|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Alibaba 'xâm chiếm' thị trường thương mại điện tử châu Âu

07:39 | 02/11/2021
Chia sẻ
Gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Alibaba đang cạnh tranh với Amazon để giành lấy thị trường thương mại điện tử bùng nổ của Liên minh châu Âu (EU).

Alibaba vẫn nằm trong số 3 nhà bán hàng tiêu dùng trực tuyến hàng đầu ở Đông Âu vào năm ngoái, theo Euromonitor International. Amazon không nằm trong danh sách 10 công ty hàng đầu của khu vực, tính cả các quốc gia như Ba Lan và Cộng hòa Séc.

Theo Euromonitor, Amazon là công ty thương mại điện tử hàng đầu ở Tây Âu, bao gồm Pháp và Tây Ban Nha. Tuy nhiên, thị phần của gã khổng lồ thương mại điện tử Mỹ trong khu vực đã không tăng trong thời kỳ đại dịch COVID-19, vẫn ở mức khoảng 19,3% vào năm 2020. Ngược lại, thị phần của Alibaba tăng lên 2,9% vào năm 2020 từ mức 2% năm trước đó.

Alibaba tăng trưởng nhanh ở thị trường châu Âu

Alibaba giữ vị trí đầu tiên trong lĩnh vực thương mại điện tử ở Đông Âu vào năm 2019, theo Euromonitor International. Tuy nhiên sau đó, trang web mua sắm trực tuyến Allegro của Ba Lan đã giành lại vị trí này vào năm 2020, đối thủ đến từ Nga là Wildberries đứng thứ hai và Alibaba bị đẩy xuống vị trí thứ ba.

Alibaba phát triển mạnh mẽ ở châu  u, vượt Amazon ở một khu vực - Ảnh 1.

Alibaba thúc đẩy các hoạt động mở rộng thị trường ở châu Âu. (Nguồn: NewsExcel.com).

Sự cạnh tranh ở thị trường thương mại điện tử châu Âu diễn ra ngày càng gay gắt khi mua sắm trực tuyến trong khu vực này tăng lên đáng kể trong năm nay. Các chính sách phong tỏa, giãn cách xã hội được duy trì trong nhiều tháng gần như thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu cùng.

Đối với “hàng tiêu dùng nhanh” - một danh mục bao gồm thực phẩm, đồ uống, chăm sóc cá nhân và chăm sóc gia đình - báo cáo cho biết doanh số thương mại điện tử tăng gấp đôi ở Ý và Tây Ban Nha trong quý đầu tiên của năm nay, so với cùng kỳ năm ngoái. “Đã đến lúc bước sang giai đoạn tiếp theo của tăng trưởng thương mại điện tử ở châu Âu”, công ty nghiên cứu dữ liệu thị trường NielsenIQ cho biết trong một báo cáo công bố hồi tháng 6.

Alibaba rất muốn dẫn đầu làn sóng tăng trưởng đó. Các đơn vị kinh doanh khác nhau của tập đoàn đã công bố mở rộng sang châu Âu trong những tuần trước lễ hội mua sắm Ngày Độc thân (11/11) tới đây.

Sự kiện mua sắm do Alibaba dẫn đầu ở Trung Quốc tương tự như Black Friday ở Mỹ hoặc Prime Day của Amazon. Trong những năm gần đây, Alibaba đã quảng bá lễ hội mua sắm ở nước ngoài thông qua trang web thương mại điện tử của riêng mình để bán cho người tiêu dùng bên ngoài Trung Quốc, được gọi là AliExpress.

Nền tảng này chủ yếu kết nối người bán Trung Quốc với người mua ở nước ngoài, cho phép các doanh nghiệp và người tiêu dùng nước ngoài mua trực tiếp từ các nhà máy ở Trung Quốc.

Li Dawei, người đứng đầu Chuỗi cung ứng AliExpress, nói với CNBC hồi đầu tháng 10 rằng Tây Ban Nha, Nga và Brazil là một trong những thị trường mục tiêu cho việc mở rộng ra nước ngoài của AliExpress. Trong khi đó, người sáng lập Alibaba Jack Ma cũng đến châu Âu trong tháng này để nghiên cứu các hoạt động nông nghiệp và công nghệ địa phương.

Hỗ trợ chi phí vận chuyển để tiếp cận nhiều khách hàng hơn

AliExpress có kế hoạch tăng gấp đôi trợ cấp cho dịch vụ hậu cần quốc tế hỗ trợ Ngày Độc thân năm nay so với năm ngoái. Trước đó, mức hỗ trợ vào năm 2020 đã nhiều gấp 5 lần so với 2019.

AliExpress tuyên bố, trong thời kỳ tắc nghẽn vận chuyển toàn cầu thì họ không tăng chi phí cho khách hàng và chưa thấy bất kỳ sự chậm trễ nghiêm trọng nào. Hầu hết hàng hóa được bán qua AliExpress cũng là các sản phẩm tiêu dùng nhỏ và không cần vận chuyển bằng tàu.

Đối với Ngày Độc thân 11/11/2021, AliExpress khẳng định các chuyến bay thuê chuyến ra nước ngoài hàng tuần sẽ tăng lên 100 chuyến một tuần từ ngày 11 - 30/11, tăng từ 80 chuyến một tuần như bình thường. Theo công ty, một khi các gói hàng rời khỏi Trung Quốc, chúng có thể được phân phối tại các trung tâm phân loại của chi nhánh hậu cần Cainiao, 6 trung tâm ở châu Âu và 1 ở Nga.

Cainiao và doanh thu bán lẻ thương mại quốc tế đều tăng ít nhất 50% trong quý II (tính đến ngày 30/6) so với một năm trước, với mỗi mảng kinh doanh chiếm khoảng 5% tổng doanh thu của Alibaba.

Xây dựng, mở rộng dữ liệu khách hàng địa phương

AliExpress không chỉ muốn bán hàng cho người tiêu dùng ở châu Âu, mà còn muốn các thương gia địa phương đăng nhập vào nền tảng của mình, nơi họ có thể tận dụng các khoản trợ cấp, ông Li CEO của chuỗi cung ứng Trung Quốc này cho biết.

Tuy nhiên, ông cũng nói rằng nhiều doanh nghiệp ở châu Âu thích làm việc với nhiều trang thương mại điện tử thay vì chỉ hợp tác với duy nhất AliExpress. Các thương gia vừa và nhỏ cũng muốn xây dựng thương hiệu của riêng họ trên các nền tảng đó và trên các trang web của riêng họ.

Ông Li lưu ý rằng trong những trường hợp đó, AliExpress đóng vai trò bên thứ 3 nhiều hơn bằng cách bán các dịch vụ hậu cần và quản lý cửa hàng trực tuyến.

“Nói chung, tôi nghĩ rằng có rất nhiều bài học từ Trung Quốc trong cách nhìn nhận về thương mại điện tử”, ông Jonathan Cheng, đối tác tại Bain & Company và lãnh đạo hoạt động Bán lẻ Đại Trung Quốc của công ty cho biết trong một cuộc phỏng vấn trực tuyến với CNBC. “Chúng tôi cho rằng Trung Quốc hoàn toàn dẫn đầu về hoạt động hướng khách hàng, về tiếp thị và về tính hiệu quả (trong thương mại điện tử)”.

“Đợi sale 11/11 tới đây sẽ là một dịp tuyệt vời cho rất nhiều công ty thương mại điện tử khi họ bắt đầu triển khai các hoạt động. Đó là một cách tuyệt vời để bạn có được khách hàng”, ông Cheng nói, từ chối bình luận cụ thể về thị trường châu Âu. “Về cơ bản Amazon đã làm một điều tương tự”.

Ngoài ra, ông Cheng cũng lưu ý rằng sau nhiều năm tăng trưởng nhanh chóng về số lượng khách hàng, các công ty thương mại điện tử toàn cầu sẽ cần phải suy nghĩ nhiều hơn về cách giữ chân người dùng và kiếm được lợi nhuận.

Thu Phương

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.