An Quý Hưng thất bại với kế hoạch huy động 5.300 tỷ đồng trái phiếu
Bên ngoài tòa nhà Vinaconex tại Láng Hạ, Hà Nội
Công ty TNHH An Quý Hưng và công ty con Công ty TNHH An Quý Hưng Land, các cổ đông lớn của Vinaconex, mới đây công bố thông tin kết quả phát hành trái phiếu riêng lẻ của hai doanh nghiệp này.
Theo đó, Công ty An Quý Hưng đã chào bán 2.600 tỷ đồng và An Quý Hưng Land chào bán 2.700 tỷ đồng trái phiếu theo hình thức trái phiếu không chuyển đổi. Các trái phiếu này có kỳ hạn 3 năm và được trả lãi 12%/năm cho kỳ tính lãi đầu tiên. Các kỳ sau lãi suất không thấp hơn mức này, được tính bằng lãi tiết kiệm 12 tháng của 4 ngân hàng cộng thêm 4,5%.
Tài sản đảm bảo cho các đợt phát hành này là 255 triệu cổ phiếu Vinaconex, tương đương toàn bộ 58% cổ phần Vinaconex mà An Quý Hưng đang nắm giữ sau khi thâu tóm công ty này vào cuối năm ngoái.
Tính theo giá thị trường, giá trị tài sản đảm bảo trị giá gần 7.000 tỷ đồng, cao hơn 32% so với quy mô vốn mà nhóm An Quý Hưng dự kiện huy động.
Mặc dù lãi suất cao và tài sản bảo đảm giá trị lớn, các trái phiếu của An Quý Hưng và An Quý Hưng Land không thu hút được nhà đầu tư nào quan tâm đặt mua trong đợt này.
Hai công ty không công bố rộng rãi thông tin về đợt phát hành trái phiếu, trong đó có mục đích sử dụng vốn của đợt phát hành. Tuy vậy, để thâu tóm Vinaconex cuối năm ngoái An Quý Hưng đã chi ra số tiền lớn hơn nhiều so với quy mô tài sản của công ty từ các bên thứ 3. Do đó, đợt huy động vốn trái phiếu trên được cho là liên quan đến thương vụ thâu tóm Vinaconex năm ngoái.
Trước đó, An Quý Hưng đã thực hiện thế chấp nhiều tài sản để huy động vốn cho thương vụ. Một trong số đó là các lô đất thuộc dự án Geleximco – Khu đô thị mới Lê Trọng Tấn cho ngân hàng Indovina, chi nhánh Thiên Long. Các lô đất nằm trong hợp đồng mua bán giữa An Quý Hưng và Tập đoàn Geleximco có tổng giá trị khoảng 250 tỷ đồng, theo các biên bản định giá tài sản ngày 23/11/2018.
Sau khi An Quý Hưng nắm giữ 58% cổ phần tại Vinaconex, Tổng Công ty xây dựng này đã thay hết ban lãnh đạo, với tân Chủ tịch HĐQT Đào Ngọc Thanh được bầu tại Đại hội cổ đông bất thường.
Tuy nhiên, sau đó cổ đông lớn khác là Công ty TNHH Bất động sản Cường Vũ (nắm 21,3% vốn) và Công ty Đầu tư Star Invest (nắm 7,57% vốn) đã khiếu nại, khiến Tòa án nhân dân Quận Đống Đa đã có Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là tạm dừng thực hiện Nghị quyết ĐHĐCĐ bất thường năm 2019, bao gồm việc bầu cử thành viên Hội đồng Quản trị và Ban kiểm soát của công ty.
Phải đến cuối tháng 4/2019, căn cứ xác minh của Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD) về việc hai cổ đông lớn Công ty TNHH Bất động sản Cường Vũ và Đầu tư Star Invest chưa đủ thời gian liên tục 6 tháng nắm cổ phần để có quyền khởi kiện, Tòa án nhân dân quận Đống Đa mới có Quyết định đình chỉ giải quyết yêu cầu hủy Nghị quyết của ĐHĐCĐ đã thụ lý trước đó. Điều này đồng nghĩa với HĐQT và BKS của Vinaconex đã được hoạt động trở lại từ ngày 25/4.
Dù vậy, đến thời điểm hiện tại, Vinaconex vẫn chưa chốt được ngày họp ĐHĐCĐ thường niên để thông qua các kế hoạch kinh doanh năm 2019.