|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

'Áp lực lãi suất năm 2017 khó giảm'

14:46 | 11/12/2016
Chia sẻ
Cho rằng lạm phát, tỷ giá ảnh hưởng trực tiếp đến lãi suất năm 2017, các chuyên gia kinh tế đã cùng "mổ xẻ" vấn đề này tại Tọa đàm "Làm ăn gì năm 2017?".
ap luc lai suat nam 2017 kho giam
Áp lực lãi suất năm 2017. Minh họa: Tạp chí Tài chính

"Người dân sẽ không gửi tiền ngân hàng khi lãi suất dưới 5%"

Phân tích về các chỉ số vĩ mô tại Tọa đàm "Làm ăn gì năm 2017?", TS Nguyễn Trí Hiếu đặt câu hỏi tại sao lãi suất không xuống được. Theo ông, điều này có lẽ xuất phát từ biến động trong đó có yếu tố tỷ giá?

“Sự ổn định của tiền đồng là tốt song không hợp lý trong bối cảnh lạm phát tăng khoảng 5%, do đó tỷ giá biến động hơn 1% thì phù hợp hơn", ông Hiếu nhận định.

Ông Hiếu phân tích, VND tăng giá cùng với đồng USD, khi so với các tiền tệ khác lại là điều bất lợi cho xuất khẩu. Ví dụ, nhân dân tệ đã tăng 5 - 6% kể từ đầu năm và dự báo đồng tiền này còn tiếp tục phá giá, điều này không có lợi cho doanh nghiệp Việt Nam.

Trả lời những lo ngại về lãi suất, Phó Vụ trưởng Vụ chính sách Tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Nguyễn Tú Anh cho biết: "Lãi suất cho vay khoảng 6 - 9% nhưng khách hàng tốt có thể vay với lãi suất thấp hơn 6%, cho thấy rủi ro trong khu vực doanh nghiệp còn cao. Trong xu hướng nền kinh tế tốt hơn, chuyên nghiệp hơn thì lãi suất có thể ổn định, thậm chí giảm nếu điều kiện tốt".

Ông cũng cho biết, hiện nay thanh khoản hệ thống ngân hàng khá tốt, không có ngân hàng nào gặp khó khăn.

Đánh giá về lạm phát, vị Phó Vụ trưởng cho rằng, nhìn vào lạm phát cơ bản chỉ khoảng 1,6 - 1,8%, nghĩa là ngân hàng Nhà nước đang giữ được theo đúng chuẩn và kiểm soát khá tốt. Lạm phát chung là 5%.

Tuy vậy, Giám đốc Phân tích và Tư vấn Đầu tư Khách hàng cá nhân của CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI), Nguyễn Đức Hùng Linh cho rằng lạm phát này khiến áp lực lãi suất khó giảm. Ông phản bác: "Lạm phát hiện nay đang là 5% không cần biết đây là lạm phát cơ bản hay gì. Nhưng người dân sẽ không bao giờ gửi tiền khi lãi suất dưới 5%".

Trong khi đó, năm 2017 lạm phát sẽ tiếp tục tăng. Dịch vụ y tế đến thời điểm hiện tại mới chỉ có 32 tỉnh tăng giá, trong đó, tháng 10 có tới 15 tỉnh tăng, làm cho CPI y tế tăng vọt hơn 13%, trong tháng 11 chỉ cho phép 1 tỉnh tăng để giữ kế hoạch lạm phát trong năm. Vẫn còn hơn 30 tỉnh còn phải tăng giá dịch vụ trong năm tới, làm tăng áp lực lạm phát cho năm 2017.

Mặt khác, chỉ số CPI giá cả đầu ra tăng cao lên nhất trong 5 năm, CPI đầu vào cũng tăng mạnh khiến các doanh nghiệp chuyển chi phí cho người tiêu dùng. "Như vậy áp lực lạm phát năm 2017 cao hơn 2016, do đó, áp lực lãi suất khó giảm", ông Linh nói.

Về vấn đề này, GS Nguyễn Mại nhận định: "Nếu không có một chính sách hỗ trợ vừa là hỗ trợ tỷ giá, vừa là hỗ trợ lợi tức lãi suất cho một số doanh nghiệp, thì trong năm 2017 khi tỷ giá USD và EUR có thể lên đến 1:1, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn".

Phân bổ tín dụng thiệt thòi cho doanh nghiệp vừa và nhỏ

GS Nguyễn Mại cho rằng năm nay khó mà giảm lãi suất, một là phân bổ tín dụng không đều. Năm nay mục tiêu tăng trưởng tín dụng là 18%, nhưng phân bổ tín dụng rất thiệt thòi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. "Rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ không vay được vốn mặc dù có nhiều gói", ông Mại khẳng định.

Do vậy, TS Nguyễn Trí Hiếu bày tỏ lo ngại, liệu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể kéo được lãi suất xuống, bổ trợ nền kinh tế không khi chính sách tiền tệ không độc lập với chính sách tài khóa.

Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ khẳng định, năm 2017 bên cạnh chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước sẽ phải phối hợp với các chính sách vĩ mô khác như chính sách tài khóa hay với Bộ Công thương để ổn định lạm phát.

Ông Tú Anh chia sẻ, có ý kiến nói cần điều chỉnh tỷ giá tương đương, nhưng cần so sánh độ trượt giá của hàng thương mại và loại trừ trượt giá của hàng phi thương mại, dịch vụ. Lạm phát chủ yếu là giá y tế và giáo dục, là những hàng hóa không thương mại được, không phản ánh vào tỷ giá. So sánh lạm phát Mỹ 2% và Việt Nam 5% là không được mà cần quy luật một giá.

Kể từ khi thực hiện tỉ giá trung tâm, NHNN không cam kết bất kỳ mức độ điều chỉnh nào chỉ 1 hay 2%. Tuy nhiên NHNN sẽ điều hành tỷ giá bám sát thị trường nhằm mục tiêu ổn định vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng.

"Có nhiều cái NHNN chưa làm được nhưng tôi nghĩ rằng trong khó khăn, làm như vậy là không đến nỗi tệ", ông Tú Anh nói.

Theo đó, TS Nguyễn Trí Hiếu đồng ý rằng NHNN chịu quá nhiều áp lực, mà áp lực chính từ Chính phủ, vậy Chính phủ phải làm sao để giảm bội chi, giảm thâm hụt ngân sách để giảm áp lực cho ngân hàng.

Thái Hoàng