Ấn Độ: Các nhà máy nhiệt điện than 'đắp chiếu' vì nợ
Nhà máy nhiệt điện than Raikheda ở bang Chhattisgarh, miền Trung Ấn Độ. Ảnh: GMRGroup |
Hàng loạt nhà máy nhiệt điện ngưng hoạt động
Tại ngôi làng Raikheda ở bang Chhattisgarh, miền trung Ấn Độ, dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện than Raikheda với công suất 1.370 MW để cung cấp điện cho hàng trăm ngàn hộ gia đình từng mang lại những hứa hẹn tươi sáng về việc làm và phát triển kinh tế.
Song nhiều năm sau khi hoàn thành, nhà máy nhiệt điện than Raikheda đang chìm trong núi nợ và gần như không hoạt động. Nhà máy nhiệt điện này không thể mua than để vận hành hoặc bán điện cho các công ty dịch vụ tiện ích. Hàng chục cửa hiệu mọc lên gần nhà máy cũng đã đóng cửa.
Nhà máy nhiệt điện than Raikheda không phải là trường hợp cá biệt. Theo Reuters, kết quả phân tích dữ liệu sản lượng điện của Ấn Độ cho thấy hơn 50 nhà máy điện than và điện khí ở Ấn Độ phần lớn ngưng hoạt động hoặc chỉ hoạt động ở mức tối thiểu.
Chúng là bức tranh phản chiếu tình cảnh khó khăn của ngành điện lực Ấn Độ vì phải chật vật trả lãi và trả những khoản nợ hàng tỉ đô la Mỹ.
Các công ty điện Ấn Độ đang có các khoản nợ xấu lớn thứ hai, khoảng hơn 12% trong khối nợ xấu 150 tỉ đô la của nền kinh tế Ấn Độ, chỉ sau các công ty thép.
Tháng trước, Ngân hàng trung ương Ấn Độ chỉ thị các ngân hàng thương mại phải giải quyết các món nợ xấu của các dự án cơ sở hạ tầng, bao gồm các dự án nhiệt điện trong vòng sáu tháng, nếu không, phải buộc các dự án này tuyên bố phá sản, một động thái có thể khiến ngành ngân hàng mắc kẹt trong gánh nợ xấu khổng lồ và buộc chính phủ phải tái cấp vốn cho họ.
“Các khoản nợ xấu này sẽ không biến đi đâu cả. Chính phủ sẽ phải trông nom ngành ngân hàng”, Supratim Sarkar, Giám đốc bộ phận tài chính cấu trúc ở ngân hàng đầu tư SBI Capital Markets (Ấn Độ), nói.
Công ty hạ tầng GMR Infrastructure đã xây dựng nhà máy nhiệt điện Raikheda bằng khoản vốn vay 1,24 tỉ đô Mỹ. GMR Infrastructure vận hành giai đoạn một của nhà máy nhiệt điện Raikheda vào năm 2014 và giai đoạn hai vào năm 2016. Song nhà máy này chỉ hoạt động cầm chừng để duy trì sự ổn định của hệ thống điện
Chìm trong núi nợ
Các dự án nhà máy nhiệt điện đang trong tình cảnh "trùm mền" có tổng công suất gần 50 GW, tương đương 15% tổng công suất 300 GW của ngành điện lực Ấn Độ.
Nhiều nhà máy nhiệt điện than đang bị bỏ hoang thuộc sở hữu của các công ty điện như Essar Power, GVK Power và Reliance Power, những đơn vị đổ xô xây dựng các nhà máy nhiệt điện than trong suốt thập kỷ qua khi giá điện tăng.
Tuy nhiên, các dự án của họ rơi vào tình trạng mất kiểm soát khi sức khỏe tài chính của các nhà phân phối điện nhà nước suy yếu, khiến họ không thể mua điện với giá chào bán của các nhà máy nhiệt điện. Trong khi đó, nguồn cung khí đốt và than không đáp ứng kịp nhu cầu của các nhà máy nhiệt mới. Do đổ một lượng vốn khổng lồ để xây các nhà máy nhiệt điện nhưng không có doanh thu, các công ty điện này giờ đây đang chìm trong núi nợ.
Đầu năm nay, công ty GMR Infrastructure đã nhất trí với các ngân hàng về kế hoạch tái cấu trúc nợ cho nhà máy điện than Raikheda bằng cách hoán đổi nợ thành vốn góp cổ phần đồng thời cho phép các ngân hàng phát mãi tài sản của nhà máy này trong trường hợp cần thiết.
Công ty môi giới chứng khoán CLSA (Hồng Kông) ước tính ngành điện Ấn Độ đang chiếm 43% tổng khoản nợ thuộc diện bị giám sát của các ngân hàng trong nước. Đây là các khoản nợ có nguy cơ mất khả năng thanh toán nhưng vẫn chưa được phân loại là nợ xấu.
Năm 2015, Ấn Độ giải ngân khoảng 11 tỉ đô la Mỹ cho chương trình giải cứu ngân hàng kéo dài bốn năm nhưng con số này vẫn còn quá ít ỏi so với nhu cầu trích lập dự phòng cho các khoản nợ xấu. Nhà phân tích Seth-Chhabria ở công ty xếp hạng tín dụng toàn cầu S&P Global Ratings (Mỹ) ước tính các ngân hàng Ấn Độ cần được tái cấp vốn 39 tỉ đô la Mỹ.
Điện mặt trời giá rẻ lên ngôi
Sự thay đổi chính sách của chính phủ Ấn Độ theo hướng khuyến khích năng lượng sạch khiến triển vọng của các nhà máy nhiệt điện, đặc biệt là điện than càng trở nên u ám.
Năng lượng tái tạo đang phát triển nhanh ở Ấn Độ. Công suất điện mặt trời ở nước này đã tăng bốn lần kể từ tháng 12-2014 lên mức 12 GW, trong khi đó, điện gió đang cung cấp 32 GW. Chính phủ của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đặt mục tiêu nâng công suất điện mặt trời và điện gió thêm lần lượt 88 GW và 28 GW vào năm 2022. Các dự án này đang dần loại bỏ điện than ra khỏi thị trường điện.
Công ty điện lớn nhất Ấn Độ NTPC và công ty điện RattanIndia Power gần đây cho biết họ đang xem xét lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời ở trên các khu đất mà trước đây được quy hoạch cho các dự án nhà máy nhiệt điện. NTPC đặt mục tiêu 30% sản lượng của công ty đến từ các nguồn nhiên liệu không phải hóa thạch vào năm 2032.
Theo hãng tin Bloomberg, các nhà phát triển nhiệt điện than ở Ấn Độ đang ngày càng bi quan sau khi giá điện giảm mạnh nhờ điện mặt trời giá rẻ. Họ đang chật vật tìm kiếm khách hàng và đối mặt với nguy cơ đóng cửa nhà máy do sản lượng điện dư thừa.
“Giá điện mặt trời giảm mạnh khiến các công ty phân phối điện bế tắc và buộc họ từ bỏ các thỏa thuận mua điện dài hạn với các nhà sản xuất điện truyền thống. Cách đây hai năm, mọi người còn tỏ ra hoài nghi về khả năng điện mặt trời sẽ giảm về ngang giá với điện truyền thống nhưng nay giá điện mặt trời thậm chí còn rẻ hơn”, T. Adi Babu, giám đốc điều hành của công ty điện Lanco Infratech ở New Delhi, cho biết.
Giá điện mặt trời ở Ấn Độ đang rẻ hơn đến 50% so với giá điện than, theo công ty nghiên cứu điện mặt trời Bridge to India. Tháng 5-2017, công ty SBG Cleantech, một liên doanh năng lượng sạch giữa tập đoàn SoftBank (Nhật Bản), tập đoàn Bharti Enterprises (Ấn Độ) và tập đoàn công nghệ Foxconn (Đài Loan) chào bán điện mặt trời với giá 2,44 rupee/kwh (tương đương 860 đồng). Trong khi đó, chi phí năng lượng quy dẫn (LCOE) từ một nhà máy nhiệt điện mới vận hành ở Ấn Độ là 3,54 rupee/kwh (1.250 đồng). “Đó là lý do tại sao chúng ta thấy nhiều cuộc đấu giá điện than phải tạm hoãn hoặc hủy bỏ trong ba tháng qua”, Vinay Rustagi, giám đốc công ty Bridge to India, nói.
Gần đây, chính quyền bang đông dân Ấn Độ Uttar Pradesh đã hủy tám hợp đồng mua điện than dài hạn do chính quyền tiền nhiệm ký kết vì cho rằng giá quá đắt.