|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Ai đang trả cổ tức khủng?

21:15 | 15/05/2017
Chia sẻ
Hầu hết các công ty trả cổ tức trong tỉ lệ 40-60% có chung đặc điểm là duy trì được đà tăng trưởng kinh doanh, đạt biên lợi nhuận hấp dẫn.

Mùa đại hội cổ đông cũng là thời điểm nhà đầu tư nghe ngóng tỉ lệ chia cổ tức bằng tiền. Vậy ai đang trả cổ tức khủng cho cổ đông?

ai dang tra co tuc khung
Ai đang trả cổ tức khủng?

Chân dung nhà hào phóng

Những doanh nghiệp có thể trả cổ tức từ 15%/vốn điều lệ trở lên trong 2 năm qua (2015-2016) phần lớn đều thuộc các ngành như dược phẩm, vật liệu xây dựng, tiêu dùng, thực phẩm. Đây là những ngành mà theo Công ty Chứng khoán Maritime (MSI), các doanh nghiệp Việt Nam còn có lợi thế cạnh tranh và có triển vọng kinh doanh khả quan.

Dẫn đầu về trả cổ tức cao ngất ngưỡng là Công ty Cổ phần Dịch vụ Hàng không Sân bay Đà Nẵng (Masco - MAS). Trải qua 26 năm hoạt động, đi lên từ doanh nghiệp nhà nước, Masco vẫn có nhiều lợi thế khi là đơn vị chuyên cung cấp suất ăn hàng không cho Vietnam Airlines và các hãng khác tại sân bay Đà Nẵng, Phú Bài và Cam Ranh. Đây là mảng cốt lõi, chiếm phần lớn doanh thu, đem lại tăng trưởng và giúp Masco ghi nhận biên lợi nhuận trước thuế khoảng 21%. Nhưng Masco có rủi ro từ việc phụ thuộc vào Vietnam Airlines, khi số suất ăn bán cho hãng hàng không này chiếm tới 70,3% tổng suất ăn của Masco. Ngoài ra, theo báo cáo của Công ty Chứng khoán BIDV (BSC), sắp tới, Masco có thể sẽ bị cạnh tranh khá lớn, đáng chú ý là từ Công ty Cổ phần Dịch vụ Suất ăn hàng không Việt Nam (Vinacs). Vinacs đang triển khai xây dựng các cơ sở sản xuất suất ăn tại Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh và Phú Quốc, cạnh tranh trực tiếp với các đơn vị thành viên của Vietnam Airlines, gồm cả Masco.

Phải chăng vì áp lực này, từ chỗ liên tục chia cổ tức bằng tiền trên 100% vốn điều lệ suốt nhiều năm (2014-2016), mới đây, tại Đại hội cổ đông, MAS dự kiến cổ tức năm 2017 giảm còn 78,2%? Kế hoạch kinh doanh trong năm nay của MAS cũng ước sẽ giảm.

Công ty Dịch vụ Hàng hóa Nội Bài (NCT) lâu nay cũng thu hút sự chú ý của thị trường vì luôn chia cổ tức cao, lần lượt 120% và 100% trong các năm 2015-2016. Thế nhưng, tại Đại hội cổ đông mới đây, bên cạnh kế hoạch kinh doanh sụt giảm cả về doanh thu lẫn lợi nhuận, NCT cũng điều chỉnh giảm kế hoạch trả cổ tức năm 2017 chỉ còn 79%. Đó là bởi thay vì giữ thị phần 80% như trước, hiện NCT phải san sẻ thị phần cho các đối thủ mới là Công ty Cổ phần Logistics Hàng không (ALS), một nhà ga hàng hóa mới đi vào hoạt động chưa đầy 2 năm. Từ đây, NCT đã mất 2 khách hàng lớn là Cathay Pacific và Dragon Air. Trong đó, Cathay Pacific chiếm tới 15% thị phần hàng hóa qua Sân bay Quốc tế Nội Bài. Giới phân tích lo ngại, Samsung có thể sẽ san sẻ hàng hóa với ALS, càng làm cho thị phần của NCT thêm thu hẹp. Tất cả đã khiến bức tranh doanh thu và lợi nhuận năm 2016 của NCT trở nên ảm đạm.

Tuy nhiên, trừ hai công ty chi trả cổ tức cao ngất ngưỡng đang đối mặt với những trở ngại nhất định, những doanh nghiệp trả cổ tức cao khác như Vinamilk (VNM), Ô tô Trường Hải (Thaco), Dược Hậu Giang (DHG), Công ty Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (RAL)… đều là các đơn vị đầu ngành, hoặc có vị thế nhất định. Năm 2016, VNM lên kế hoạch trả cổ tức bằng tiền với tỉ lệ 60% và dự kiến năm 2017 sẽ trả tối thiểu 50%. Đây cũng là mức cổ tức mà Chăn nuôi Phú Sơn (PSL), RAL, Cáp treo Núi Bà Tây Ninh (TCT)… dự tính sẽ chia cho cổ đông.

Hầu hết các công ty trả cổ tức trong tỉ lệ 40-60% còn có chung đặc điểm là duy trì được đà tăng trưởng kinh doanh, đạt biên lợi nhuận hấp dẫn. Chẳng hạn, biên lợi nhuận gộp của VNM là 47%, PSL 27% và TCT hơn 80%. Dựa vào đây, theo ông Lê Đức Khánh, Giám đốc chiến lược đầu tư của MSI, nhà đầu tư sẽ đạt hiệu suất sinh lời tốt hơn so với mức tăng trưởng bình quân thị trường.

Đuối vì chính sách cổ tức cao

Mức cổ tức trên 100% khó có thể duy trì lâu. Cả Masco, NCT đều đang đuối sức với chính sách cổ tức cao này. Masco thường xuyên phải dành 80-90% nguồn lợi nhuận có được qua mỗi năm cho việc chia cổ tức. Cá biệt trong năm 2014, khi nguồn tiền lãi ròng không đủ, Công ty còn trích cả lợi nhuận từ các năm trước để chi trả phần thiếu. Vì thế, khi nhìn trên sổ sách kế toán, thường thấy nguồn tiền dành lại của Masco, sau khi đã phân phối xong lợi nhuận, chỉ còn khoảng vài trăm triệu đồng.

Trong khi đó, Công ty đang có nhiều kế hoạch đầu tư. Chẳng hạn, Masco dự kiến năm tới, sẽ mở rộng diện tích nhà máy chế biến suất ăn Đà Nẵng, đầu tư thêm các kho lạnh, trữ sản phẩm. Doanh nghiệp này cũng dự tính đầu tư giai đoạn 2 nhà máy chế biến suất ăn Cam Ranh, nâng công suất chế biến từ 6.000 suất/ngày lên 10.000 suất/ngày. Tổng vốn đầu tư ước khoảng 16 tỉ đồng. Để có thêm nguồn lực cho đầu tư, trong năm nay, Công ty có thể sẽ phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ thêm 12,67 tỉ đồng.

NCT thì chưa có động thái mạnh mẽ để mở rộng kinh doanh, dù thị phần đã sụt giảm mạnh, dự báo chỉ còn 55% trong năm nay. NCT coi trọng giải pháp khai thác tối đa mặt bằng kho bãi, làm hết công suất nhưng lại không dành ưu tiên nguồn tiền cho đầu tư. Phần lớn tiền đã đem chia cổ tức.

Một số doanh nghiệp hào phóng trả cổ tức cao sau khi bán được tài sản có giá trị. Đó là trường hợp của Tổng Công ty Cổ phần Đường Sông Miền Nam (SWC). Có tiền nhờ bán 16% vốn tại các công ty liên doanh Keppel Land - Watco, SWC đã lãi gần 439 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế, gấp 20 lần cùng kỳ. Lập tức, SWC lên phương án trả tiền cổ tức năm 2016 (10%) và thanh toán luôn tiền cổ tức 2017 (40%). Nhưng những năm kế tiếp, không ai biết SWC sẽ thế nào.

Vẫn còn nhiều vấn đề xung quanh câu chuyện cổ tức khủng. Chưa kể, cổ tức khủng là so với mệnh giá, nếu so với thị giá thì cũng có thể chỉ ở mức bình thường. Chẳng hạn, so với thị giá hiện tại (ngày 10.5.2017), cổ tức thực sự của Masco chỉ hơn 10%, của NCT khoảng 12-14% hay của VNM chưa tới 5%. Bởi vậy, với nhiều nhà đầu tư, mức cổ tức của Meinfa (MEF), Muối Khánh Hòa (KSC)… mới thật sự đáng chú ý, vì mức cổ tức gấp 4-5 lần giá cổ phiếu giao dịch. Nhưng lưu ý giá các cổ phiếu này lại chưa đạt tới 1.000 đồng, một mức rất thấp, trong khi gần như không có giao dịch.

Viết Nguyên

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.