|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Ai quản 'xe ôm công nghệ'?

15:12 | 09/10/2018
Chia sẻ
Cùng với sự xuất hiện của Grab và Go-Viet, một lượng lớn “xe ôm công nghệ” đã tham gia vào hoạt động vận tải nhưng không được quản lý nên nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp về mặt xã hội và ATGT.
ai quan xe om cong nghe Những chiêu trò quỵt tiền tài xế xe ôm của hành khách

Thả nổi hàng trăm ngàn tài xế

Từ khi Grab, Uber và gần đây nhất là Go-Viet tham gia thị trường Việt Nam, có tới cả trăm nghìn “xe ôm công nghệ” hoạt động. Ông Jerry Lim, Tổng giám đốc Grab Việt Nam cho biết, Grab hiện có 175.000 tài xế trên toàn quốc, bao gồm cả GrabBike lẫn GrabCar, trong số này có khoảng 120.000 tài xế GrabBike. Con số ông Jerry Lim đưa ra còn chưa kể đến đối thủ của Grab là Go-Viet mới ra mắt thị trường cũng như những lái xe ôm truyền thống.

Đáng nói, không giống như loại hình kết nối vận tải hành khách, GrabBike hay Gobike không kết nối với lái xe thông qua doanh nghiệp, hợp tác xã mà kết nối thẳng cá nhân lao động tự do. Chỉ cần vài thủ tục đơn giản với đơn vị cung cấp phần mềm là xong, không chịu bất kỳ sự quản lý nào.

Đề cập vấn đề này, ông Jerry Lim cho rằng, Grab là công ty đầu tiên có bảo hiểm cho cả tài xế, khách hàng trên mỗi chuyến xe. Bên cạnh đó, Grab sẽ ra mắt thêm các tính năng đảm bảo an toàn cho khách hàng, đào tạo các khoá học tự vệ cho tài xế.

Tuy nhiên, thực tế lại không hẳn như vậy. Anh Nguyễn Đức Lợi, chủ xe BKS 29Y1-092.xx, một người mới tham gia chạy GrabBike cho biết, quá trình ứng tuyển để chạy xe của anh khá đơn giản, chỉ cần mang xe và giấy tờ đến. Bộ phận chuyên trách của Grab sẽ chụp ảnh để làm cứ liệu chứ không kiểm tra chất lượng xe thực tế. Từ lúc chạy xe đến nay, bản thân anh hay nhiều đồng nghiệp khác chưa hề trải qua một khóa tập huấn nào về ATGT hay kỹ năng lái xe từ phía đơn vị chủ quản.

Cũng như vậy, anh Nguyễn Hữu Nam, chủ xe BKS 29S1- 094.xx - một tài xế Gobike cho biết, việc duyệt hồ sơ rất đơn giản, chỉ cần mang giấy tờ gồm: Đăng ký xe, chứng minh thư, bằng lái xe đến sẽ được cấp tài khoản chạy xe ngay. “Giấy tờ xe cũng không cần phải chính chủ, có thể mượn của người khác, chỉ cần thông tin trong CMND và bằng lái xe khớp nhau là được”, anh Nam tiết lộ.

ai quan xe om cong nghe
Grab hiện có khoảng có khoảng 120.000 tài xế GrabBike trên toàn quốc (Trong ảnh: Tài xế GrabBike chờ khách trên đường Giải Phóng, Hà Nội) - Ảnh: Tạ Tôn

Về vấn đề này, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cho rằng, đây không còn là câu chuyện của từng cá nhân lái xe ôm mưu sinh mà đã thực sự trở thành một ngành vận tải hành khách và hàng hóa (shipper, chở vật liệu xây dựng) bằng xe máy.

“Loại hình này tuy có tạo thêm công ăn việc làm cho sinh viên, mang lại thu nhập cho người lao động, người dân được hưởng sự đi lại tiện dụng và mang lại lợi ích cho doanh nghiệp cung cấp ứng dụng như Grab, Go - Viet nhưng với số lượng gia tăng nhanh chóng không được kiểm soát làm nảy sinh tình trạng lộn xộn, nguy cơ lớn mất ATGT, ô nhiễm môi trường, mất trật tự an toàn xã hội”, ông Hùng nói.

Cần cụ thể hóa trong Luật

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Đào Việt Long, Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Hà Nội nói: Luật GTĐB và Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải cũng đang thiếu điều kiện kinh doanh hành khách bằng xe mô tô.

“Cần phải bổ sung các điều kiện kinh doanh về an toàn kỹ thuật, bằng lái, con người và nhiều vấn đề khác của loại hình “xe ôm công nghệ” vào luật”, ông Long đề xuất và cho biết: “Hà Nội đang xây dựng dự thảo quy định đối với xe kinh doanh vận chuyển người và hàng hóa bằng xe mô tô 2 bánh. Dự thảo sẽ đưa ra nhiều hình thức quản lý như lái xe phải đeo thẻ, mặc đồng phục, quy định về sức khỏe, kiểm soát về nhân thân, có tài khoản để đóng thuế thu nhập cá nhân. Đối với đơn vị cung cấp phần mềm, Sở cũng nghiên cứu phần mềm để quản lý đồng bộ”, ông Long nói.

Ông Nguyễn Xuân Thủy, Phó vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho biết, Điều 80, Luật GTĐB đã giao thẩm quyền cho UBND cấp tỉnh ban hành quy định việc quản lý, tổ chức xe mô tô 2 bánh, 3 bánh và các loại xe tương tự trên địa bàn.

“Đối với lái xe, việc quản lý phải gắn với chính quyền cấp phường vì họ quản lý về nhân khẩu, tạm trú, tạm vắng. Chính quyền có thể yêu cầu lái xe khai báo có sử dụng xe 2 bánh để kinh doanh hay không”, ông Thuỷ nói và cho biết, tuy đối tượng tham gia loại hình này rất rộng nhưng nếu muốn UBND cấp tỉnh hoàn toàn có thể kiểm soát được. Mà có kiểm soát thì mới có thể nắm được việc kinh doanh của họ đồng thời sẽ quản lý được thuế và các vấn đề khác”, ông Thủy khẳng định.

“Grab hay Go-Viet cung cấp ứng dụng để người dân kinh doanh chạy xe ôm thì phải quản lý được đối tác và phải có trách nhiệm báo cáo với UBND cấp tỉnh”, ông Thủy nói và khẳng định: “Trong khi điều kiện để kết nối vận tải hành khách xe hợp đồng điện tử bằng xe ô tô phải thuộc doanh nghiệp, HTX vận tải thì đối với loại hình “xe ôm”, ứng dụng được cấp trực tiếp cho cá nhân để kết nối giữa lái xe và khách hàng nên việc kết nối giao dịch điện tử này do Bộ Công thương quản lý. Trong trường hợp các đơn vị cung cấp phần mềm không phối hợp, UBND cấp tỉnh có thể đề nghị Bộ Công thương xử lý”.

Xem thêm

Nhóm PV