Những chiêu trò quỵt tiền tài xế xe ôm của hành khách
Chở khách đi thêm quãng đường dài, nhiều tài xế Grab không dám thu thêm tiền |
Hồi đầu tháng 6, cộng đồng tài xế xe ôm thảo luận sôi nổi về việc một phụ nữ trẻ quỵt tiền của tài xế xe ôm tên Mã ở Hà Nội. Trong quá trình di chuyển từ đường Ngọc Hồi tới phố Láng Hạ hôm 31/5, vị khách vay của tài xế 62.000 đồng để mua đồ với lý do cô ta không có tiền lẻ. Tới số nhà 93 Láng Hạ, nữ khách hàng bảo Mã đưa thêm 100.000 đồng để trả lại tiền chẵn nhưng không ngờ sau khi đưa, cô ta chạy vào nhà chốt cửa.
"Lúc tôi gọi ra trả tiền, cô ấy bảo đi đâu đến chiều quay lại lấy tiền, bây giờ cô ta chưa có. Tôi không đồng ý nên dùng điện thoại quay clip làm bằng chứng", Mã kể. Người dân xung quanh nói cô gái này lừa rất nhiều người với thủ đoạn tương tự.
Đến sáng 1/6, anh Mã tiếp tục đến đòi lại số tiền nhưng không được.
"Sáng nay, tôi quay lại đòi tiền nhưng cô ấy liên tục quát mắng, đe dọa, còn nói lời thách thức. Số tiền nhỏ, tối không muốn trình báo cơ quan chức năng vì phiền phức", anh Mã nói.
Những chiêu trò để quỵt tiền tài xế xe ôm diễn ra hàng ngày khắp nơi và ngay cả những tài xế giàu kinh nghiệm đôi khi vẫn không thoát khỏi bẫy của khách. Ảnh: Nhạc Dương |
Mã không phải là tài xế xe ôm duy nhất bị khách lừa rồi quỵt tiền. Những tình huống tương tự diễn ra hàng ngày ở khắp nơi. Dù mách nhau những biện pháp phòng ngừa, đôi khi tài xế vẫn không thể tránh bẫy.
Khách viện cớ không có tiền lẻ, hoặc đưa tiền mệnh giá lớn
Nhận một cuốc xe ở đường Hà Huy Giáp, quận 12, TP Hồ Chí Minh, anh Trương Hữu Học - một tài xế Grab - cảm thấy hơi thất vọng vì cuốc xe có giá 23 nghìn đồng. Mặc dù vậy, anh vẫn tỏ ra vui vẻ khi gặp khách. Nhưng khi tới đích, sự thất vọng của anh tăng lên.
"Cậu thanh niên đó đưa 20 ngàn đồng rồi nói rằng cậu ta không có tiền lẻ nên thiếu 3 ngàn. Nói chưa xong cậu ta đã bước rất nhanh vào ngõ khiến tôi chẳng kịp nói gì", Học kể.
Lý Xuân Kiểm, một tài xế ở Hà Nội, cũng từng gặp nhiều tình huống giống anh Học.
"Để phòng ngừa những hành vi như thế, tôi luôn chuẩn bị sẵn tiền lẻ. Ngay cả khi khách đưa tờ mệnh giá lớn, tôi vẫn có thể thối lại. Với những người cơ nhỡ, tôi có thể cho vài chục nghìn. Nhưng khi khách có thái độ xấu, tôi sẽ đòi từng nghìn lẻ", Kiểm nói.
Nhưng ngay cả khi đã chuẩn bị tiền lẻ, Kiểm vẫn không thể tránh những tình huống trớ trêu. Chẳng hạn, hồi tháng 7, anh chở một một phụ nữ từ đường Giải Phóng tới phố Tôn Thất Thuyết với giá cước 46 nghìn đồng vào khoảng 23h. Tới nơi, vị khách đưa 40 nghìn đồng và nói không còn tiền lẻ. Thấy Kiểm tỏ ra thất vọng, người phụ nữ rút tờ 500 nghìn đồng và yêu cầu Kiểm trả tiền thừa.
"Không có đủ tiền để trả lại và phần lớn cửa hàng xung quanh đã đóng cửa, tôi đành ngậm ngùi cầm 40 nghìn đồng của vị khách", Kiểm nói.
Bùi Quang Hải, một tài xế Grab Car ở Hà Nội, khẳng định ngay cả tài xế xe 4 bánh cũng có thể rơi vào tình huống tương tự. Anh từng gặp tình huống tương tự hồi đầu tháng 8 khi chở một khách ở Kim Giang (quận Thanh Xuân, Hà Nội) với giá cước 67.000 đồng.
"Hôm đó tôi đi khá sớm nên chỉ có khoản tiền lẻ hơn 200 nghìn đồng. Khi khách đưa tờ 500.000 đồng, tôi không có đủ tiền để trả. Sau đó, khách đưa tờ 50.000 đồng và nói rằng không còn tiền lẻ. Không muốn chạy vào các cửa hàng, quán để đổi tiền nhỏ hơn nên tôi chấp nhận tờ 50 nghìn đồng, mất 17 nghìn", Hải kể.
Đào tẩu, xưng là con nghiện để quỵt tiền
Vũ Hải Yến, một nữ sinh viên ở Hà Nội, chạy Grab để phụ thêm tiền cho bố chữa bệnh dài hạn. Hồi đầu tháng 8, Yến nhận một cuốc từ phố Vĩnh Tuy tới đường Giáp Nhất. Trên đường, vị khách nữ kêu đói vay Yến 15 nghìn đồng để mua bánh mỳ kẹp thịt với lý do cô ta không có tiền lẻ.
"Nhưng khi tới điểm đến, vị khách chạy ngay vào ngõ khiến tôi phải đuổi theo. Khi đuổi kịp, cô ta dọa đánh nên tôi đành quay ra, mất cả chiếc mũ", Yến kể.
Dù đề phòng, nhiều tài xế Grab vẫn phải "chào thua" khi khách giở chiêu trò để quỵt tiền. Ảnh: Nhạc Dương |
Yến nói thêm rằng, vì tính cách khá lành nên cô thường chấp nhận thiệt thòi mỗi khi khách cố ý quỵt tiền.
"Một lần tôi chở một người đàn ông trung niên gày gò ở phố Triều Khúc (Hà Nội) tới bệnh viện. Người này vẫy xe dọc đường chứ không gọi qua ứng dụng. Tới nơi, vị khách tuyên bố ông ta là con nghiện và không có tiền để trả. Uất nghẹn nhưng tôi vẫn phải phóng xe đi", Yến nói.
Lòng thương cảm đối với người già, phụ nữ mang thai đôi khi cũng khiến tài xế rơi vào bẫy. Phùng Quang Toản, một tài xế Grab ở Hà Nội, từng chở một phụ nữ mang thai từ một ngôi nhà trên phố Khương Trung ra chợ. Tới chợ, người phụ nữ bảo anh chờ rồi vào trong. Một lát sau, cô ta quay ra với một túi rau và một túi đậu rồi hỏi vay Toản 200 nghìn đồng để trả nợ cho một người bán hàng trong chợ.
"Cô ta nói lát sau trở về nhà cô ta sẽ trả nợ và tiền xe. Bình thường tôi rất cảnh giác khi khách vay tiền, nhưng tôi không nghĩ một người mang bầu có khuôn mặt khá quê mùa lại có thói xấu, nên vẫn rút tiền. Chờ khoảng 30 phút, không thấy khách quay ra, tôi biết cô ta đã trốn nên quay trở lại ngôi nhà mà cô ta đón xe. Những người trong nhà nói họ không biết cô ta là ai", Toản nói.
Gây sự rồi không trả tiền
Chở một thanh niên tới ngõ 129 Trương Định, Hà Nội, anh Hoàng Xuân Tạo nhận được yêu cầu đi sâu vào trong ngõ để tới làng Hoàng Mai.
"Tôi nói rằng ứng dụng chỉ yêu cầu tôi chở khách tới đầu ngõ. Nếu khách yêu cầu đi thêm quá 2 km thì phải trả thêm tiền. Ngay lập tức, vị khách có thể hình thấp, to quát nạt, nói lớn một hồi rồi nhăm nhe đánh tôi. Vốn sợ những tình huống xô xát nên tôi lên xe rồi phóng đi, không dám lấy tiền của anh ta", Tạo nói.
Phan Quốc Lập, một tài xế sống ở khu vực quận Thanh Xuân, Hà Nội, kể rằng ngay cả một số khách nữ cũng kiếm cớ gây sự để không trả tiền.
"Mới đây tôi chở một phụ nữ tầm trên 30 tuổi từ Nguyễn Xiển tới Cầu Trắng (Hà Đông). Tới Cầu Trắng, người phụ nữ bảo tôi đi tiếp, chỉ dừng khi chị ta yêu cầu. Tôi nói chị ta phải thanh toán thêm tiền nếu đi thêm trên 1 km. Thấy khách vẫn im lặng, tôi dừng lại và yêu cầu khách nói rõ chị ta đồng ý trả thêm tiền hay không. Ngay lập tức khách chửi bới, mạt sát tôi và tuyên bố không trả tiền. Thấy chị ta hung hăng và mọi người kéo đến, tôi bỏ đi, không lấy tiền của chị ta", Lập tâm sự.
Xem thêm |
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/