|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Dân Bắc Kinh đổ xô tích trữ hàng hóa, chuẩn bị chịu chung số phận với Thượng Hải

15:48 | 25/04/2022
Chia sẻ
Người dân thủ đô Bắc Kinh đang ồ ạt mua hàng tích trữ trong bối cảnh số ca nhiễm COVID-19 cộng đồng gia tăng, khiến họ lo ngại về một cuộc phong tỏa kiểu Thượng Hải.

Cảnh xếp hàng thanh toán tại một siêu thị ở Bắc Kinh ngày 24/4. (Ảnh: Reuters). 

Tự lo lấy thân

Bắc Kinh chỉ báo cáo 41 ca nhiễm COVID-19 trong hai ngày cuối tuần qua, nhưng các quan chức thành phố đã mô tả tình hình là “nghiêm trọng” do có bằng chứng cho thấy virus đã lây lan lâu ngày trong cộng đồng. Giới chức y tế cho biết chủng Omicron đã lây nhiễm qua nhiều cụm dịch khác nhau và hạ lệnh phong tỏa vài khu dân cư vào ngày 25/4.

Tờ Financial Times cho biết thịt, rau củ và đồ ăn để được lâu trên các kệ ở các siêu thị Bắc Kinh đã bị mua sạch. Một số ứng dụng giao hàng tạp hóa trực tuyến cũng không còn thực phẩm để bán. Tại một cửa hàng tạp hóa ở trung tâm Bắc Kinh, hơn 100 người đang đứng xếp hàng để được vào cửa.

Cô Shi Wei, nhân viên một khách sạn ở thủ đô Trung Quốc chia sẻ: “Tôi đang mua trữ đồ một cách lý trí. Có câu cẩn tắc vô ưu. Đồng nghiệp của tôi ở Thượng Hải nhận ra điều này một cách muộn màng và đang thúc giục tôi tích trữ càng nhiều càng tốt, ít nhất đủ đồ dùng cho một tháng. Đừng mong chờ may mắn, phải biết tự lo cho bản thân”.

Người mua sắm đổ xô tích trữ hàng hóa sau khi Triều Dương, quận lớn nhất thành phố với 3,5 triệu người, yêu cầu cư dân phải trải qua ba vòng xét nghiệm COVID-19 bắt đầu từ ngày 25/4. Triều Dương cũng là khu thương mại chính của Bắc Kinh, nổi tiếng với các tập đoàn đa quốc gia và là nơi đặt hàng chục đại sứ quán.

 

Ở Trung Quốc, không có gì lạ khi cả khu dân cư phải cách ly trong ít nhất hai tuần nếu phát hiện ca nhiễm COVID-19. Những cuộc phong tỏa quy mô nhỏ này đã diễn ra rải rác ở Bắc Kinh trong vài tháng gần đây.

Tuy nhiên, xét nghiệm hàng loạt ngầm báo hiệu phạm vi phong tỏa sẽ rộng hơn, đặc biệt là nếu kéo dài ra các quận khác. Anh Xue Ce, một nhân viên công nghệ, đã gia nhập vào hàng người chờ đợi tại một trung tâm xét nghiệm ở Triều Dương. Anh cho biết: “Tôi đứng đây vì chính quyền Triều Dương đã ra lệnh xét nghiệm bắt buộc và vì số ca nhiễm tăng vọt, nên muốn kiểm tra cho chắc”.

Không chỉ Bắc Kinh

Trên khắp Trung Quốc, số ca nhiễm COVID-19 hàng ngày tiếp tục duy trì ở mức cao. Thượng Hải báo cáo 19.455 ca nhiễm mới trong tổng số 20.194 ca toàn quốc trong ngày 24/4.

Số ca nhiễm được ghi nhận tại tỉnh Giang Tây và Hắc Long Giang đã tăng gấp 10 lần trong tuần qua. Giang Tô, địa bàn của các nhà cung cấp lớn cho Apple, báo cáo 840 trường hợp mắc COVID-19 trong tuần vừa rồi, chỉ xếp sau Thượng Hải và tỉnh Cát Lâm.

 

Thượng Hải đã chịu đựng hơn ba tuần phong tỏa nghiêm ngặt mà chưa biết bao giờ sẽ kết thúc. Trong cuối tuần, những người mặc quần áo bảo hộ đã lắp hàng rào cao màu xanh phía dưới một số tòa nhà chung cư với thông tin về các ca nhiễm gần đây để ngăn cư dân ra ngoài.

Các lệnh phong tỏa đã làm giảm triển vọng kinh tế của Trung Quốc kể từ giữa tháng 3, khi các hạn chế ở tỉnh Cát Lâm bị mở rộng ra hàng chục thành phố. Các biện pháp ở Thượng Hải bắt đầu với lệnh phong tỏa một số khu vực tương đối nhỏ trước khi áp dụng ra toàn thành phố để tổ chức xét nghiệm hàng loạt.

Bất chấp sự hỗn loạn và khó khăn kinh tế phát sinh từ các hạn chế chống dịch, Chủ tịch Tập Cận Bình vẫn quyết tâm theo đuổi chiến lược Zero COVID. Ông Liang Wannian, cố vấn chính phủ về COVID-19, phát biểu trên truyền thông nhà nước: “Chúng ta sẽ không dao động trong việc theo đuổi Zero COVID. Chiến lược này sẽ giúp tối đa hóa sự an toàn cho tính mạng con người và sự phát triển kinh tế và xã hội".

Giang