|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

800 kỹ sư chỉ để làm một ứng dụng MoMo và câu trả lời cho câu hỏi AI có cướp việc hay không?

07:38 | 31/10/2024
Chia sẻ
CTO Thái Trí Hùng chia sẻ tầm nhìn đầy tham vọng của mình về tương lai công nghệ tại MoMo, nhấn mạnh vào sức mạnh của AI trong việc cách mạng hóa ngành tài chính số tại Việt Nam.

"Tại sao MoMo có đến hơn 800 kỹ sư công nghệ chỉ để làm một ứng dụng di động?” - thắc mắc được ông Thái Trí Hùng, Giám đốc công nghệ (CTO) MoMo, chia sẻ tại sự kiện mới đây, dường như đã khơi gợi tò mò của nhiều người về cách MoMo ứng dụng AI trong thực tế.

Năm 2013, ông Hùng cho biết MoMo đã đưa ra quyết định táo bạo khi tập trung hoàn toàn vào ứng dụng di động, thậm chí còn tắt luôn các hệ thống thanh toán web đang hoạt động. Đó là một nước đi mạo hiểm vào thời điểm các giải pháp thanh toán vẫn chủ yếu phục vụ cho môi trường web.

Nhưng tầm nhìn "all-in smartphone" đã được chứng minh là chính xác khi sau một thập kỷ, MoMo đã thu hút được hơn 100 triệu thiết bị di động kết nối hàng ngày. Bước sang năm 2015, trước nhu cầu khai thác dữ liệu ngày càng lớn, ông Hùng và đội ngũ đã triển khai chiến lược "Data-First". MoMo xây dựng một hạ tầng dữ liệu khổng lồ, có khả năng lưu trữ hàng trăm petabyte và xử lý hàng nghìn terabyte mỗi ngày. 

Nền tảng hiểu rõ dữ liệu là mỏ tài nguyên dành cho họ và dữ liệu không chỉ dùng để báo cáo mà còn trực tiếp tham gia vào quá trình phát triển và vận hành sản phẩm.

 CTO MoMo, ông Thái Trí Hùng. (Ảnh: MoMo).

Đến năm 2018, MoMo bước vào giai đoạn "AI-First". Dù đòi hỏi đầu tư lớn với ngân sách chiếm hơn một nửa chi phí công nghệ và 1/3 nhân sự, chiến lược này đã mang lại những thành quả ấn tượng. Sau 6 năm, MoMo đã phát triển được hệ thống eKYC phục vụ hàng chục triệu người dùng, hệ thống bảo mật đa lớp chống tấn công hiệu quả, và từ năm 2020, hệ thống chấm điểm tín dụng đã giúp hàng triệu người dễ dàng tiếp cận các giải pháp tài chính.

“Tại sao MoMo có đến hơn 200 kỹ sư data/AI, nhưng hầu như không nhìn thấy sự hiện diện của AI tại bất kỳ chỗ nào trong ứng dụng?” - một thắc mắc được ông Hùng đặt ra trong bài chia sẻ của mình. 

Ông Hùng cho biết, thưc tế AI đã thâm nhập vào từng khía cạnh của hệ sinh thái MoMo từ lâu. Với mỗi dịch vụ trên nền tảng, MoMo luôn đảm bảo có ít nhất hai mô hình AI đang hoạt động để hỗ trợ người dùng. 

MoMo sở hữu hơn 200 kỹ sư chuyên về dữ liệu và AI, nhưng ứng dụng của AI trong MoMo lại không dễ dàng nhận thấy trên bề mặt giao diện. Thực tế, AI của MoMo hoạt động âm thầm phía sau, hỗ trợ trong các khâu marketing, phân tích hành vi người dùng, tối ưu hóa vận hành và dự đoán nhu cầu tài chính của từng cá nhân. 

Vào cuối năm 2022, sự ra đời của ChatGPT đã mở ra kỷ nguyên AI có thể giao tiếp tự nhiên với con người. Nhận thấy tiềm năng, MoMo đã mạnh dạn ứng dụng AI vào dịch vụ hỗ trợ khách hàng. "Chúng tôi đã ghi nhận giảm 75% số lượng khiếu nại hàng tuần đến trung tâm chăm sóc khách hàng; mức độ hài lòng của khách hàng tăng lên 23% nhờ vào tốc độ xử lý", ông Thái Trí Hùng nói.

Ông Thái Trí Hùng khẳng định GenAI không thể thay thế nhân viên chăm sóc khách hàng, nó trở thành công cụ hỗ trợ cho công việc của họ. (Ảnh: Thành Vũ).

Dù IMF dự báo hơn 40% lao động toàn cầu sẽ chịu ảnh hưởng từ AI vào năm 2030, song theo ông Hùng, công cụ AI mới không cướp đi công việc của nhân viên chăm sóc khách hàng. Thay vào đó, nó giúp giải phóng nhân viên khỏi công việc lặp đi lặp lại để tập trung chăm sóc khách hàng.

Ngoài ra, MoMo cũng ra mắt MoMo AI Protection, giúp bảo vệ tài sản người dùng, ngăn chặn hàng loạt cuộc tấn công, dẫn đầu trong việc xác thực và bảo vệ khách hàng trên không gian mạng.

Một trong những thành tựu nổi bật khác mà MoMo đã đạt được nhờ công nghệ AI là ví trả sau và các dịch vụ tài chính số. Tính năng này giúp người dùng MoMo có thêm phương tiện để đáp ứng các nhu cầu tài chính khẩn cấp mà không cần phải trải qua các quy trình phức tạp.

Theo ông Đỗ Quang Thuận, Phó Tổng Giám đốc Thường trực MoMo, ví trả sau đã hỗ trợ hơn 236.990 người tiếp cận tài chính vi mô để đáp ứng các nhu cầu thiết yếu. Chỉ trong 6 tháng đầu sau khi ra mắt, ví trả sau đã giải ngân hơn 865 tỷ đồng mà không yêu cầu phí hay lãi suất đối với người dùng. Điều này góp phần vào nỗ lực "bình dân hóa" dịch vụ tài chính, giúp hàng triệu người dân tiếp cận với tài chính một cách dễ dàng và thuận tiện của MoMo.

Ngoài ra, công nghệ AI giúp MoMo phân loại người dùng và đưa ra các đề xuất phù hợp, đảm bảo rằng chỉ những người đủ điều kiện tài chính mới được tiếp cận ví trả sau, giúp tăng cường tính an toàn và tránh rủi ro tài chính cho người sử dụng.

AI còn giúp MoMo nhanh chóng đánh giá tín dụng của khách hàng theo thời gian thực. Điều này cho phép ví trả sau không chỉ giúp khách hàng có một khoản hỗ trợ tài chính linh hoạt mà còn bảo vệ họ trước các khoản nợ khó thanh toán. 

Ra mắt từ những ngày đầu tiên của làn sóng ví điện tử, MoMo đã trải qua hành trình phát triển kéo dài cả thập kỷ để trở thành một nền tảng tài chính công nghệ hiện đại. Từ một ví điện tử phục vụ giao dịch cơ bản (chuyển tiền và mượn tiền), MoMo dần phát triển thành một hệ sinh thái tài chính toàn diện, đạt cột mốc phục vụ hơn 30 triệu người dùng. 

Thành Vũ