|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Áp lực ngày càng đè nặng lên hệ thống lương hưu của Trung Quốc

09:57 | 27/08/2023
Chia sẻ
Tình trạng sụt giảm lương hưu đang xuất hiện ở Trung Quốc, giữa bối cảnh nước này phải đối mặt với tình trạng dân số già đi nhanh chóng và tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại.

Chính phủ Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng lương hưu cơ bản cho những người về hưu ở thành thị như đã làm trong gần hai thập kỷ qua, nhưng mức tăng ngày càng thu hẹp và mức tăng lương hưu cơ bản nhỏ nhất từ trước đến nay được thực hiện vào năm 2023.

Vào tháng 5/2023, Bộ Lao động và An sinh xã hội cùng Bộ Tài chính Trung Quốc đã công bố mức tăng lương hưu cơ bản bình quân đầu người hàng tháng là 3,8% cho người về hưu làm việc tại các doanh nghiệp thành thị, tổ chức công và cơ quan chính phủ, thấp hơn mức tăng 4% được đưa ra vào năm ngoái.

Sự thay đổi mức lương hưu cơ bản trong năm nay là lần tăng thứ 19 liên tiếp kể từ khi hai Bộ trên bắt đầu điều chỉnh tỷ lệ lương hưu hàng năm vào năm 2005. Đến cuối tháng 7/2023, tất cả 31 địa phương cấp tỉnh tại Trung Quốc đại lục đã công bố tỷ lệ điều chỉnh tương ứng của họ, được giới hạn theo mức trần của quốc gia.

Nhưng dữ liệu của Chính phủ cho thấy, tỷ lệ này đã giảm kể từ năm 2016, khi lương hưu cơ bản tăng 6,5%, sau 8 năm tăng 10%.

Xue Huiyuan, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu An sinh Xã hội của Đại học Vũ Hán, cho biết sự suy giảm kéo dài chủ yếu là do tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc, dân số già và lực lượng lao động bị thu hẹp, cũng như áp lực chi tiêu ngày càng tăng đối với hệ thống lương hưu và chính quyền địa phương, khiến ngân sách của họ trở nên căng thẳng sau 3 năm xảy ra đại dịch.

Trong bối cảnh lương hưu tăng trưởng chậm lại, các chuyên gia cho rằng điều quan trọng là phải nâng cấp quy trình điều chỉnh để hài hòa với kỳ vọng của người dân, vì những người về hưu ngày càng lo ngại về việc cắt giảm phúc lợi. Họ cũng kêu gọi những nỗ lực lớn hơn để cải thiện tính bền vững của hệ thống lương hưu.

Trung Quốc vận hành hệ thống lương hưu ba trụ cột và phụ thuộc nhiều vào trụ cột thứ nhất: hệ thống lương hưu cơ bản cho người già do nhà nước điều hành, trong đó có hai loại bảo hiểm, một loại dành cho người lao động thành thị và loại kia dành cho những cư dân thành thị còn lại và người dân ở nông thôn. Theo một báo cáo được công bố trên trang web của chính phủ, chương trình này đã tiếp cận được hơn 1 tỷ người vào cuối năm 2022.

Trụ cột thứ hai bao gồm các chương trình trợ cấp hàng năm của doanh nghiệp và liên quan tới nghề nghiệp, trong khi trụ cột thứ ba là lương hưu cá nhân, được chính phủ hỗ trợ, tự nguyện và hoạt động theo định hướng của thị trường.

Do tốc độ tăng lương hưu cho người lao động đã nghỉ hưu ở thành thị đang chậm lại, các chuyên gia cho rằng cần phải thúc đẩy phát triển trụ cột thứ hai và thứ ba của hệ thống lương hưu để bảo vệ chất lượng cuộc sống của người về hưu.

Các cuộc thảo luận về những điều chỉnh trong tương lai đối với mức lương hưu cơ bản cho thấy khả năng tăng lương thậm chí còn thấp hơn.
Ông Zheng Bingwen, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu An sinh Xã hội Quốc tế (CISS) thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cho biết, hệ thống lương hưu của Trung Quốc chắc chắn sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn tài chính. 

Dữ liệu của Chính phủ Trung Quốc cho thấy quỹ hưu trí quốc gia dành cho lao động thành thị có khoản dự trữ gần 5.900 tỷ NDT (809 tỷ USD) vào năm ngoái. Theo báo cáo năm 2019 của CISS, quỹ này dự kiến sẽ đạt đỉnh 6.990 tỷ NDT vào năm 2027 trước khi cạn kiệt vào năm 2035.

Chính quyền trung ương đã tìm kiếm sự hỗ trợ từ các chính quyền địa phương, yêu cầu họ sử dụng ngân sách của mình để trợ cấp lương hưu ở thành thị. Một chuyên gia về vấn đề này cho biết, mặc dù áp lực lên các địa phương hiện không lớn nhưng họ sẽ phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng khi nhu cầu về lương hưu tiếp tục tăng.

Minh Trang

Vì sao Mỹ chật vật với lạm phát hơn châu Âu?
Lạm phát có thể đã giảm mạnh từ các mức cao nhất hàng chục năm qua ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nhưng tiến triển ở Mỹ đã chững lại, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chậm hơn nhiều so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).