Ai sẽ đổ 1 tỷ USD vào Sacombank?
Ngày hôm qua (4/1) tại buổi tổng kết cuối năm đại diện Ngân hàng nhà nước cho biết trọng tâm năm 2017 sẽ xử lý nợ xấu tại 5 ngân hàng trong đó có 3 ngân hàng 0 đồng và 2 ngân hàng thương mại có trụ sở chính tại phía Nam.
Cuối ngày, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín ông Kiều Hữu Dũng lên báo giới trả lời phỏng vấn với nội dung “Sacombank không phải ngân hàng yếu kém, chúng tôi vẫn đang ở top 5” trong đó nội dung chủ yếu nói về việc Sacombank phải gánh nợ xấu từ ngân hàng sáp nhập là ngân hàng Phương Nam.
Năm 2015, ông Trầm Bê, khi ấy là phó chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị của Sacombank, đã ủy quyền không hủy ngang, vô thời hạn toàn bộ cổ phần của ông ở Sacombank, Phương Nam và ngân hàng sau sáp nhập cho Ngân hàng Nhà nước. Từ đó tới nay, cùng với việc sáp nhập ngân hàng Phương Nam, Sacombank đã đi vào tái cơ cấu.
Theo ông Kiều Hữu Dũng, tính đến thời điểm 31/12/2016, tổng tài sản của Sacombank đạt trên 330.000 tỷ đồng, tăng 13,6% so với năm 2015, vốn chủ sở hữu cũng đạt hơn 22.000 tỷ đồng, tiếp tục duy trì Top 5 về quy mô trong hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Tổng nguồn vốn huy động của Sacombank đạt gần 300.000 tỷ đồng, trong đó huy động từ thị trường 1 là 290.000, tăng 11,6% so với đầu năm. Tổng tín dụng của ngân hàng đạt hơn 232.000 tỷ đồng tăng 18,6%, trong đó dư nợ cho vay khách hàng đạt hơn 193.000 tỷ đồng, tăng 7%.
Lần theo số liệu quý 3/2016, con số được công bố cách đây khoảng 2 tháng thì nợ xấu của Sacombank ở mức 2,37% trong đó nợ có khả năng mất vốn là hơn 3.000 tỷ đồng, nếu so với tổng dư nợ tại Sacombank tại thời điểm 30/9/2016 là 195.000 tỷ đồng thì con số này vẫn nằm trong tình hình kiểm soát được, vậy liệu có số liệu nào gây bất ngờ trong báo cáo tài chính của Sacombank trong quý 4/2016 hay không?
Trên báo VNExpress, ông Kiều Hữu Dũng cho biết lợi nhuận trước thuế của Sacombank năm 2016 do đang xử lý các tồn đọng sau sáp nhập, nên đạt khoảng 300 tỷ đồng. Trong khi đó 9 tháng ngân hàng này lãi trước thuế hợp nhất 550 tỷ đồng và lãi trước thuế ngân hàng mẹ là 371 tỷ đồng, như vậy với số liệu này Sacombank có thể hạch toán lỗ trong quý 4/2016. Ông Kiều Hữu Dũng cho rằng đó là do việc trích lập dự phòng để giải quyết các tồn đọng của ngân hàng sau sáp nhập, còn nếu tính riêng Sacombank thì ngân hàng của ông phải đạt lợi nhuận trước thuế khoảng 4.000 tỷ đồng.
Đề án Tái cấu trúc Sacombank sau sáp nhập đã được trình lên NHNN và ông Kiều Hữu Dũng cho biết năm 2017 sẽ thực hiện mạnh mẽ công tác tái cấu trúc sau khi được NHNN duyệt. Bản đề án này vẫn là điều bí mật. Tuy nhiên tiết lộ với báo giới vị Chủ tịch Sacombank cho biết “đang có nhà đầu tư nước ngoài sẵn sàng đầu tư 1 tỷ USD vào Sacombank và có 1 nhà đầu tư trong nước khác muốn mua 20% vốn của ngân hàng với giá 1.5 (tức 15.000 đồng/cổ phiếu – pv) – gấp đôi so với thị giá của cổ phiếu STB hiện nay”.
Đây hẳn phải là một tin mừng với cổ đông Sacombank nhưng lại đặt dấu hỏi vô cùng lớn với thị trường bởi tổng giá trị vốn hóa của Sacombank trên sàn hiện nay mới chỉ đạt 14.800 tỷ đồng (tức là chỉ hơn 650 triệu USD). Nếu nhà đầu tư nước ngoài có 1 tỷ USD để rót vốn vào Sacombank thì đối tác này có thể mua đứt luôn được cả ngân hàng.
Còn nếu chiếu theo đúng luật hiện tại, sở hữu nước ngoài tại Sacombank hiện nay khoảng gần 11%, và nếu nhà đầu tư nước ngoài mua 20% room còn lại tại Sacombank thì đối tác này sẽ mua cổ phiếu ngân hàng với giá 60.000 đồng/cp, một con số không tưởng trong khi giá cổ phiếu Sacombank trên sàn chỉ ở mức 8.500 đồng/cp và giá cổ phiếu ngân hàng tốt nhất thị trường hiện nay là Vietcombank cũng chỉ ở mức 37.000 đồng/cp. Trong khi thương vụ Vietcombank chào bán cổ phần cho Quỹ đầu tư Singapore (GIC) với tổng trị giá khoảng 400 triệu USD còn chưa hoàn tất.
Tự tin về Sacombank tuy nhiên kết thúc lại ông Kiều Hữu Dũng vẫn mong sẽ nhận được hỗ trợ của NHNN trong việc tái cấu trúc sau sáp nhập.