|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Anh tăng cường cạnh tranh với EU trong lĩnh vực tiền điện tử

08:18 | 12/02/2023
Chia sẻ
Cuộc cạnh tranh giữa Vương quốc Anh và Liên minh châu Âu (EU) để thu hút hoạt động kinh doanh tiền điện tử đã tăng tốc.

Cuộc cạnh tranh giữa Vương quốc Anh và Liên minh châu Âu (EU) để thu hút hoạt động kinh doanh tiền điện tử đã tăng tốc, khi Chính phủ Anh công bố một loạt các quy định mớiđể quản lý ngành kinh doanh này còn Brussels đã hoàn thiện bộ quy định điều chỉnh tài sản kỹ thuật số từ trước đó nhiều tháng.

Ngày 1/2, Chính phủ Anh đã công bố hệ thống các quy định sẽ đưa phần lớn ngành công nghiệp tiền điện tử vào diện quản lý dành cho các định chế tài chính và tài sản truyền thống.

Bộ quy tắc mới là một trong những dấu hiệu rõ ràng nhất về cách chính phủ Anh muốn đưa hoạt động kinh doanh tài sản kỹ thuật số vào Trung tâm tài chính London. Tuy nhiên, những người tham gia thị trường tiền điện tử và các nhà phân tích trong ngành cho biết tham vọng này phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ Thị trường chung EU về tài sản tiền điện tử (Mica) đã được hoàn thiện vào mùa Hè năm ngoái.

Ông Zoe Wyatt, đối tác và người đứng đầu bộ phận tiền điện tử tại công ty tư vấn thuế Andersen LLP, nói rằng: “Chúng tôi sợ rằng tham vọng trở thành một trung tâm tiền điện tử toàn cầu của Anh sẽ bị đe dọa bởi các đối thủ có khả năng đưa ra hành động pháp lý nhanh hơn. Chính phủ Anh đang đi những bước ban đầu trong khi EU (và Mỹ) vượt trước rồi”.

Quá trình tham vấn về các quy định do Chính phủ Anh đề xuất sẽ kết thúc vào tháng 4/2023. Trong khi đó, các giai đoạn chính trong quá trình thực thi, bao gồm cả việc đưa ra đạo luật thứ cấp cần thiết để đảm bảo hiệu lực thi hành cho các quy định trên, vẫn có thể thay đổi. Ngược lại, luật Mica của châu Âu dự kiến sẽ có hiệu lực vào năm tới.

Trả lời tờ Financial Times, Bộ Tài chính Anh bày tỏ niềm tin rằng cách tiếp cận của Anh “nhanh và hợp lý hơn” so với bộ quy định Mica của EU. Lý do là vì Chính phủ Anh đang tìm cách đưa tiền điện tử vào một lĩnh vực pháp lý đã định sẵn thay vì xây dựng một cách tiếp cận hoàn toàn mới.

Bộ này khẳng định: "Chúng tôi đang đưa các hoạt động của tài sản tiền điện tử và tiền điện tử mã hóa vào khuôn khổ dịch vụ tài chính hiện có thông qua luật thứ cấp. Điều này đồng nghĩa nước Anh có thể cập nhật quy định khi lĩnh vực này phát triển, thay vì các quy định chi tiết được luật hóa cứng như Mica".

Mặc dù vậy, trong con mắt của một số nhà quan sát trong ngành, Anh đã không kịp thời đưa ra các đề xuất để có thể biến London thành trung tâm tương lai của châu Âu về tài sản kỹ thuật số.

Bà Carol Alexander, Giáo sư ngành tài chính tại Đại học Sussex, cho biết: "Đây là quy định ngược điển hình. Các quy định bảo vệ người tiêu dùng đối với tiền điện tử chỉ được đưa ra sau vụ FTX” - ý nói đến sự sụp đổ vào năm 2022 của nền tảng giao dịch tài sản kỹ thuật số do ông Sam Bankman - Fried thành lập .

Các quy định mới của Anh cũng phải đối mặt với một loạt thách thức chính trị và thực tế có nguy cơ làm lu mờ tham vọng của chính phủ.

Ông James Tyler, cộng sự cấp cao của công ty luật Peters & Peters, cho biết: “Tôi nghĩ rằng nỗi lo ngại về việc đổi mới bị kìm hãm sẽ trở nên gay gắt hơn nếu chính phủ không hào hứng với việc đưa tiền điện tử trở thành một lĩnh vực kinh doanh ở Anh”. Ông cũng nói thêm rằng các đề xuất đang "dựa trên khá nhiều nỗ lực chính trị từ chính phủ hiện tại".

Cơ quan Giám sát tài chính Anh (FCA), vốn đã bị ảnh hưởng bởi thực trạng thiếu nhân sự vào mùa Hè năm ngoái, cũng sẽ phải giám sát chặt chẽ hơn đối với hoạt động tiền điện tử theo các đề xuất của chính phủ. Điều này gây thêm áp lực lên các nguồn lực của cơ quan quản lý.

FCA đã bắt đầu thành lập các đơn vị phụ trách tiền điện tử trước mùa Hè để chuẩn bị cho nhiệm vụ quản lý lĩnh vực này trong tương lai, đồng thời nói thêm rằng họ cảm thấy quá trình chuẩn bị là đủ tốt.
Mặc dù được giới thiệu sau khi các kế hoạch Mica của EU được hoàn thiện nhiều tháng, các đề xuất của Anh đã nhận được một số người trong ngành khen ngợi vì giúp cho nước Anh có cơ hội bắt kịp cuộc đua tranh về tiền điện tử của khối này.

Một số công ty tiền điện tử lớn trong ngành bao gồm Binance và Coinbase, sàn giao dịch được niêm yết tại Mỹ, đã tìm được chỗ đứng chân trong EU trước khi Mica có hiệu lực. Ngược lại, nhiều công ty tiền điện tử đã phải vật lộn để đáp ứng các tiêu chuẩn cao của FCA để đăng ký kinh doanh tại Anh theo các quy định hiện hành nặng về các biện pháp chống rửa tiền. Hơn 8 trong số 10 công ty đăng ký với FCA đã thất bại.

FCA tuyên bố: "Chúng tôi đặt ra các tiêu chuẩn cao về kiểm soát chống rửa tiền cho tất cả các công ty tài chính mà chúng tôi giám sát. Những tiêu chuẩn tương tự đó áp dụng cho các công ty tiền điện tử và điều này rất quan trọng trong việc đảm bảo họ không bị tội phạm lạm dụng".

Ông Markus Ferber, thành viên Nghị viện châu Âu đại diện cho Đức, cho biết: “Các đề xuất của Anh dường như còn đi xa hơn nữa bằng cách thiết lập một chế độ cho vay tiền điện tử”, đồng thời bổ sung thêm sự cần thiết phải thận trọng khi nói đến “việc trộn lẫn không gian tiền điện tử và hệ thống tài chính thông thường quá nhiều".

Các nhà lập pháp châu Âu trước đây từng quan ngại rằng Mica sẽ không ngăn chặn thành công sự sụp đổ kiểu FTX trên thị trường chung của khối.

Ông lan Taylor, cố vấn hội đồng quản trị của CryptoUK, một công ty vận động hành lang về tiền điện tử của Anh cho biết: "Anh có một hệ sinh thái tiền điện tử và chuỗi khối tốt, nhưng hệ thống Mica của châu Âu đã gây ra một mối đe dọa hiện hữu đối với tham vọng trở thành trung tâm tiền điện tử của Anh. Điều này đang đưa chúng ta trở lại một sân chơi bình đẳng".

Bà Lisa Cameron, nghị sĩ Đảng Quốc gia Scotland (SNP), người giữ chức Chủ tịch Nhóm Nghị sỹ các đảng về tiền điện tử và tài sản kỹ thuật số tại Nghị viện Anh, nói thêm: “Sự rõ ràng hơn về quy định đối với người tiêu dùng và doanh nghiệp sẽ trở thành chìa khóa để biến tầm nhìn của chính phủ về tiền điện tử thành hiện thực”.

 

Phong Hà