|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

85% doanh thu thanh toán thẻ ATM là từ… rút tiền mặt

15:17 | 22/11/2016
Chia sẻ
 “Phần lớn doanh thu thanh toán thẻ ATM lại đến từ phí rút tiền mặt. Đây là một điều rất lãng phí khi đầu tư vốn lớn vào cơ sở hạ tầng ATM”, Ts.Lê Huy Khôi, Viện Nghiên cứu Thương mại đã chỉ ra một nghịch lý của thị trường thanh toán thẻ hiện nay.

Thanh toán thẻ mới phát triển thiên về số lượng

Báo cáo về thực trạng thị trường thanh toán thẻ tại buổi hội thảo Tương lai thanh toán bằng thẻ và tiền điện tử, TS. Lê Huy Khôi, Viện Nghiên cứu Thương mại – Bộ Công Thương nhận định sự phát triển của thị trường thẻ hiện nay vẫn đang thiên về số lượng.

Tính đến 31/12/2015, toàn thị trường có 40/51 ngân hàng phát hành thẻ nội địa, với số lượng thẻ đạt hơn 81,85 triệu thẻ, trong đó chủ yếu là thẻ ghi nợ. Tổng số thẻ trả trước nội địa phát hành đạt hơn 2 triệu thẻ với 14/51 ngân hàng phát hành. Số lượng thẻ tín dụng nội địa phát hành đạt hơn 256.000 thẻ với 8/51 ngân hàng phát hành.

Về thẻ quốc tế, có 40/51 ngân hàng phát hành. Tổng số thẻ quốc tế tích lũy toàn thị trường đến 31/12/2015 đạt trên 9,24 triệu thẻ, tăng 16,23% so với năm 2014, trong đó nhóm ngân hàng nước ngoài phát hành hơn 645.000 thẻ. Tuy nhiên, có một điều không mấy vui là việc phát triển thẻ những năm vừa qua chủ yếu thiên về số lượng chưa đi kèm với sự thay đổi căn bản về chất lượng cũng như tăng cường giao dịch của chủ thẻ sau khi thẻ được phát hành.

85 doanh thu thanh toan the atm la tu rut tien mat

“Tại Việt Nam, hiện có trên 20 triệu người có Tài khoản ngân hàng. Thế nhưng số lượng thẻ phát hành năm 2015 đã lên tới 100 triệu thẻ. Điều này có nghĩa là mỗi một tài khoản cá nhân có tới 4 - 5 thẻ, cao hơn nhiều so với bình quân thế giới cho thấy hiệu quả phát hành thẻ còn thấp”, Ts. Lê Huy Khôi nhận định.

Tỷ lệ thẻ nội địa hiện vẫn chiếm hơn 91%, phản ánh khoảng thời gian qua, các ngân hàng chỉ chạy theo số lượng thẻ nội địa.

Cùng với sự gia tăng số lượng thẻ, doanh số sử dụng và doanh số thanh toán thẻ cũng tăng trưởng từ mức 724.000 tỉ đồng doanh số sử dụng và hơn 895.000 tỉ đồng doanh số thanh toán năm 2011 thì đến năm 2015, các con số này lần lượt là hơn 1.637.000 tỉ đồng và hơn 1.685.000 tỉ đồng, tăng trưởng lần lượt là 126% và 88%.

Miếng bánh thị trường ngày càng to nhưng vẫn chưa tăng trưởng xứng tầm. Ts. Lê Huy Khôi đưa ra một thực trạng không khỏi giật mình. Doanh thu thanh toán thẻ hiện nay chủ yếu vẫn đến từ giao dịch rút tiền từ các cây ATM, chiếm 85%. Chỉ có 15% là doanh thu từ giao dịch thanh toán và các giao dịch phát sinh từ các điểm chấp nhận thanh toán thẻ.

Ông Khôi nhấn mạnh đây là một nghịch lý, bởi phát hành thẻ phải song hành phát triển hạ tầng thanh toán rộng khắp, chứ không phải là cuộc đua gia tăng thị phần thẻ và thực hiện mục đích rút tiền mặt. Đầu tư vốn lớn vào cơ sở hạ tầng nhưng doa nh thu thu về lại chủ yếu đến từ giao dịch rút tiền mặt là một điều rất lãng phí.

Tỷ lệ thẻ hoạt động của các ngân hàng, hiện chỉ rơi vào khoảng từ 60 - 70%. Tổng mức dư nợ cho vay qua thẻ mới chỉ chiếm một tỷ trọng rất nhỏ trong tổng dư nợ cho vay tiêu dùng của các ngân hàng. Ngoài ra, sử dụng thanh toán qua thẻ ở các đối tượng là doanh nghiệp còn hạn chế.

Thanh toán thẻ còn gặp khó phần nhiều đến từ thói quen sử dụng tiền mặt của người Việt Nam, chiếm tới 65% tổng phương tiện thanh toán. Thói quen của người Việt vẫn thích chi tiêu bằng tiền mặt hơn là sử dụng một công cụ bị cho là “cao siêu” khó dùng, cùng đó là những vấn đề về an toàn, bảo mật trong hoạt động thanh toán xảy ra gần đây.

Hơn nữa, trong khi mặt bằng lãi suất đang có xu hướng giảm dần thì lãi suất cho vay qua thẻ vẫn được áp dụng ở mức rất cao, cơ sở hạ tầng gồm hệ thống máy ATM và POS chưa phát triển đồng đều.

Hiện Việt Nam cũng chưa có chính sách hỗ trợ thuế giá trị gia tăng cho điểm bán hàng; hoặc giảm thuế cho phần doanh thu mà doanh nghiệp được giao dịch qua thẻ; giảm thuế nhập khẩu các thiết bị công nghệ thẻ như máy ATM, POS, máy sản xuất thẻ…

Ngoài khắc phục các nguyên nhân này, theo TS. Lê Huy Khôi, Chính phủ cũng nên có quy định bắt buộc các cơ sở bán hàng, dịch vụ có số vốn lớn, như các siêu thị, phải trang bị thiết bị thanh toán thẻ. Xét trên khía cạnh quản lý, cách này cũng sẽ chống được việc thất thu thuế một cách hiệu quả, đồng thời, cần có hình thức hỗ trợ đơn giản thủ tục thanh toán hóa đơn thuế đối với các trường hợp chấp nhận thanh toán qua thẻ.

Để thanh toán điện tử phát triển, thị trường này cần dựa vào thương mại điện tử. Tuy nhiên, thực tế hiện này,tiền mặt sử dụng trong thương mại điện tử vẫn chiếm tới 80-90%. Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Tổng Giám đốc VCCorp, CEO Zamba E-commerce Group, bên cạnh các biện pháp từ phía Chính phủ để thúc để thanh toán qua thẻ và giao dịch điện tử, bản thân các doanh nghiệp cũng cần có các chính sách khuyến mại, voucher để người tiêu dùnghình thành thói quen thanh toán qua thẻ thay thế cho phương thức tiền mặt đang được sử dụng phố biến hiện tại.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Thanh Thủy