|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Andy Ho: VinaCapital vẫn mua vào cổ phiếu khi thị trường điều chỉnh

15:09 | 08/06/2018
Chia sẻ
Động thái của VinaCapital trong đợt giảm mạnh của Thị trường chứng khoán Việt thời gian qua ra sao, nhà đầu tư nên đầu tư thế nào trong giai đoạn hiện nay?...
andy ho vinacapital van mua vao co phieu khi thi truong dieu chinh Ông Andy Ho: Việt Nam sẽ trở thành điểm nóng đầu tư trực tiếp nước ngoài
andy ho vinacapital van mua vao co phieu khi thi truong dieu chinh Nhóm VinaCapital đính chính số lượng mua cổ phiếu để trở thành cổ đông lớn tại Kido
andy ho vinacapital van mua vao co phieu khi thi truong dieu chinh
Ông Andy Ho, Giám đốc điều hành kiêm Trưởng Bộ phận đầu tư Tập đoàn VinaCapital.

Dưới đây là chia sẻ của ông Andy Ho, Giám đốc điều hành kiêm Trưởng Bộ phận đầu tư Tập đoàn VinaCapital với BizLIVE về những vấn đề trên.

Ông có nhận định gì về động thái bán ròng liên tiếp của nhà đầu tư nước ngoài trên TTCK Việt thời gian qua, cùng với đó là VN-Index điều chỉnh giảm mạnh?

Tôi thấy đó là chuyện bình thường. Nhà đầu tư như tôi thích sự biến động tại vì nó tạo ra cơ hội. Khi mà thị trường đã tăng 50% thì việc chốt lời là tương đối cao và từ đầu năm đến giờ cũng có nhiều yếu tố để thoái vốn cho nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN).

Thị trường quốc tế nói chung có trường hợp đồng đô la Mỹ tăng rất mạnh. Chỉ số Dolar Index đi đến số khoảng 95 thì chứng tỏ giá trị của USD so với rổ tiền tệ khác ở trên thế giới tương đối cao. Bây giờ khoảng 94.4 – 94.5 tức gần chạm 95. Khi nó đụng như vậy thì rõ ràng nhiều người đổ tiền vào USD. Nó có nguyên nhân cả.

Nguyên nhân số một đó là thuế của nhà nước Mỹ tạo ra trường hợp là thuế đặc biệt cho các công ty Mỹ, khuyến khích họ tiền về Mỹ. Để đưa tiền về thì nhà nước giảm thuế rất nhiều, xuống thấp để khuyên mấy công ty như Apple, Google… ước tính 400-500 tỷ USD. Thử tưởng tượng tất cả những công ty này đưa tiền về, khi đưa tiền về thì ngân hàng sẽ thiếu USD, giá trị USD sẽ đi lên.

Nguyên nhân số hai là lãi suất Mỹ đi lên, người ta thích cầm USD hơn. Chính vì vậy từ đầu năm đến giờ mình thấy thị trường đổ về USD nhiều.

Thứ ba một số nước Thổ Nhĩ Kỳ, Venezuela, gần đây là Ý có nhiều biến động về chính trị, kinh tế làm cho một số nhà đầu tư thông thường thích đầu tư vô những thị trường đang phát triển, mới nổi khiến họ run tay, lo ngại, theo đó họ đưa tiền về nước. Việt Nam hiện cũng là thị trường đang phát triển.

Trên đây là các nguyên nhân khiến NĐTNN rút vốn và rõ ràng là họ chuyển qua USD.

Câu hỏi đặt ra ở đây là liệu từ nay tới cuối năm việc này có tiếp tục tiếp diễn như vậy không?

Theo tôi tính, thứ nhất lãi suất Mỹ sẽ tiếp tục đi lên. USD có thể không mạnh lên nhiều vì Mỹ tăng lãi suất không nhiều.

Thứ hai, nền kinh tế của châu Âu, Nhật vừa mới công bố vừa rồi phát triển yếu. Khi yếu như vậy cũng tạo ra tình huống người ta tiếp tục đổ về Mỹ. Theo đó, khả năng giá USD ở mức độ hiện nay hoặc lên thôi, tôi không thấy một yếu tố nào cho thấy sẽ đi xuống từ đây đến cuối năm.

Ông có thể chia sẻ động thái đầu tư của VinaCapital trong khoảng thời gian qua ra sao?

Chúng tôi mua nhiều đó. Mỗi ngày khoảng 10 đến 20 triệu USD. Thị trường của mình phần lớn đi một chiều, khi mà thị trường xuống ai cũng muốn đi ra hết, khi lên ai cũng muốn vô. Chúng tôi là nhà đầu tư lớn không thể đi theo người ta ra, mà đi theo người ta lên cũng đâu hiệu quả gì đâu. Người ta đi xuống chúng tôi phải đi ngược thôi, càng đi xuống chúng tôi càng đi ngược nữa.

Chúng tôi đầu tư vào những cổ phiếu mà cơ bản tốt. Ở đây là gì? Thứ nhất lợi nhuận tăng trưởng, tối thiểu 15% trở lên. Thứ hai P/E tốt, không phải là 40, 50, 70… mà khoảng 15-17, dưới số đó là được. Công ty có quy mô lớn, vốn hóa khoảng 500 triệu USD trở lên, chúng tôi không thể mua những công ty quy mô nhỏ được. Giá trị sổ sách (PB) khoảng 1, 2, 3 lần thôi, chúng tôi không đầu tư trên trời.

Cổ phiếu thì chúng tôi thấy nhóm tiêu dùng tốt, như FPT Retail, Vinamilk, cái mà “ngon lành” nhất bây giờ là HGP, không gì ngon lành hơn, P/E thấp, lợi nhuận tăng. Họ bán sắt thép vô thị trường hạ tầng, bất động sản đều, thương hiệu tốt. VJC của Vietjet vừa rồi cũng xuống rất nhiều là cơ hội đi lên…

Còn cổ phiếu ngân hàng thì sao, thưa ông?

Bây giờ ngân hàng có gì khó khăn? Không có lạm phát, lãi suất tăng nhẹ. Tín dụng không còn tăng 30%, 50% để tạo ra nợ xấu mà đang giữ mức 15-20%. Nợ xấu phát sinh ra do phần lớn mình tăng trưởng mạnh và sau đó Ngân hàng Nhà nước phải tăng lãi suất lên để kiềm lại lạm phát.

Năm vừa rồi cổ phiếu ngân hàng tăng trưởng tốt. Nhưng phải coi sâu một chút nguyên nhân tăng trưởng là do cái gì và nguyên nhân đó có tiếp tục duy trì trong năm sau không. Đừng nghĩ năm ngoái tốt thì năm nay sẽ tốt.

Ông có lời khuyên gì gửi tới các nhà đầu tư?

Tôi thấy năm 2018 nhà đầu tư nên bình tĩnh. Thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ đi qua giai đoạn nhiều biến động. Biến động ở đây không phải là tệ mà là cơ hội, nên nhà đầu tư cần bình tĩnh. Kinh tế thì chúng ta thấy rồi, GDP, tiền tệ, lãi suất, lạm phát… đâu có gì phải bàn.

Tuy nhiên bạn đừng đầu tư những doanh nghiệp mà mình không hiểu, thà đầu tư vô quỹ mở. Tốt nhất nên tập trung đầu tư vào những công ty mình hiểu biết rõ ràng, dựa vào các yếu tố như đã phân tích về tăng trưởng, P/E, thương hiệu…

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm

Huyền Trâm