An Phát Holdings và những thương vụ đình đám năm 2018: Từ tái khởi động xơ sợi Đình Vũ đến sản xuất nhựa ô tô cho VinFast
Vừa thâu tóm Nhựa Hà Nội, An Phát Holdings bắt tay VinFast lập công ty sản xuất nhựa ô tô vốn 420 tỉ đồng |
An Phát Holdings (APH) pháp nhân non trẻ nắm cổ phần chi phối tại AAA
Thời gian gần đây, cái tên CTCP An Phát Holdings (APH) xuất hiện với tần suất dày đặc trên mặt báo, từ thương vụ thâu tóm lại CTCP Nhựa Hà Nội, ngay sau đó công ty này bắt tay cùng VinFast lập một doanh nghiệp sản xuất nhựa và linh kiện cho ô tô tại ngay đại bản doanh của VinFast , Đình Vũ – Hải Phòng.
Trước đó, An Phát Holdings cũng là nhân tố chính giúp tái khởi động lại nhà máy nghìn tỉ đắp chiếu Xơ sợi Đình Vũ (PVTex) từ lâu đã bị PVN bỏ rơi do thiếu vốn vận hành...
Ông Phạm Ánh Dương - Đồng Chủ tịch tại APH và AAA. (Nguồn: AAA) |
Ít ai biết rằng, An Phát Holdings (APH) là công ty được nhóm ông Phạm Ánh Dương – Chủ tịch HĐQT CTCP Nhựa và Môi trường Xanh An Phát (Mã: AAA - sau đây gọi là Nhựa An Phát) thành lập từ tháng 3/2017 với mục đích ban đầu là nắm quyền chi phối Nhựa An Phát như một khoản đầu tư dài hạn và nhận cổ tức.
Từ cuối tháng 5/2017, An Phát Holdings bắt đầu mua vào cổ phiếu AAA từ các lãnh đạo chủ chốt của công ty và sau đó tiến hành mua lại chứng quyền AAA với mục tiêu sở hữu tối thiểu 51% vốn điều lệ. Thời điểm hiện tại, An Phát Holdings đang là cổ đông lớn nhất tại Nhựa An Phát, đạt tỉ lệ sở hữu 46,62%.
Ngược lại, các lãnh đạo của Nhựa An Phát gồm ông Phạm Ánh Dương (đồng Chủ tịch HĐQT tại Nhựa An Phát và An Phát Holdings), ông Phạm Hoàng Việt (thành viên HĐQT của cả Nhựa An Phát và An Phát Holdings), ông Nguyễn Lê Trung (thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc tại Nhựa An Phát, thành viên HĐQT An Phát Holdings) và ông Đinh Xuân Cường (thành viên HĐQT Nhựa An Phát, thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc An Phát Holdings) đều không còn là cổ đông AAA.
Hồi sinh hàng loạt dự án lớn
Hồi sinh khu công nghiệp Việt Hòa - Kenmark
Vượt xa định hướng ban đầu là nắm giữ cổ phiếu chi phối tại AAA, theo thời gian ngày càng xuất hiện nhiều "chiến công" gắn với tên tuổi An Phát Holdings, đặc biệt là những thương vụ hồi sinh hàng loạt các dự án lớn nghìn tỉ tưởng chừng như đã đi vào quên lãng.
Tháng 3/2018, CTCP Kỹ thuật cao An Phát, công ty con của AAA, thành viên nhóm An Phát Holdings rót 756 tỉ đồng mua lại dự án Khu công nghiệp Việt Hòa – Kenmark quy mô 46 ha tại Hải Dương.
Chủ cũ của dự án nói trên là Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Kenmark, doanh nghiệp Đài Loan được cấp phép thực hiện dự án đầu tư vào năm 2006 cùng lời hứa hẹn đầu tư 500 triệu USD biến đây thành một khu công nghiệp quy mô lớn.
Theo kế hoạch, giai đoạn I, Kenmark sẽ đầu tư khoảng 98,4 triệu USD. Tuy nhiên, sau 3 năm triển khai và xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, trạm xử lý nước thải và 13 nhà xưởng rộng 11,4 ha, tới năm 2010, chủ đầu tư dự án bất ngờ bỏ về nước, dự án dừng triển khai và bị bỏ hoang.
Đáng nói, dự án này đã được Kenmark thế chấp vay vốn tại 3 ngân hàng thời điểm đó là BIDV, SHB và Habubank (hiện đã sáp nhập vào SHB), với tổng vay nợ 67,6 triệu USD.
Sau nhiều lần chủ đầu tư rao bán Việt Hòa - Kenmark không thành công, An Phát sắn tay áo tham gia thương vụ này.
Khu công nghiệp An Phát Complex. (Ảnh: ĐTCK) |
Sau khi tiếp nhận Khu công nghiệp Việt Hòa - Kenmark, AAA và Tập đoàn An Phát Holdings đổi tên thành An Phát Complex, hướng đến đầu tư sản xuất sản phẩm nhựa kỹ thuật cao, thân thiện với môi trường như nhựa ép phun kỹ thuật cao, bao bì nhựa tự hủy, vật liệu xây dựng PVC công nghệ cao…, với tổng vốn đầu tư 2.056 tỉ đồng, dự kiến tiếp nhận 6.000 lao động.
Theo kế hoạch, đến 12/2018 An Phát Complex sẽ hoàn thiện việc sửa chữa, cải tạo cơ sở hạ tầng khu công nghiệp và 5 khối nhà xưởng đảm bảo đủ điều kiện kinh doanh. Dự kiến, toàn bộ khối nhà xưởng sẽ được hoàn thiện cải tạo, sửa chữa, đủ điều kiện kinh doanh vào tháng 7/2020.
Chia sẻ lý do đầu tư vào An Phát Complex, Tập đoàn An Phát Holdings cho biết, Tập đoàn muốn thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước; xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại cho các dự án của Tập đoàn, đa dạng hóa lĩnh vực hoạt động, hiện thực hóa mục tiêu doanh thu 1 tỉ USD năm 2018...
Tái khởi động dự án Nhà máy nghìn tỉ Xơ sợi Đình Vũ (PVTex)
Một thương vụ thậm chí còn ấn tượng hơn của nhóm An Phát Holdings liên quan đến việc hồi sinh dự án nghìn tỉ bị bỏ rơi của Bộ Công Thương, nhà máy Xơ sợi Đình Vũ (PVTex).
Tháng 5 năm nay, CTCP Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTex) ký hợp đồng hợp tác sản xuất kinh doanh với liên danh Tập đoàn An Phát Holdings và các đối tác nước ngoài, vận hành thương mại phân xưởng sản xuất sợi Filament của Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ.
Ngày 24/7/2018, PVTex và CTCP Xơ sợi tổng hợp An Sơn - đơn vị được ủy quyền bởi CTCP An Phát Holdings ký kết "Hợp đồng gia công sợi DTY", bước khởi đầu cho hợp tác kinh doanh, vận hành toàn bộ Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ.
Thỏa thuận của nhóm An Phát Holdings là PVN nhằm hồi sinh dự án PVTex. |
Theo bản thỏa thuận này, các bên đã thống nhất lộ trình hợp tác để nâng công suất 3 dây chuyền DTY đang vận hành hiện tại lên toàn bộ 25 dây chuyền DTY với công suất lên đến hơn 60 tấn sợi/ngày (tương đương khoảng 1.800 tấn/tháng).
Được biết, PVN đã có thỏa thuận với An Phát Holdings về việc bán tối thiểu 35% sản lượng PP từ Lọc hóa dầu Bình Sơn cho đối tác này trong thời hạn từ 5 – 10 năm, như một phần của thỏa thuận tái cấu trúc PVTex.
Thâu tóm Nhựa Hà Nội, bắt tay VinFast sản xuất
nhựa, linh kiện ô tô
CTCP Tập đoàn An Phát Holdings cũng chính là cái tên vừa thâu tóm hơn 52% CTCP Nhựa Hà Nội (Mã: NHH) từ tay Công ty TNHH MTV Cadivi Đồng Nai mà không phải thực hiện thủ tục chào mua công khai. Ông Mẫn Chí Trung (một thành viên trong HĐQT AAA) cùng với hai cá nhân khác trúng cử vị trí thành viên HĐQT Nhựa Hà Nội thay thế cho nhóm thành viên HĐQT cũ.
Sau Cadivi Đồng Nai, CTCP Quản lý quỹ đầu tư MB (MB Capital) cũng thông báo đã bán sạch 1,36 triệu cổ phiếu NHH (tương đương tỉ lệ 20,88% vốn điều lệ). Được biết Cadivi Đồng Nai cũng mới chỉ nâng tỉ lệ sở hữu tại Nhựa Hà Nội từ 24,9% lên 51,86% trong năm 2018 này.
Nhựa Hà Nội là doanh nghiệp sản xuất linh kiện nhựa phụ tùng ô tô xe máy lâu đời và có tên tuổi với các khách hàng lâu năm như Honda Việt Nam, Piaggio Việt Nam, Toyota Việt Nam, Panasonic, LG...
An Phát Holdings và thâu tóm lại Nhựa Hà Nội. (Nguồn: Nhựa Hà Nội) |
Ngay sau khi chính thức thâu tóm Nhựa Hà Nội, An Phát Holdings bắt tay cùng Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VinFast lập ra Công ty TNHH Linh kiện Nhựa Ô tô VinFast – An Phát (VAPA) vốn điều lệ hơn 420 tỉ đồng. Đây là doanh nghiệp thuộc tổ hợp sản xuất ô tô VinFast, Khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải, TP Hải Phòng, với nhiệm vụ chính là sản xuất phụ tùng và bộ phận phụ trợ cho xe ô tô và xe có động cơ khác.
Trước đó, báo cáo tài chính của Nhựa Hà Nội cũng đã ghi nhận các giao dịch bán sản phẩm đối với VinFast.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/