Anco niêm yết 1.300 tỷ trái phiếu, được đảm bảo bởi cổ phần Anco do MNS sở hữu
Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM đã chính thức cho phép Công ty Cổ phần Dinh dưỡng Nông nghiệp Quốc Tế (Anco) niêm yết trái phiếu trên sàn HoSE. Theo đó, toàn bộ 13 triệu trái phiếu của Anco sẽ được chính thức giao dịch: từ ngày 26/12/2016. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 100.000 đồng.
Sau hai doanh nghiệp niêm yết trái phiếu gồm Tập đoàn Vingroup - CTCP và CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Tp. Hồ Chí Minh, Anco là đơn vị tiếp theo niêm yết trái phiếu doanh nghiệp trên sàn chứng khoán.
Trái phiếu của Anco thuộc loại trái phiếu không chuyền đổi, không kèm chứng quyền, có bảo đảm bằng tài sản và không phải là nợ thứ cấp của Anco. Trái phiếu có kỳ hạn 5 năm và đáo hạn vào ngày 01/09/2021 và trả lãi mỗi 6 tháng. Lãi suất đối với 2 kỳ hạn 6 tháng đầu tiên là 7%/năm và áp dụng lãi suất thả nổi trong các kỳ sau bằng tổng của 1,5%/năm và lãi suất tham chiếu.
Được biết, HĐQT Anco đã chấp thuận để công ty mẹ CTCP Masan Nutri-Science - MNS sử dụng chính cổ phần của Anco thuộc sở hữu của MNS và/hoặc Anco sử dụng các tài sản khác của Anco hoặc các công ty con do Anco sở hữu theo quyết định của người được ủy quyền để làm tài sản bảo đảm cho nghĩa vụ thanh toán.
Công ty mẹ MNS sẽ sử dụng cổ phần Anco để đảm bảo cho khoản vay trái phiếu Anco phát hành
Anco dự kiến sử dụng số tiền thu được từ đợt phát hành để tăng quy mô vốn hoạt động, có thể bao gồm (nhưng không giới hạn) Anco mua cổ phần phát hành mới hoặc đã phát hành hoặc phẩn vốn góp trong các công ty con của Anco và các công ty khác. Ngoài ra, số tiền huy động dự kiến đầu tư vào các chương trình dự án của Anco và cơ cấu lại một phần hoặc toàn bộ các khoản nợ hiện hữu.
Tính đến thời điểm cuối tháng 9/2016 (sau khi Anco đã hoàn tất đợt phát hành trái phiếu), nợ phải trả đã chiếm tổng cộng 61,45% tổng nguồn vốn. Trong đó, vay ngắn và dài hạn tăng vọt so với đầu năm lên 3.967 tỷ đồng, dù cùng kỳ con số này chỉ xấp xỉ 178 tỷ đồng.
Năm 2016 cũng là năm ghi nhận sự tăng vọt về quy mô tổng tài sản của doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi này. Tài sản của Anco đã tăng gấp 2,4 lần, từ 3.801,5 tỷ đồng lên 9.146 tỷ đồng.
Nguyên nhân là do Anco có thêm 2.310 tỷ đồng cho vay dài hạn các bên liên quan gồm Kenji (thêm 58 tỷ đồng) và Shika (thêm 1.447 tỷ đồng) với kỳ hạn dài (2 năm) và lãi suất cho vay 6,5%/năm. Đây đều là hai công ty tư vấn quản lý do Tập đoàn Masan nắm tỷ lệ chi phối.
Cùng với đó, Anco đầu tư 2.135 tỷ đồng để mua lại 24,9% vốn Vissan, tương ứng mức giá chi trả cho mỗi cổ phiếu là 106.000 đồng. Anco đã phải tham gia phiên đấu giá gay cấn đến phút chót để có thể vượt qua Tập đoàn CJ từ Hàn Quốc mua số cổ phần Vissan phát hành cho cổ đông chiến lược.
Phiên đấu giá kịch tính chọn ra nhà đầu tư chiến lược của Vissan ngày 24/3/2016
Vốn vay đã tài trợ tích cực cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh của Anco trong năm 2016. Trong 9 tháng đầu năm, Anco đã vay thêm 3.882 tỷ đồng và hoàn trả 2.371 tỷ đồng. Số dư nợ ngắn hạn còn lại đều vay từ các ngân hàng trong nước gồm VietinBank, Vietcombank và Techcombank. Trong khi đó, các khoản vay dài hạn được Anco vay từ Proconco (323 tỷ đồng) và qua kênh trái phiếu gần 2.000 tỷ đồng.