm 2021, giá cổ phiếu Apple tăng 34%.
Warren Buffett nhận sai khi bán bớt Apple
Cổ đông lớn nhất của Apple hiện nay là Vanguard - gã khổng lồ trong ngành quản lý quỹ đầu tư. Cổ đông lớn thứ 2 là Tập đoàn Berkshire Hathaway của tỷ phú Warren Buffett với tỷ lệ sở hữu 5,4%.
Giá trị cổ phiếu Apple trong danh mục của Berkshire hiện nay là khoảng 160 tỷ USD, vượt xa mọi cổ phiếu khác. Việc Apple tăng mạnh thời gian qua đã mang lại lợi nhuận lớn cho Berkshire.
Trong năm 2020, Berkshire đã bán khoảng 11 tỷ USD cổ phiếu Apple. Giữa quý III/2018 và cuối năm 2019, tập đoàn của Chủ tịch Warren Buffett cũng bán khoảng 2 tỷ USD. Hành động bán ra này đã khiến Berkshire bỏ lỡ một phần sự tăng trưởng của Apple trong những năm gần đây.
Trong cuộc họp đại hội cổ đông thường niên tháng 5/2021, Buffett coi việc thoái bớt vốn khỏi Apple là một sai lầm và cho biết thêm rằng người bạn lâu năm của ông là Phó Chủ tịch Charlie Munger đã khuyên ông không nên bán Apple.
Trong nhiều năm, Warren Buffett không mua cổ phiếu của nhà sản xuất iPhone vì ông không am hiểu về lĩnh vực công nghệ, và ông không mua cái gì mà mình không hiểu. Đến năm 2016, Buffett mới mua lô cổ phiếu Apple đầu tiên vì ông thấy rằng Apple hoạt động giống một tập đoàn bán lẻ và đó là lĩnh vực mà ông biết rất rõ.