|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Aeon Mall tiếp tục mở rộng đầu tư ở Việt Nam

15:02 | 04/12/2024
Chia sẻ
Chủ tịch Aeon Mall Ohno Keiji cho biết tập đoàn này tiếp tục mở rộng đầu tư tại nhiều tỉnh, thành phố của Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tiếp lãnh đạo Aeon Mall sáng 4/12 tại Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: Anh Tú).

Thông tin này được lãnh đạo Công ty TNHH Aeon Mall nêu khi gặp Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, tại Tokyo, Nhật Bản, sáng 4/12.

Theo ông Ohno Keiji, tập đoàn bán lẻ Nhật Bản mở trung tâm thương mại đầu tiên ở TP HCM năm 2014. Đến nay, họ sở hữu 7 trung tâm thương mại ở Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Huế và Bình Dương, với tổng diện tích sàn cho thuê khoảng 462.000 m2.

Cuối tháng 11, ông lớn bán lẻ Nhật Bản được UBND TP Cần Thơ duyệt dự án trung tâm thương mại Aeon Mall trên khu đất gần 85.000 m2 ở Bình Nhựt, phường Long Hòa, quận Bình Thủy.

Chủ tịch Aeon Mall mong muốn tiếp tục được Việt Nam tạo các điều kiện lợi thuận để mở rộng đầu tư ra nhiều tỉnh, thành phố khác trong thời gian tới.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ủng hộ chiến lược mở rộng kinh doanh tại Việt Nam của tập đoàn bán lẻ Nhật Bản. Theo ông, nhiều địa phương sẵn sàng cùng Aeon Mall phát triển các trung tâm thương mại.

Ông nhắc lại quan điểm Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam, trong đó có Aeon Mall.

Việt Nam đang là một trong những thị trường nước ngoài quan trọng hàng đầu của Aeon Mall. Giai đoạn tháng 3-8/2024, Aeon Mall đạt doanh thu hơn gần 8,2 tỷ yen, khoảng hơn 1.390 tỷ đồng tại Việt Nam. Mức này tăng hơn 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Sau khi trừ các chi phí, đại gia Nhật Bản lãi trước thuế khoảng 2,4 tỷ yen (tương đương trên 400 tỷ đồng), tăng khoảng 21%.

Như vậy, Việt Nam đóng góp gần 40% vào lợi nhuận từ các thị trường nước ngoài của Aeon Mall. Sau hơn 10 năm, Aeon đã rót khoảng 1,5 tỷ USD vào Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội làm việc cùng Ủy ban Kinh tế Nhật - Việt, sáng 4/12, Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: Doãn Tấn).

Làm việc với Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Nhật - Việt của Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản (Keidanren), Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng Keidanren là cầu nối giúp các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư nhiều hơn vào Việt Nam.

Ông bày tỏ mong muốn doanh nghiệp và địa phương hai bên nước tăng cường giao lưu, hợp tác, góp phần thúc đẩy quan hệ kinh tế Việt Nam - Nhật Bản.

Ông Fujimoto Masayoshi đồng Chủ tịch Uỷ ban này cho biết cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản sẽ tiếp tục đóng góp cho sự phát triển của quan hệ hai nước trong các lĩnh vực như thương mại, đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực.

Hồi tháng 3, hai nước đã nhất trí khởi động "Sáng kiến chung Nhật Bản - Việt Nam trong kỷ nguyên mới". Vì vậy, ông Masayoshi nói các doanh nghiệp Nhật hy vọng sẽ sớm thấy kết quả trong hợp tác về phát triển xanh, kỹ thuật số, đổi mới sáng tạo...

Tính đến cuối tháng 8, hơn 5.400 dự án đầu tư của từ các doanh nghiệp Nhật Bản còn hiệu lực tại Việt Nam, tổng vốn đăng ký 79,3 tỷ USD. Kim ngạch thương mại hai nước đạt trên 30 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm, tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Anh Tú

Tiêu dùng là động lực quyết định tăng trưởng của nền kinh tế 2025
Với nhận định trên, TS. Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê kiến nghị Chính phủ có các giải pháp để tăng thu nhập của người dân, kích thích tiêu dùng nội địa.