|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Lạm phát 5 tháng đầu năm vượt mốc 4%

10:26 | 29/05/2024
Chia sẻ
Trong tháng 5, CPI tăng 1,24% so với tháng 12/2023 và tăng 4,44% so với cùng kỳ năm trước, kéo mức tăng CPI bình quân 5 tháng đầu năm lên 4,03%.

Theo báo cáo kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm của Tổng cục Thống kê (TCTK), trong tháng 5, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,05% so với tháng trướctăng 1,24% so với tháng 12/2023 và tăng 4,44% so với cùng kỳ năm trước.

Bình quân 5 tháng đầu năm 2024, CPI đã tăng 4,03% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, CPI cơ bản (sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống, năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và giáo dục) tăng 2,78%.  

 

 Biến động CPI giai đoạn 2018 đến nay. (Nguồn số liệu: TCTK, Hạ An tổng hợp).

 

Lý giải về mức tăng này, TCTK cho biết, trong tháng 5 có hai nguyên nhân chính khiến CPI tăng là giá thịt lợn tăng do thiếu hụt nguồn cung sau đợt dịch tả lợn châu Phi vào cuối năm 2023 và giá điện sinh hoạt tăng khi thời tiết nắng nóng.

Ngoài ra, trong mức tăng 0,05% của CPI tháng 5 so với tháng trước, có 7 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng.

Cụ thể, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,38% (làm cho CPI chung tăng 0,13 điểm %). Trong đó, lương thực giảm 0,26% ; thực phẩm tăng 0,59%; ăn uống ngoài gia đình tăng 0,14% .

Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,38% chủ yếu do giá điện sinh hoạt tăng 2,11%; giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,28%; giá thuê nhà tăng 0,23%.

Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,31%, trong đó giá dịch vụ du lịch trọn gói tăng 1,12%; nhà khách, khách sạn tăng 0,28% do trong tháng có kỳ nghỉ Lễ 30/4 - 1/5 kéo dài nên nhu cầu đi du lịch của người dân tăng cao.

Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,2%, tập trung chủ yếu ở mặt hàng đồ dùng cá nhân tăng 0,60%. Trong đó, giá đồ trang sức tăng 3,3% theo giá vàng trong nước; dịch vụ hành chính, pháp lý tăng 0,28%; dịch vụ hiếu hỉ tăng 0,12%; dịch vụ phục vụ cá nhân tăng 0,09%.

Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,14% do thời tiết nắng nóng, oi bức nên nhu cầu tiêu dùng đồ uống giải khát tăng. Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,12%, tập trung chủ yếu ở các mặt hàng điện lạnh do thời tiết nắng nóng nên nhu cầu tiêu dùng tăng.

Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,01% nguyên nhân chủ yếu do thời tiết nắng nóng, số ca nhiễm bệnh sởi, thủy đậu, tay chân miệng tăng nhanh nên người dân có nhu cầu mua các loại thuốc tăng cường hệ miễn dịch.

 

Tốc độ tăng/giảm CPI tháng 5 so với tháng trước. (Nguồn: TCTK).

Ở chiều ngược lại, ba nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm, gồm: Nhóm bưu chính, viễn thông giảm 0,09%; Nhóm giáo dục giảm 0,25% và nhómgiao thông giảm 1,73%.

Nguyên nhân do Chính phủ ban hành Nghị định yêu cầu các địa phương giữ ổn định mức thu học phí từ năm học 2023-2024 bằng mức thu học phí của năm học 2021-2022 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập. Theo đó một số trường học đã điều chỉnh giảm mức học phí sau khi đã thu theo Nghị định này.

Đồng thời, giá xăng trong nước giảm 4,72%; giá dầu diezen giảm 5,08% do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá trong tháng cũng khiến nhóm giao thông giảm mạnh.

Riêng nhóm may mặc, mũ nón và giày dép giữ mức giá ổn định do các doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh thực hiện nhiều chương trình khuyến mại kích cầu mua sắm đầu mùa hè.

Mặc dù chỉ số CPI tăng khá cao vượt ngưỡng 4% nhưng CPI cơ bản 5 tháng đầu năm chỉ tăng 2,78% so với cùng kỳ năm 2023, chủ yếu do giá lương thực, xăng dầu, dịch vụ giáo dục và dịch vụ y tế là yếu tố tác động làm tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.

Ngọc Bảo