|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

'Ăn theo' dự án mới, bất động sản ven đô bùng nổ

08:56 | 06/07/2018
Chia sẻ
6 tháng đầu năm 2018, bên cạnh "cơn sốt đặc khu" hay đất nền phía Nam..., thị trường đất nền các tỉnh phía Bắc, nhất là những tỉnh giáp ranh Hà Nội, cũng ghi nhận sự tăng trưởng mạnh.

Giá bất động sản vùng ven tăng chóng mặt

Thực tế, không phải đến bây giờ thị trường đất nền tại các tỉnh phía Bắc mới sôi động, mà bắt đầu manh nha từ cuối năm 2016. Tuy nhiên, phần do thị trường trung tâm quá hấp dẫn, phần do tâm lý nhà đầu tư còn e ngại, nên phải đến những tháng đầu năm 2018, thị trường đất nền vùng ven Hà Nội mới thực sự bùng nổ.

Ghi nhận thực tế của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, cũng như số liệu cập nhật của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho thấy, trong nửa đầu năm nay, giá bất động sản tại nhiều tỉnh giáp ranh Hà Nội như Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên, Thái Nguyên… đã tăng rõ rệt, đặc biệt là những địa phương có sự thay đổi về hạ tầng giao thông, hay được nâng cấp đô thị.

Chẳng hạn, tại TP. Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, địa phương mới được chấp thuận lên thành phố cách đây không lâu, chỉ trong 6 tháng qua, giá bán nhiều căn nhà phố có vị trí đẹp, cạnh mặt đường quốc lộ hoặc trung tâm Thành phố, đã tăng 20 - 30%, thậm chí 50% so với 2 năm về trước tùy theo diện tích, loại hình nhà (cấp 4, 2 tầng hay 3 tầng). Giá các loại hình nhà phố khác cũng tăng từ 5 - 10%.

Không chỉ nhà phố, giá đất nền tại một số dự án mới ở TP. Phúc Yên cũng tăng vọt. Chẳng hạn, tại Dự án TMS Grand City, hay Dự án Khu đô thị mới Xuân Hòa, giá đất nền đã tăng từ 100 - 200 triệu đồng/lô đất chỉ sau một thời gian ngắn ra mắt.

Tương tự, tại TP. Phủ Lý, tỉnh Hà Nam, theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, thị trường đất nền cũng đang diễn biến sôi động và tạo hiệu ứng khá mạnh mẽ đối với người dân nơi đây. Từ quán ăn đến công sở, giá đất, giá nhà là vấn đề được bàn luận nhiều nhất, bên cạnh những câu chuyện về bóng đá mùa World Cup.

“Trong 2 khu đô thị 'ăn theo' các dự án bệnh viện là Lam Hạ và Liêm Chính, thì Lam Hạ có mức giá cao ngất ngưởng. Những lô đất đẹp tại dự án này có giá lên đến mấy chục triệu đồng mỗi mét vuông”, một người dân cho biết.

Hiện tại, TP. Phủ Lý đang đón nhận 2 dự án lớn là Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 và Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 (tại xã Liêm Tuyền). Sự xuất hiện của 2 bệnh viện hàng đầu Việt Nam đã và đang khiến giá đất nền tại đây biến động mạnh. Việc giá đất tăng chóng mặt, bên cạnh mức lợi nhuận lớn, cũng tiềm ẩn không ít rủi ro, bởi 2 dự án này đã chậm tiến độ 3 năm qua.

Theo quy hoạch chung, đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, TP. Phủ Lý sẽ tập trung phát triển theo hướng Bắc và hướng Đông, qua đó hình thành 7 phân khu chức năng. Trong đó, vùng phát triển đô thị mới của Thành phố nằm ở phía Đông, dọc theo trục đường 68, Quốc lộ 21 mới, với trọng tâm phát triển về y tế, tài chính - ngân hàng...

Tương tự, thị trường địa ốc Thái Nguyên thời gian gần đây cũng đã sôi động trở lại. Trong đó, phân khúc đất nền đang là kênh đầu tư thu hút nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư, bởi lợi nhuận cao và được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng trong vòng 4 năm tới.

Ghi nhận từ một số sàn giao dịch hoạt động trên địa bàn này cho thấy, thị trường đất nền Thái Nguyên đang trên đà tăng trưởng và hút mạnh dòng tiền từ các nhà đầu tư. Nhiều dự án ra mắt chưa đầy 2 tháng đã tiêu thụ được 70 - 80% số lượng đất nền, thậm chí có dự án còn "cháy hàng", với giá bán trung bình tăng 30% so với mức giá ban đầu.

Nhiều "đại gia" địa ốc có xu hướng tìm về tỉnh lẻ

Ngoài các địa phương nêu trên, theo báo cáo của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, thị trường bất động sản tại nhiều địa phương ven Hà Nội khác như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên…, cũng có diến biến tích cực. Đây vốn là các tỉnh có nhiều dự án hạ tầng giao thông quan trọng và các khu công nghiệp mới, nên thu hút được sự chú ý của nhiều chủ đầu tư, cũng như khách hàng.

Chẳng hạn, tại Bắc Giang, các chủ đầu tư có thể kể đến như Kosy, Bách Việt..., hay tại Bắc Ninh là sự xuất hiện của Him Lam, Nam Hồng… Tại Thái Nguyên, các doanh nghiệp đang tập trung đầu tư có Tập đoàn Tiến Bộ, Tổng công ty Tecco, Hồng Vũ...

Theo đánh giá của giới chuyên gia, lâu nay, nhắc đến bất động sản tỉnh lẻ, nhiều người thường nghĩ đến các dự án quy mô nhỏ, đầu tư vừa phải để phù hợp với phân khúc khách hàng nơi đây. Tuy nhiên, ngày nay, trước sự trỗi dậy của thị trường bất động sản ven đô, tiệm cận các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM..., quan niệm này đã không còn phù hợp.

Chuyên gia CBRE cho biết, những khu trung tâm hành chính ở các tỉnh lẻ, có nhu cầu cao về bất động sản... đang lọt vào “mắt xanh” của các đại gia địa ốc.

an theo du an moi bat dong san ven do bung no
Khách hàng đang xem bản đồ quy hoạch của một dự án ven đô

"Một mặt, các doanh nghiệp muốn nương theo các chính sách quy hoạch đô thị, cảng biển, nhà ga, nhà máy… Mặt khác, doanh nghiệp muốn phân tán các vùng đầu tư và tận dụng những lợi thế sẵn có của địa phương để phát triển dự án", vị này lý giải nguyên nhân các doanh nghiệp bất động sản lớn đang có xu hướng tìm về tỉnh lẻ.

Cùng quan điểm, ông Dương Đức Hiển, Trưởng Bộ phận Kinh doanh nhà ở Savills miền Bắc và miền Trung cho biết, lý do khiến thị trường bất động sản tại nhiều địa phương ven các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM tăng trưởng mạnh thời gian qua là các địa phương này sở hữu quỹ đất “sạch” rất lớn, đồng thời, nhà đầu tư nhận được nhiều sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, đặc biệt là những khu vực đang trên đà phát triển và bắt đầu có nhu cầu cao về nhà ở.

"Trong số các doanh nghiệp bất động sản đang đầu tư tại các tỉnh, đa phần đều là doanh nghiệp có tên tuổi, có kinh nghiệm trong quản lý và đầu tư bất động sản", ông Hiển nói và cho biết thêm, nếu tận dụng tốt cơ hội, những doanh nghiệp này sẽ giúp thị trường bất động sản tỉnh lẻ bứt phá nhanh. Bên cạnh đó, sự tham gia của những doanh nghiệp lớn cũng sẽ kéo theo sự nhập cuộc của nhiều nhà đầu tư đơn lẻ khác, giúp thị trường bất động sản thêm đa dạng.

Theo ông Nguyễn Việt Cường, Chủ tịch HĐQT CTCP Kosy, khi giá đất ở Hà Nội bị đẩy lên cao, các doanh nghiệp và nhà đầu tư có xu hướng dịch chuyển sang các tỉnh lân cận.

"Tại đây, chủ đầu tư sẽ dễ phát triển dự án hơn vì nguồn vốn đầu tư không quá lớn, trong khi khách hàng và các nhà đầu tư cũng dễ tiếp cận sản phẩm hơn, vì giá bán chưa quá cao", ông Cường lý giải.

Mặc dù vậy, theo ông Cường, không phải địa phương nào thị trường bất động sản cũng sôi động, mà sẽ có sự chọn lọc. Những địa phương có công nghiệp phát triển mạnh và hạ tầng xã hội tốt, thì đất nền tại địa phương đó mới có thanh khoản, bởi nhu cầu nhà ở cho các chuyên gia nước ngoài và công nhân tại các khu công nghiệp luôn hiện hữu. Đây là động lực giúp bất động sản vùng ven tăng giá.

"Đầu tư vào bất động sản ở địa phương không dễ, đòi hỏi các chủ đầu tư phải có tiềm lực tài chính đủ mạnh, bởi thị trường bất động sản tỉnh lẻ khác xa so với các thành phố lớn, nhất là về mặt bằng thu nhập của người dân. Ngoại trừ các dự án nghỉ dưỡng, du lịch, vì đối tượng mua thường không phải người địa phương, còn với những dự án khu dân cư, chủ đầu tư phải lưu ý phân khúc khách hàng mục tiêu", ông Cường nhấn mạnh.

Xem thêm

Ninh Việt