|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

ACBS: VN-Index cuối năm 2023 có thể đạt 1.468 điểm trong kịch bản lạc quan

14:43 | 16/02/2023
Chia sẻ
Trong Báo cáo Triển vọng Thị trường Việt Nam tháng 2, Chứng khoán ACB (ACBS) đưa ra ba kịch bản thị trường đến cuối năm 2023. Tại kịch bản bi quan, VN-Index được dự báo gần như đi ngang khi kết thúc năm; còn ở kịch bản lạc quan, chỉ số có thể tăng lên khoảng 1.500 điểm.

Theo đó, trong kịch bản cơ sở, ACBS giả định rằng kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng và lợi nhuận doanh nghiệp tăng trong khoảng 10 - 12%. Tâm lý thị trường sẽ cải thiện hơn so với năm 2022 với bội số thị trường duy trì cao hơn so với mức đáy trong thời gian gần đây, các nỗ lực chống tham nhũng sẽ giảm bớt và thị trường tín dụng sẽ bình thường hóa.

Cùng với khó khăn vĩ mô toàn cầu phần lớn sẽ lắng xuống vào cuối năm 2023 và các ngân hàng trung ương sẽ hoàn thành chu kỳ thắt chặt tiền tệ, điều này sẽ giúp giảm áp lực lên VND và cho phép Ngân Nhà nước xem xét chính sách tiền tệ nới lỏng hơn.

Theo những giả định này, chỉ số sẽ giao dịch ở bội số trong phạm vi 12 - 13 lần. Chỉ số VN-Index có thể sẽ giao dịch quanh mức 1.200 điểm vào cuối năm 2023, tương ứng với P/E kỳ vọng 2023 khoảng 11,2 lần.

ACBS đưa ra ba kịch bản thị trường đến cuối năm 2023. (Nguồn: ACBS).

Kịch bản lạc quan dựa vào hoạt động đầu tư công mạnh mẽ trong năm 2023, thị trường bất động sản trong nước phục hồi nhanh hơn dự kiến và dòng vốn FDI tiếp tục đổ vào mạnh mẽ cũng như các vấn đề tín dụng mà thị trường gặp phải sẽ được giải quyết. Nền kinh tế toàn cầu sẽ kiểm soát được lạm phát trong nửa đầu năm 2023 và tâm lý nhà đầu tư sẽ cải thiện nhờ việc nới lỏng chính sách tiền tệ toàn cầu.

Theo các giả định này, có thể thấy thu nhập của các doanh nghiệp tăng 15 - 20%, trong khi định giá trên thị trường có thể cao hơn hiện tại đưa chỉ số VN-Index tăng lên khoảng 1.500 điểm vào cuối năm 2023.

Trong kịch bản bi quan, ACBS thấy những lo ngại về lạm phát có thể tiếp tục ở mức cao, các ngân hàng trung ương tiếp tục chính sách tiền tệ diều hâu và kéo tăng trưởng toàn cầu đi xuống, trong khi cuộc chiến kéo dài ở Ukraine, sự khó lường trong việc mở cửa trở lại của Trung Quốc và làn sóng COVID-19 tiềm tàng có thể ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng.

Trong nước, GDP sẽ tiếp tục tăng trưởng, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng có thể bị cản trở do niềm tin của người tiêu dùng thấp hơn ảnh hưởng đến tiêu dùng trong nước, lo ngại suy thoái tại các thị trường xuất khẩu chính ảnh hưởng đến lĩnh vực sản xuất và thị trường tín dụng bị đình trệ ảnh hưởng đến khả năng phục hồi của lĩnh vực bất động sản.

Trong kịch bản này, có thể thấy thu nhập chỉ đạt mức tăng trưởng rất khiêm tốn trong khi các kênh đầu tư khác được nhà đầu tư ưa chuộng hơn khiến chỉ số gần như đi ngang khi kết thúc năm 2023.

Diệu Nhi

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.