|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Áp lực lạm phát gia tăng, chuyên gia cảnh báo gì?

08:00 | 02/06/2024
Chia sẻ
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đang có xu hướng tăng đáng kể vượt mốc 4% mà chỉ tiêu Quốc hội quyết định là 4 - 4,5%. Theo nhiều chuyên gia, lạm phát cao sẽ kéo theo một loạt hệ lụy khác của nền kinh tế như lãi suất, đầu tư,...

Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 5, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,05% so với tháng trước, tăng 1,24% so với tháng 12/2023 và tăng 4,44% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 5 tháng đầu năm 2024, CPI đã tăng 4,03% so với cùng kỳ năm trước.

Áp lực cả bên ngoài lẫn bên trong

Phân tích về các yếu tố tác động lên lạm phát, TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, từ bên ngoài, những xung đột địa chính trị làm đứt gẫy chuỗi cung ứng và làm chi phí vận tải tăng. Trong khi đó, nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, nhập khẩu nguyên vật liệu từ bên ngoài nhiều, đã tác động rất mạnh đến giá hàng hóa trong nước.

Ngoài ra, lạm phát kinh tế Mỹ dù đã hạ nhưng vẫn dai dẳng và chưa về lạm phát mục tiêu mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đưa ra. Do đó, FED và Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) vẫn giữ nguyên lãi suất ở mức cao. Điều này làm cho giá trị USD và ngoại tệ khác vẫn ở mức cao và tạo áp lực đến tỷ giá hối đoái giữa VND và ngoại tệ khác.

“Việt Nam nhập khẩu khá lớn nguyên vật liệu, do đó khi tỷ giá cao sẽ làm nhập khẩu lạm phát từ bên ngoài ngoài”, ông Lâm nêu rõ.  

TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê. (Nguồn: Tổng cục Thống kê).

Về yếu tố bên trong, ông Lâm cũng chỉ ra nhiều nhóm yếu tố tác động lên lạm phát như giá lương thực, xăng dầu, dịch vụ giáo dục và dịch vụ y tế …

Đáng lưu ý, nhu cầu sử dụng điện tăng cao đã khiến không chỉ người dân mà doanh nghiệp phải bỏ ra nhiều tiền hơn để chi trả cho tiền điện, sẽ tác động làm tăng giá thành sản phẩm và tác động trực tiếp tới giá điện tiêu dùng của hộ gia đình, từ đó tác động lên CPI.  

“Trong tháng 4 vừa qua, nóng kỷ lục người dân sử dụng nhiều điện. Trong khi Việt Nam đang áp dụng biểu giá điện sinh hoạt 6 bậc lũy tiến, với nguyên tắc dùng càng nhiều thì càng phải tăng bậc với giá cao hơn và tiền điện sẽ phải trả nhiều tiền theo lượng sử dụng. Vì vậy, yếu tố này đã phản ánh CPI tháng 5”, ông Lâm phân tích.

Cần tổng hợp nhiều giải pháp

Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, khi thảo luận tổ về tình hình kinh tế xã hội, đại biểu Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cũng cho rằng, CPI đang có xu hướng tăng đáng kể vượt mốc 4% mà chỉ tiêu Quốc hội quyết định là 4 - 4,5%.

Hơn nữa, nhìn ra thế giới, giá dầu không hy vọng giảm, dẫn đến giá dầu đầu vào trong nước sẽ tiếp tục cao. Giá điện trong nước cũng không thể không tăng, bởi Việt Nam đang đẩy mạnh chuyển sang năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, thì giá đầu vào rất cao. Đó là những yếu tố thúc đẩy tăng giá trong năm 2024, là việc rất hiện hữu.

“Lạm phát sẽ kéo theo một loạt hệ lụy khác của nền kinh tế như lãi suất gửi tiết kiệm của người dân vào ngân hàng thấp hơn CPI, nên người dân phải dùng tiền đó để làm việc khác, đầu tư vào lĩnh vực khác, như vàng hay bất động sản”, đại biểu Cường quan ngại.

Đại biểu Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội TP Hà Nội. (Nguồn: Nguyễn Ngọc).

Vì vậy, để giữ được mục tiêu kiểm soát lạm phát trong khoảng 4 – 4,5%, vị đại biểu này cho rằng, Chính phủ cùng các bộ ngành cần tổng hợp nhiều giải pháp như kiểm soát giá vàng trong nước, thị trường bất động sản tăng nóng hay một số dịch vụ phải tăng giá như điện, dịch vụ y tế, giáo dục thì cần phải đánh giá được tác động và lựa chọn thời điểm phù hợp để điều chỉnh. 

Ngoài ra, cần thực hiện một số chính sách giảm giá mặt bằng tiêu dùng nói chung, như giảm thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế môi trường, vf điều hành chính sách tiền tệ để giữ tỷ giá trong biên độ cho phép. 

“Nếu chúng ta tổng hợp được các giải pháp đó, mục tiêu kiểm soát lạm phát từ 4 - 4,5% sẽ đạt được”, ông Cường khẳng định.

Lạm phát sẽ mức mức 3 – 3,5%

Ở góc nhìn lạc quan hơn, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính cho rằng, giá một số nhóm hàng hóa dịch vụ y tế, giáo dục, xăng dầu và điện tăng tăng từ cuối năm 2023 đã và đang tác động đến lạm phát nửa đầu năm nay. Tuy nhiên, tác động của các nhóm này đến lạm phát cùng kỳ sẽ dần bị triệt tiêu vào tháng 8 và tháng 9.

TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính. (Nguồn: Nguyễn Ngọc). 

Trong bối cảnh đó, trong nước, áp lực về tổng cầu không lớn khi tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng loại trừ yếu tố giá chỉ tăng 5,2% (cùng kỳ năm 2023 tăng 9,3%) cho thấy tổng cầu khá yếu.

Về phía cung, theo ông Độ, với tốc độ tăng trưởng tín dụng thấp như thời gian qua, khả năng tác động của cung tiền tăng trưởng cũng sẽ không lớn.

Cùng với đó, trong 4 tháng đầu năm, tỷ giá cũng đã tăng tăng 4 - 5% đã đẩy hàng hóa nhập khẩu tăng. Tuy vậy, đến nay, chỉ số USD đã đạt đỉnh trong ngắn hạn và đang theo hướng giảm.

“Áp lực tỷ giá trong những tháng cuối năm sẽ không cao và có thể kiểm soát được, từ đó sẽ giảm tác động lên lạm phát”, ông Độ nêu rõ.

Cũng theo ông Độ, nếu điều chỉnh giá dịch vụ y tế, giáo dục vào cuối năm thì lạm phát có thể cao hơn một chút. Ngược lại, nếu kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái trong giai đoạn cuối năm, khi đó giá xăng dầu, nguyên vật liệu giảm mạnh thì lạm phát so với cùng kỳ ở mức 2% và lạm phát trung bình chỉ trên 3%.

“Lạm phát trung bình nửa đầu năm là 4%, nửa cuối năm là 3%, và cả năm sẽ ở mức 3-3,5% hoàn toàn đạt được mục tiêu đề ra”, ông Độ dự báo. 

Nguyễn Ngọc