|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Airbus muốn hất cẳng Boeing, độc chiếm bầu trời

07:54 | 02/03/2021
Chia sẻ
Đại dịch COVID-19 đã làm gia tăng sự cạnh tranh giữa hai gã khổng lồ Airbus và Boeing. Hiện Airbus đang chiếm thế thượng phong nhờ xu hướng chuyển dịch sang các chuyến bay ngắn và máy bay nhỏ.
Airbus muốn đoạt lấy bầu trời từ Boeing - Ảnh 1.

Thiết kế của máy bay động cơ phản lực hydro của Airbus do máy tính mô phỏng. (Ảnh: Airbus).

Vào buổi sáng, CEO Guillaume Faury của Airbus quét dữ liệu không lưu toàn cầu trước khi liên lạc với các hãng hàng không, nhà cung cấp và công ty cho thuê máy bay. Ông Faury kiên trì lặp lại quy trình này mỗi ngày ngay cả trong cuộc khủng hoảng COVID-19. 

Mặc dù đọc các dữ liệu ảm đạm không phải trải nghiệm dễ chịu, cách tiếp cận tỉ mỉ này đã mang lại cho ông Faury cái nhìn thực tế về ngành hàng không và hình ảnh của cuộc sống sau đại dịch. Ông Faury nhận ra rằng: Các kiểu mẫu di chuyển đã thay đổi sâu sắc và những yêu cầu về máy bay cũng vậy.

Những máy bay lớn nhất phục vụ đường dài sẽ là những chiếc máy cuối cùng được trở lại bầu trời. Các hãng hàng không đang ưu tiên các chuyến đi ngắn với các máy bay nhỏ nhanh nhẹn và tiết kiệm nhiên liệu.

Xu hướng trên có thể mang lại lợi thế cho Airbus. Công ty đang tiếp tục mở rộng dòng máy bay phản lực A320 và xem xét một mẫu máy bay chạy bằng hydro cho các chuyến đi ngắn vào năm 2035, Bloomberg cho biết. 

Boeing, kình địch của Airbus tiếp tục vật lộn trong khó khăn do dòng máy bay bán chạy nhất 737 Max bị cấm bay sau hai vụ tai nạn chết người và lỗi sản xuất của dòng 787 Dreamliner.

Gần đây, Boeing tiếp tục trở thành tâm điểm của sự chú ý khi chiếc máy bay Boeing 777-200 của United Airlines xảy ra sự cố cháy động cơ. Sau vụ tai nạn trên, Mỹ và Nhật Bản đã yêu cầu các hãng hàng không dừng khai thác Boeing 777. Anh tạm thời cấm loại máy bay này vào không phận của mình.

Boeing đang cố cho ra mắt dòng máy bay thân rộng mới là 777X, vốn đã trễ so với kế hoạch ba năm. Trong lúc Boeing chậm trễ, tình cảm của các hãng hàng không dành cho máy bay lớn đã nguội lạnh, đặc biệt là khi các chuyến bay công tác có thể sẽ sụt giảm trong suốt nhiều năm. 

Airbus muốn đoạt lấy bầu trời từ Boeing - Ảnh 2.

CEO Airbus Guillaume Faury. (Ảnh: Bloomberg).

Ông Faury cho biết: "Rất may là thay đổi do đại dịch tạo ra lại phù hợp với dòng sản phẩm ngày nay của chúng tôi", ám chỉ những chiếc may bay phản lực của Airbus.

Từ lâu cuộc cạnh tranh giữa Airbus và Boeing đã xoay quanh lợi thế của người đi trước và sự bắt kịp của đối thủ. Nhưng hướng đi của hai đại gia thống trị ngành sản xuất máy bay đã tách ra trong những năm gần đây và sự chia rẽ ngày càng trở nên sâu sắc trong đại dịch.

Airbus muốn đoạt lấy bầu trời từ Boeing - Ảnh 3.

Trong vài năm tới, cả Airbus lẫn Boeing đều cần phải đưa ra những quyết định sẽ định hình cuộc cạnh tranh khốc liệt trong hàng chục năm tiếp theo, nhưng điểm xuất phát của cả hai lại rất khác biệt.

Boeing không thể có thêm cú sảy chân nào nữa sau quãng thời gian tồi tệ nhất trong lịch sử công ty. Airbus đang một lần nữa tạo ra tiền sau một loạt vụ giao hàng chậm hồi năm ngoái.

Khi COVID-19 ập đến hồi năm 2020, Airbus nắm trong tay 16 tỷ USD tiền và tương đương tiền, trong khi Boeing chỉ có 10 tỷ USD. Một trong những lý do quan trọng là Airbus đã tích trữ tiền mặt trong khi Boeing đổ gần 40 tỷ USD để mua cổ phiếu quỹ một năm trước cuộc khủng hoảng. Khác biệt này mang lại lợi thế cho Airbus, đặc biệt là trong thị trường máy bay thân hẹp, trụ cột của ngành hàng không dân dụng.

Airbus A321XLR, dòng máy bay thân hẹp, đường dài dự kiến ra mắt năm 2023 đã giành mất nhiều đơn đặt hàng vốn dành cho các dòng máy bay lớn, vậy nhưng Boeing không có phản ứng gì. Trong khi Boeing dồn nguồn lực để đưa những chiếc máy bay dòng Max quay lại bầu trời thì Airbus đang đầu tư vào các thiết kế sẽ định hình lại việc di chuyển bằng đường hàng không.

Nhà phân tích Robert Stallard tại Vertical Research Partners nhận xét: "Có thể nói rằng bạn tự tạo ra vận may cho chính mình. Airbus đã chủ động để dành tiền cho giai đoạn khó khăn, nhờ vậy họ có đủ nguồn lực trong tình cảnh này".

Airbus muốn đoạt lấy bầu trời từ Boeing - Ảnh 4.

CEO Dave Calhoun của Boeing đã ám chỉ rằng công ty của ông có thể trình làng dòng máy bay đối chọi với A321 sau một hoặc hai năm. Nguồn tin của Bloomberg cho biết một đội ngũ kỹ sư nhỏ của Boeing đang tiếp tục nghiên cứu các thiết kế cho tương lai, bao gồm những mẫu máy bay thân hẹp có sức chứa 200 hành khách với tầm bay xuyên Bắc Đại Tây Dương.

Boeing cũng đang thực hiện cách tiếp cận đơn giản để giúp đội bay của hãng thân thiện với môi trường hơn: xem xét các vật liệu tổng hợp tiên tiến để giảm trọng lượng của cánh và thân máy bay cũng như các động cơ chạy bằng nhiên liệu bền vững thay vì dầu hỏa.

Airbus lựa chọn phát triển một loại máy bay hoàn toàn mới dự kiến ra mắt năm 2035 dựa trên động cơ đẩy hydro, một công nghệ cho đến nay vẫn chưa được chứng minh. Máy bay này sẽ chở được 100 hành khách và có tầm bay 1.000 hải lý (tương đương 1.852 km).  

Kế hoạch trên có rất nhiều trở ngại. Airbus sẽ phải phát triển cơ sở hạ tầng toàn cầu để lưu trữ hydro tại các sân bay và cung cấp nhiên liệu cho máy bay. Airbus cũng phải tìm cách để giữ chi phí ở mức vừa phải nhằm khuyến khích các hãng hàng không rời bỏ nhiên liệu máy bay phản lực thông thường.

Thời gian phát triển của Airbus đồng nghĩa với việc công ty sẽ chỉ có 7 hoặc 8 năm để tạo dựng một hệ sinh thoái hoàn chỉnh. Không ít người hoài nghi về tính khả thi của kế hoạch này.

Ông John Plueger, CEO công ty cho thuê máy bay Air Lease nhận xét cách tiếp cận của Boeing "dễ dàng hơn nhiều" so với Airbus.

Hồi tháng 1/2021, CEO Calhoun nói rằng Boeing đã nghiên cứu công nghệ hydro và xác định rằng nó sẽ không thể sẵn sàng trong nhiều thập kỷ tới.

CEO Faury của Airbus thì nhấn mạnh vai trò tiên phong của Airbus trong việc ứng dụng công nghệ "điều khiển điện tử" (fly by wire) vào buồng lái máy bay dân dụng vào những năm 1980.

"Trong quá khứ, điều khiển điện tử bị coi là quá rủi ro hoặc quá mới mẻ. Sau 30 năm thì công nghệ này là chuẩn mực bắt buộc. Chúng ta phải rất thận trọng với thái độ ngại đổi mới", ông Faury nói.

Boeing đang chịu áp lực cực lớn phải bảo vệ bản thân trong thị trường máy bay phản lực thân hẹp, đường dài mà mẫu Airbus A321XLR đang nhắm đến. Mẫu máy bay này đã nhận được hơn 450 đơn đặt hàng từ hơn 20 khách hàng, bao gồm các hãng bay American, JetBlue và United Airlines.

Do máy bay có vòng đời dài nhất so với bất kỳ sản phẩm công nghiệp nào, cuộc chiến giành vị trí thống trị tiếp theo có thể sẽ diễn ra trong một thập kỷ kể từ bây giờ.

Nhà phân tích Stallard của Vertical Research Partners ví von: "Sản xuất máy bay là ván cờ vua kéo dài 10 năm. Bạn đi nước cờ ngày hôm nay và 10 năm sau nó sẽ phát huy tác dụng".


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Giang

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.