|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Apax Leaders không còn nguồn tài chính để hoàn trả học phí cho học viên

11:05 | 27/02/2023
Chia sẻ
Đây là thông tin được lãnh đạo Apax Leaders thông báo trong buổi gặp trực tuyến với đại diện 900 phụ huynh học viên tại TP HCM.

Chiều 26/2, với sự tham gia của ông Nguyễn Ngọc Thuỷ, Chủ tịch CTCP Đầu tư Apax Holdings (mã: IBC) - đơn vị vận hành Apax Leaders, và CEO Nguyễn Anh Tuấn, cùng đại diện phụ huynh học viên, buổi họp trực tuyến đã diễn ra. Lãnh đạo Apax Leaders đã thông tin liên quan đến vấn đề hoàn học phí cho học viên và tái cấu trúc công ty.

Trao đổi với phụ huynh về vấn đề hoàn học phí, ông Tuấn, CEO Apax Leaders, khẳng định chưa có tiền để trả lại, theo Thanh Niên. Ông Tuấn cho biết hiện Apax Leaders phải đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt về vấn đề tài chính.

 Buổi họp trực tuyến ngày 26/2. (Nguồn: Ảnh chụp màn hình/Thanh Niên).

Vị CEO hẹn sẽ cung cấp lộ trình hoàn tiền vào ngày 5/4 sau khi “rà soát cẩn thận và lên phương án cụ thể”. “Chúng tôi cam kết sẽ đảm bảo đủ quyền lợi cho phụ huynh nhưng mọi việc sẽ phải thực hiện theo từng bước. Ở thời điểm hiện tại, Apax Leaders ưu tiên thực hiện phương án tái cấu trúc để mở lại trung tâm cho học viên đến lớp, không để việc học bị gián đoạn. Còn sau đó, anh chị nào thật sự không muốn tiếp tục đồng hành nữa, chúng tôi sẽ dần dần giải quyết”, ông Tuấn nói.

Ông Tuấn nói thêm rằng: “Tất cả các yêu cầu hoàn phí của phụ huynh, tôi đều cho rằng là chính đáng và lỗi thuộc về riêng Apax Leaders. Chúng tôi không né tránh điều này. Nhưng nếu đưa ra cam kết một ngày cụ thể với anh chị mà không thực hiện được, đây sẽ là sự thất hứa như những lần trước đó. Tôi sẽ không làm như thế, mà cố gắng đưa Apax Leaders hoạt động trở lại. Mong anh chị bình tĩnh”.

Đối với việc tái cấu trúc, ông Tuấn cho biết chậm nhất vào ngày 21/3 sẽ có 4 trung tâm tại TP HCM mở cửa trở lại, gồm: Apax Phan Xích Long, Apax Him Lam, Apax Lê Đức Thọ, và Apax Phan Văn Trị. Ngoài ra còn một chi nhánh tại Bình Dương cũng mở lại.

“Chắc chắn 5 chi nhánh sắp tái khai trương không thể giải quyết nhu cầu cho các phụ huynh đang cho con theo học tại 40 trung tâm trước đây. Thế nên, chúng tôi đang thương thảo, chưa dám hứa ngay, về phương án hỗ trợ phụ huynh ở các vùng khác như đưa đón học viên. Apax Leaders cũng hy vọng trước 1/6 sẽ mở lại nhiều trung tâm nhất có thể”, vị CEO nói.

Trước đó, từ nửa cuối năm ngoái, các Trung tâm Anh ngữ Apax Leaders lâm vào khủng hoảng do khó khăn về mặt tài chính, dẫn đến việc một số phải đóng cửa, số khác bị phản ánh vi phạm cam kết chất lượng, nợ lương giáo viên và nhân viên,…

Trước sự việc, ông Nguyễn Ngọc Thủy đã trực tiếp gặp gỡ phụ huynh, học sinh ở một số trung tâm để các phụ huynh thông cảm, cho thêm thời gian để tái cấu trúc toàn hệ thống. Đồng thời, Chủ tịch Apax Holdings cũng đối thoại với các nhà đầu tư, cổ đông, đối tác để hoãn, giãn thời gian thu hồi vốn, lợi nhuận để Apax tập trung nguồn lực cho việc tái cấu trúc. 

Dự kiến việc tái cấu trúc các trung tâm đào tạo này diễn ra từ ngày 25/11và kết thúc vào hết quý I/2023.

Tình hình tài chính của công ty mẹ Apax Leaders

Tại thời điểm cuối năm ngoái, Apax Leaders (CTCP Anh Ngữ Apax) đang là công ty con của Apax Holdings với việc pháp nhân này nắm giữ 66,36% cổ phần. Ngoài ra, Apax Holdings còn có hai công ty con là CTCP Phát triển Giáo dục Igarten (51,2%); CTCP Trường liên cấp Firbank Australia (99,35%) và một công ty liên kết CTCP Đầu tư và Phát triển hạ tầng giáo dục Apax (33,33%).

Tại ngày 31/12/2022, tổng tài sản của Apax Holdings đạt 4.597 tỷ đồng giảm 1% so với đầu năm. Khoản tiền, tương đương tiền khoảng 737 tỷ đồng tăng 6% so với đầu năm, bao gồm gần 697 tỷ đồng tiền mặt - cao nhất từ trước đến nay, và 40 tỷ đồng là khoản tương đương tiền.

Khoản đầu tư tài chính ngắn hạn giảm 67% xuống 100 tỷ đồng do cuối kỳ không ghi nhận khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (200 tỷ đồng) như đầu năm. Còn khoản đầu tư dài hạn lại tăng 11% lên 655 tỷ đồng, chủ yếu từ khoản đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết (658 tỷ đồng).

Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tài sản của Apax Holdings là khoản phải thu ngắn hạn, khoảng 1.590 tỷ đồng. Trong đó, công ty phải trả trước cho người bán 163 tỷ đồng và 1.275 tỷ đồng là khoản thu ngắn hạn khác.

Cuối quý IV năm ngoái, doanh nghiệp của Shark Thủy đang gánh khoản nợ phải trả hơn 3.070 tỷ đồng, nhiều gấp đôi so với vốn chủ sở hữu. Vốn chủ sở hữu đạt 1.520 tỷ đồng, trong đó, vốn góp chủ sở hữu là 831 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 32 tỷ đồng tại ngày 31/12/2022. 

Về kết quả kinh doanh, năm ngoái là năm Apax Holdings chịu mức lỗ cao nhất trong lịch sử hoạt động của mình, với khoản lỗ sau thuế 81 tỷ đồng trong khi năm liền trước lãi 6 tỷ đồng. Công ty đạt 1.336 tỷ đồng doanh thu tăng 35% so với năm trước nhưng vẫn chỉ hoàn thành 61% mục tiêu doanh thu đặt ra trong năm.

 

Đức Huy