|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Ẩn số 505 tỉ USD trong sự phục hồi của thị trường chứng khoán Trung Quốc

11:54 | 07/03/2020
Chia sẻ
Giá cổ phiếu các công ty phát triển hạ tầng của Trung Quốc tăng cao nhờ vào hi vọng của các nhà đầu tư về gói kích thích kinh tế khổng lồ mà chính quyền địa phương nước này cam kết tung ra. Nhưng hứa hẹn chưa chắc đã thành sự thực.
Câu đố 505 tỉ USD và sự phục hồi của thị trường chứng khoán Trung Quốc - Ảnh 1.

Một công nhân Trung Quốc đang lái cần cẩu. Ảnh: Bloomberg

Thượng viện Mỹ đã thông qua gói hỗ trợ 8,3 tỉ USD để ngăn chặn COVID-19. Đối với nhiều quốc gia, đây là một con số khổng lồ. Nhưng với chính quyền Trung Quốc, con số này chỉ đáng gọi là tiền lẻ.

Theo Bloomberg, trong quá khứ, Trung Quốc đã từng mạnh tay vung tiền để thoát khỏi khủng hoảng. Với nền kinh tế thứ hai thế giới, một gói kích thích kinh tế với qui mô hàng nghìn tỉ USD không phải là một phương án bất khả thi.

Các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Trung Quốc đã trở nên phấn khích sau khi truyền thông nước này công bố 7 trên 31 chính quyền cấp tỉnh hứa sẽ bỏ ra tổng cộng 24,5 nghìn tỉ nhân dân tệ cho các dự án cơ sở hạ tầng. Dự kiến 3,5 nghìn tỉ nhân dân tệ (505 tỉ USD) sẽ được chi ngay trong năm nay.

Con số này chắc chắn sẽ còn tăng cao một khi có thêm công bố từ những thành phố còn lại.

Hi vọng của các nhà đầu tư về một gói kích thích kinh tế khổng lồ là điều dễ hiểu. Sau khi ngân hàng Lehman Brothers sụp đổ năm 2008, chính quyền Trung Quốc đã chi 4 nghìn tỉ nhân dân tệ (577 tỉ USD) để xây dựng cầu đường, và đã thành công trong việc đưa đất nước thoát khỏi suy thoái. 

Đã có một số dấu hiệu đáng kì vọng cho thấy chính quyền Trung Quốc sẽ tiếp tục sử dụng lại biện pháp cũ. Để giúp chính quyền địa phương có khả năng tiếp cận vốn, Bắc Kinh đã sớm cho phép các địa phương phát hành trái phiếu phục vụ mục đích đặc biệt, tổng qui mô phát hành lên tới 1,8 nghìn tỉ nhân dân tệ (260 tỉ USD).

Sự lạc quan về các gói kích thích kinh tế và chính sách nới lỏng tiền tệ đã giúp thị trường chứng khoán Trung Quốc phục hồi theo mô hình chữ V. Cổ phiếu các công ty trong ngành cơ sở hạ tầng thuộc Chỉ số CSI 300 tăng 12% kể từ mức đáy hồi đầu tháng 2/2020.

Nhưng nhà đầu tư cần cảnh giác. Những con số này tuy rất hào nhoáng, nhưng bất kể các quan chức địa phương nói gì, điều quan trọng là họ có thực hiện được hay không. Dù một số dự án đã được lên kế hoạch tỉ mỉ, nhưng số khác chưa chắc đã như vậy.

Ví dụ, tỉnh Vân Nam – địa phương đưa ra đề xuất mạnh bạo nhất trong số các chính quyền địa phương – đang dự định xây một tuyến đường sắt cao tốc nối liền thủ phủ Côn Minh với thị trấn Lệ Giang.

Theo công ty chứng khoán Nomura, dự án này ước tính sẽ tiêu tốn khoảng 100 tỉ nhân dân tệ (14,4 tỉ USD), tương đương với 5% GDP của tỉnh Vân Nam. Với chi phí lớn như vậy, có thể chính quyền Trung Quốc sẽ từ chối cấp phép dự án.

Ngoài ra, tình hình tài chính của Vân Nam cũng không được tốt. Trong suốt những năm qua, tỉnh này đã phải giải cứu một số công ty được chính quyền tài trợ khỏi bờ vực phá sản.

Đầu năm 2018, Vân Nam bơm 2 tỉ nhân dân tệ (288,7 triệu USD) vào một công ty đầu tư thuộc sở hữu nhà nước, sau khi công ty này mất khả năng thanh toán hai khoản vay ủy thác.

Năm ngoái, trái phiếu phát hành tại thị trường nước ngoài bởi hai công ty của Vân Nam cũng gặp vấn đề: Một thì vướng vào cuộc chiến pháp lí với một công ty năng lượng tại Trung Quốc (hiện đã phá sản), còn chủ tịch của công ty còn lại thì bị điều tra tham nhũng. Cả hai đều khiến tỉnh này phải tiêu tốn rất nhiều tiền.

Liệu cam kết của chính quyền địa phương có đáng tin cậy?

Làm cách nào mà chính quyền địa phương Trung Quốc có thể thanh toán cho những dự án hàng tỉ USD? Theo Moody's Investors Service, năm ngoái, doanh thu của các tỉnh chỉ tăng 3,2% - mức thấp nhất trong 10 năm trở lại – và cách xa mục tiêu 4,9%.

Việc giảm thuế trong năm 2019 và nền kinh tế tăng trưởng chậm lại đã khiến nhiều địa phương rơi vào cảnh "cháy túi".

Đầu tư cơ sở hạ tầng của Trung Quốc cũng đang bị đình trệ, năm ngoái chỉ tăng 3,1%. Để có thể tăng tốc các dự án xây dựng, chính quyền địa phương sẽ cần đến sự trợ giúp của các cơ quan quản lí ngân hàng.

Từ trước đến giờ, các tỉnh của Trung Quốc đang dựa dẫm vào thị trường trái phiếu, liên tục phát hành trái phiếu phục vụ mục đích đặc biệt, và ỷ lại vào người mua là những ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước.

Nhưng chỉ như vậy thì không đủ. Chi tiêu cho cơ sở hạ tầng hàng năm của Trung Quốc rơi vào khoảng 17 nghìn tỉ nhân dân tệ, vượt xa giới hạn 3 nghìn tỉ nhân dân tệ của tổng giá trị trái phiếu chính quyền địa phương được phép phát hành.

Phần lớn vấn đề này bắt nguồn từ cuộc chiến của chính quyền Trung Quốc với các "ngân hàng ngầm" (ngân hàng phi chính thức) từ cuối năm 2017. Trong 5 năm qua, Trung Quốc đã dựa vào các công ty hợp tác giữa chính phủ và tư nhân để tài trợ cho những dự án cơ sở hạ tầng.

Nhưng tiền của tư nhân đã "chạy" sang lĩnh vực khác, sau khi những qui định mới cấm các công ty quản lí tài sản sử dụng tiền được ủy thác trong ngắn hạn đầu tư vào dự án dài hạn. Cơ sở hạ tầng cũng không phải ngoại lệ.

Nói cách khác, nếu như các nhà nhà quản lí ngân hàng Trung Quốc không chịu nhượng bộ, thì cam kết của chính quyền địa phương nước này về các gói kích thích kinh tế cũng trở nên vô nghĩa.

Rất có thể Trung Quốc sẽ tung ra một gói kích thích kinh tế khổng lồ, và những nhà đầu tư đã đánh cược vào các dự án cơ sở hạ tầng sẽ được đền đáp xứng đáng. Nhưng hãy để ý xem nguồn thông tin đến từ đâu.

Nếu Bộ Tài chính Trung Quốc chính thức tăng thâm hụt tài khóa lên trên 3% - ngưỡng tiêu chuẩn vàng của thế giới mà từ lâu Trung Quốc đã thận trọng không muốn vượt qua – thì xin chúc mừng, các gói kích thích kinh tế sẽ không chỉ còn là lời hứa hão.

Hoặc nếu Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) nới lỏng qui định cho vay với các ngân hàng chính sách, cho phép tài trợ những dự án như kế hoạch tái phát triển khu ổ chuột hồi năm 2015, thì thông tin về những khoản chi chính phủ lại càng đáng tin cậy hơn.

Ngược lại, nếu chỉ có tuyên bố của các quan chức địa phương, thì nhà đầu tư cũng không nên đặt quá nhiều kì vọng.

Giang

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.