Ấn Độ sẽ áp thuế tối đa 30% đối với ống thép nhập khẩu từ Việt Nam và Trung Quốc
Theo Reuters, Ấn Độ sẽ áp thuế 12 -30% đối với một số sản phẩm thép nhập khẩu từ Trung Quốc và Việt Nam nhằm bảo vệ và thúc đẩy ngành công nghiệp trong nước.
Theo lệnh từ New Delhi ban hành ngày 10/9, ống thép không gỉ hàn nhập khẩu từ Trung Quốc, nước sản xuất thép lớn nhất thế giới, và Việt Nam sẽ phải chịu thuế trong 5 năm tới.
Mối quan hệ giữa hai quốc gia đông dân nhất thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ đã trở nên căng thẳng kể từ khi quân đội hai nước đụng độ tại biên giới tranh chấp ở dãy Himalaya vào năm 2020. Điều này khiến phải thắt Ấn Độ chặt giám sát các khoản đầu tư của Trung Quốc và dừng các dự án lớn.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar hôm thứ Ba (10/9) cho biết chính phủ "không đóng cửa với hoạt động kinh doanh từ Trung Quốc".
Còn với Việt Nam, trước đó, chính phủ Ấn Độ đã khởi xướng một cuộc điều tra chống bán phá giá vào tháng 8 đối với một số sản phẩm thép nhập khẩu từ Việt Nam.
Theo trang Business Standard, các nhà sản xuất thép Ấn Độ đã báo động tình trạng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc chuyển hướng qua Việt Nam theo hiệp định thương mại tự do Ấn Độ-ASEAN trong một thời gian. Việc nhập khẩu với giá thấp hơn đã tác động đến giá thép trong nước.
Động thái này diễn ra sau khi Hiệp hội Thép Ấn Độ (ISA) - thay mặt cho các nhà sản xuất thép trong nước, cụ thể là JSW Steel và ArcelorMittal Nippon Steel Ấn Độ (AM/NS Ấn Độ) - đã nộp đơn xin điều tra các sản phẩm thép phẳng cán nóng làm từ thép hợp kim hoặc không hợp kim có xuất xứ từ Việt Nam.
Thông báo do Tổng cục Phòng vệ thương mại (DGTR) thuộc Bộ Thương mại ban hành ngày 14/8 cho biết, trên cơ sở đơn yêu cầu điều tra bằng văn bản có đầy đủ chứng cứ do ngành sản xuất trong nước nộp, có bằng chứng rõ ràng về việc bán phá giá sản phẩm đang bị điều tra có xuất xứ từ hoặc xuất khẩu từ Việt Nam, gây ra thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước.
“Cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành một cuộc điều tra chống bán phá giá”, thông báo cho biết.
Sản phẩm được xem xét là “các sản phẩm phẳng cán nóng bằng thép hợp kim hoặc không hợp kim, không phủ, không mạ hoặc tráng, có độ dày lên đến 25 mm và chiều rộng lên đến 2100 mm”.
Thời gian điều tra từ ngày 1/1/2023 đến ngày 31/3/2024 (15 tháng).
Người nộp đơn đã yêu cầu áp dụng thuế chống bán phá giá có hiệu lực hồi tố.
Họ cho rằng do tác động bất lợi về khối lượng và giá của hàng nhập khẩu bị bán phá giá nên hiệu quả hoạt động của công ty đã giảm sút về lợi nhuận, thị phần và lợi tức đầu tư.
Các nhà sản xuất thép lớn đã điều chỉnh kế hoạch mở rộng của mình phù hợp với mục tiêu đạt công suất thép 300 triệu tấn vào năm 2030-2031 của Ấn Độ.