|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

7 sự kiện doanh nghiệp nổi bật 2018: Từ ô tô VinFast đến giấc mơ bay của Bamboo Airways

08:35 | 27/12/2018
Chia sẻ
Năm 2018, doanh nghiệp Việt Nam đón nhiều thông tin đáng chú ý như VinFast ghi tên Việt Nam trên bản đồ công nghệ ôtô thế giới, cuộc hôn nhân môn đăng hộ đối giữa HAGL với Thaco hay Bamboo Airways trở thành hãng hàng không thứ 5 sau hơn một năm chờ đợi.
7 su kien doanh nghiep noi bat 2018 tu o to vinfast den giac mo bay cua bamboo airways Bamboo Airways được phê duyệt chương trình an ninh hàng không

1. VinFast ra mắt xe tại Paris Motor Show: Bản đồ ô tô thế giới chính thức có tên Việt Nam

Ngày 2/10, Công ty TNHH sản xuất và Kinh doanh VinFast (VinFast – công ty con của Tập đoàn Vingroup) đã chính thức ra mắt hai mẫu xe sedan và SUV tại triển lãm Paris Motor Show. Kế hoạch được chuẩn bị kĩ lưỡng trong hơn một năm kể từ khi Vingroup khởi công tổ hợp nhà máy VinFast tại Hải Phòng ngày 2/9/2017.

Sự kiện được truyền hình trực tiếp trên sóng truyền hình quốc gia và có sự tham gia của Cựu danh thủ David Beckham cùng Hoa hậu 2018 Tiểu Vy.

7 su kien doanh nghiep noi bat 2018 tu o to vinfast den giac mo bay cua bamboo airways
Từ trái qua phải: Giám đốc thiết kế VinFast ông David Lyons, Hoa hậu Tiểu Vy và cựu danh thủ David Beckham bên cạnh ô tô VinFast tại triển lãm Paris Motor Show.

Cựu danh thủ nhận xét: "Chiếc xe này của VinFast có kiểu dáng thể thao, đẳng cấp và rất thanh lịch. Tôi không ngờ VinFast có thể cho ra chiếc đẹp này trong thời gian ngắn như vậy. Thật không thể tin được!" Nhiều chuyên gia khác cũng dùng các mỹ từ như sang trọng, đẳng cấp, hiện đại để nói về hai chiếc xe của VinFast.

Kể từ đây, Việt Nam chính thức có tên trên bản đồ công nghệ ôtô thế giới.

2. HAGL – Thaco: cuộc hôn nhân môn đăng hộ đối

Hôm 8/8 năm nay, CTCP Hoàng Anh Gia Lai (Mã: HAG) và CTCP Ô tô Trường Hải (Thaco) đã kí kết biên bản hợp tác chiến lược. Theo thông tin công bố tại lễ kí kết, Thaco dự tính sẽ đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp của HAGL khoảng 12.000 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, Thaco và công ty liên quan là Đại Quang Minh sẽ chịu trách nhiệm chính về đầu tư phát triển giai đoạn 2 của Dự án HAGL Myamar với tổng vốn ước tính 320 triệu USD, tương đương hơn 7.400 tỉ đồng và sẽ hoàn thành vào năm 2020.

Ông Trần Bá Dương – Chủ tịch Thaco cho biết Thaco đã bỏ ra hơn 7.800 tỉ đồng để sở hữu 35% HAGL Agrico và 51% HAGL Land (hai công ty con của HAGL).

Trước đó, Thaco đã ứng cho HAGL Agrico các khoản tiền để phát triển thêm diện tích trồng cây ăn trái và thanh toán các khoảng nợ đến hạn là 1.577 tỉ đồng, mua trái phiếu chuyển đổi mà HAGL Agrico không bán hết cho cổ đông hiện hữu trị giá 2.200 tỉ đồng.

Chứng kiến việc hợp tác chiến lược giữa Thaco và Hoàng Anh Gia Lai, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ví von đây là một cuộc hôn nhân môn đăng hộ đối. "Chú rể" là một nhà kỹ trị có đam mê còn "cô dâu" là người có tình yêu nông nghiệp và quyết tâm lớn.

Theo Thủ tướng, môn đăng hộ đối còn bởi lẽ tiềm lực tài chính, năng lực và công nghệ của Thaco sẽ góp phần bù đắp những khoảng trống hiện nay của nông nghiệp Việt Nam, biến giấc mơ và khát vọng nông nghiệp của Hoàng Anh Gia Lai nói riêng và nông nghiệp nói chung của Việt Nam, Lào, Campuchia trở thành hiện thực.

7 su kien doanh nghiep noi bat 2018 tu o to vinfast den giac mo bay cua bamboo airways
Hình ảnh tại Lễ công bố Hợp tác chiến lược HAGL - Thaco với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ.

Đáng chú ý, trong tháng 7 – tức là trước khi lễ kí kết được chính thức công bố, các cổ phiếu HAG và HNG có mức tăng ấn tượng với tỉ lệ lần lượt là 46% và 61%. Tuy nhiên sau lễ kí kết, hai cổ phiếu này lại diễn biến tiêu cực. Sáng 10/8, cổ phiếu HAG giảm 3,8% với thanh khoản cao chưa từng thấy trong lịch sử, cổ phiếu HNG giảm sàn rồi hồi phục dần về cuối phiên và chỉ còn giảm 1,94% khi đóng cửa.

Đến cuối ngày 24/12, các cổ phiếu HAG và HNG đều có giá thấp hơn kết phiên 8/8.

3. Trong cơn hoạn nạn, Gỗ Trường Thành kết duyên cùng Sứ Thiên Thanh

Một cuộc hôn nhân khác cũng thu hút được sự chú ý của nhà đầu tư là thương vụ CTCP Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (Mã: TTF) và CTCP Sứ Thiên Thanh.

Chiều 25/10, Đại hội cổ đông bất thường của Gỗ Trường Thành thông qua phương án sáp nhập với Sứ Thiên Thanh theo hình thức hoán đổi cổ phiếu với tỉ lệ 8,21: 1 có nghĩa 8,21 cổ phiếu TTF hoán đổi lấy 1 cổ phiếu Sứ Thiên Thanh. Số lượng phát hành dự kiến là 96,6 triệu cổ phiếu, tương đương vốn điều lệ tăng thêm 966 tỉ đồng lên 3.146 tỉ đồng.

Sứ Thiên Thanh có vốn điều lệ 117,6 tỉ đồng, hoạt động chính trong lĩnh vực bán buôn vật liệu xây dựng; khai thác đá, cát, sỏi. Cổ đông lớn của Sứ Thiên Thanh là CTCP Đồng Tâm (nắm 47,3% vốn) - do ông Võ Quốc Thắng hay còn gọi là bầu Thắng giữ chức Chủ tịch HĐQT.

Sau sáp nhập, doanh thu mục tiêu năm 2019 của công ty mới ước khoảng 253 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế 12,8 tỉ đồng.

7 su kien doanh nghiep noi bat 2018 tu o to vinfast den giac mo bay cua bamboo airways
Ông Mai Hữu Tín - Phó Chủ tịch Gỗ Trường Thành (bên trái) và ông Võ Quốc Thắng - Chủ tịch CTCP Đồng Tâm (bên phải).

Thương vụ sáp nhập được thông qua khi mà Trường Thành vừa có 9 tháng kinh doanh khá bết bát. Lũy kế trong ba quý đầu năm, Trường Thành lỗ ròng gần 765 tỉ đồng trong khi cùng kì năm ngoái lỗ 80,5 tỉ đồng. Lỗ lũy kế trên bảng cân đối kế toán đã vượt 2.000 tỉ đồng và xấp xỉ vốn điều lệ.

Tương tự như với trường hợp cổ phiếu HAG và HNG, sau khi thông tin về sáp nhập được công bố tại Đại hội cổ đông, giá cổ phiếu TTF giảm nhiều hơn tăng, từ 5.100 đồng/cp (kết phiên 25/10) xuống còn 3.430 đồng/cp như hiện nay.

4. Quốc Cường Gia Lai và vụ lùm xùm đất công Phước Kiển

Ngày 17/4 năm nay, báo chí đưa thông tin về việc Công ty TNHH MTV đầu tư và xây dựng Tân Thuận bán hơn 32 ha đất ở Khu dân cư Phước Kiển cho Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai (Mã: QCG) với giá thấp hơn giá thị trường 478.000 đồng/m2.

Bí thư Thành ủy TP HCM sau đó yêu cầu Ủy ban Kiểm tra Thành ủy vào cuộc kiểm tra vụ việc. Kết quả cho thấy, công ty Tân Thuận đã sang nhượng trái phép tài sản có giá trị lớn, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Tất Thành Cang đã đồng ý cho Tân Thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà không báo cáo cho tập thể Thường trực Thành ủy và tập thể Ban thường vụ Thành ủy theo quy định về quy chế quản lý, sử dụng tài sản tại các công ty TNHH MTV thuộc sở hữu của Đảng bộ TP HCM.

Tại Đại hội cổ đông ngày 29/6, Chủ tịch Quốc Cường Gia Lai bà Nguyễn Thị Như Loan cho biết công ty này đã trả mặt bằng cho Tân Thuận. Ngược lại, Tân Thuận cũng đã hoàn trả tiền cho doanh nghiệp.

Hôm 16/11 ông Nguyễn Quốc Cường – thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc Quốc Cường Gia Lai và là con trai của Chủ tịch Nguyễn Thị Như Loan từ nhiệm các vị trí lãnh đạo tại công ty.

Về phần ông Tất Thành Cang, ngày 26/12 tại Hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII, ông Cang đã bị cách chức Uỷ viên Trung ương Đảng; Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ TP HCM.

7 su kien doanh nghiep noi bat 2018 tu o to vinfast den giac mo bay cua bamboo airways
Ông Tất Thành CAng - Nguyên Phó Bí thư Thành ủy TP HCM (bên trái) và ông Nguyễn Quốc Cường - nguyên Phó TGĐ, thành viên HĐQT Quốc Cường Gia Lai (bên phải).

5. VinFast ra mắt và chào bán ô tô, xe máy đến người Việt

Sau khi tham dự triển lãm Paris Motor Show với hai mẫu xe sedan và SUV, VinFast lại tiếp tục thu hút sự quan tâm của dư luận với buổi lễ ra mắt ba mẫu xe ô tô và một mẫu xe máy điện tại Hà Nội vào ngày 20/11.

Khác với sự kiện tại Paris, buổi ra mắt tại Hà Nội đón tiếp đoàn hàng ngàn người Việt tới - không chỉ để nhìn tận mắt, sờ tận tay mà còn để đặt trước tiền mua.

7 su kien doanh nghiep noi bat 2018 tu o to vinfast den giac mo bay cua bamboo airways
Mẫu ô tô VinFast ra mắt tại Hà Nội.

Theo tin công bố tại lễ ra mắt, giá ba mẫu xe trong giai đoạn đầu là 336 triệu đồng, 800 triệu đồng và 1.136 triệu đồng. Trong giai đoạn sau, giá ba mẫu xe là 423 triệu đồng, 1.366 triệu đồng và 1.818 triệu đồng. Xe máy điện của VinFast có 6 màu, giá bán từ 21 triệu đồng/chiếc sau khi đã áp dụng chính sách giá đặc biệt.

Trong thời gian trưng bày, quầy thu ngân của VinFast luôn chật kín khách đến đặt cọc mua xe, khiến công ty phải huy động thêm người và mở thêm quầy thu ngân để kịp phục vụ khách hàng. Tổng cộng, hơn 2.000 đơn hàng mua ô tô, xe máy điện đã được đăng ký trong vòng 24h đầu ra mắt.

7 su kien doanh nghiep noi bat 2018 tu o to vinfast den giac mo bay cua bamboo airways
Khu vực thu ngân của VinFast tại lễ ra mắt xe ở Hà Nội.

6. Bamboo Airways – Giấc mơ bay sắp thành hiện thực

Một chủ đề làm tốn nhiều giấy mực của báo giới trong năm 2018 là giấc mơ đưa “cây tre” Bamboo Airways “lên trời” của ông Trịnh Văn Quyết và Tập đoàn FLC.

Công ty TNHH Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) được thành lập từ 31/5/2017 với vốn điều lệ 700 tỉ đồng do Tập đoàn FLC sở hữu 100%. Chỉ 6 ngày sau, Bamboo Airways nộp hồ sơ lên Cục Hàng không đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không (KDVCHK). Sau nhiều lần bổ sung hồ sơ, đến ngày 12/11/2018 Bộ Giao thông Vận tải đã chính thức cấp Giấy phép KDVCHK cho Bamboo Airways.

Hồi đầu năm, Tập đoàn FLC ước tính Bamboo Airways sẽ bay chuyến đầu tiên vào ngày 1/10. Sau đó ngày cất cánh được lùi sang 10/10. Tuy nhiên do chưa được cấp giấy phép KDVCHK nên kế hoạch cất cánh lại lùi 29/12. Mới đây, lãnh đạo Bamboo Airways lại cho biết hãng sẽ cất cánh vào ngày 27/12.

Trong quá trình đợi giấy phép, Bamboo Airways đã kí biên bản ghi nhớ với các hãng Airbus và Boeing về việc mua 24 tàu bay A321NEO và 20 chiếc B787-9 Dreamliners, tổng giá trị ước tính 8,6 tỉ USD.

Trước khi các tàu bay mua chưa được bàn giao, hãng hàng không non trẻ của FLC sẽ hoạt động bằng các máy bay thuê của CDB Aviation (công ty con của Ngân hàng Phát triển Trung Quốc), GECAS (công ty con của Tập đoàn General Electrics) cùng một số hãng cho thuê khác. Hai chiếc tàu bay mà Bamboo Airways thuê đã về Việt Nam trong tháng 12 này.

7 su kien doanh nghiep noi bat 2018 tu o to vinfast den giac mo bay cua bamboo airways
Hai tàu bay của Bamboo Airways (màu trắng xanh) đã về đến sân bay Nội Bài trong tháng 12/2018.

7. Vinaconex đổi chủ sau thương vụ "cá bé nuốt cá lớn"

Chiều 22/11 tại Hà Nội đã diễn ra phiên đấu giá gần 79% vốn cổ phần của Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex).

Trong đó Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) chào bán trọn lô gần 255 triệu cổ phần, chiếm 57,71% vốn điều lệ, còn Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) chào bán hơn 94 triệu cổ phần, tương đương 21,28% vốn điều lệ. Giá khởi điểm cùng là 21.300 đồng/cp.

Phiên đấu giá cổ phần của SCIC thu hút được nhiều sự quan tâm hơn vì tỉ lệ chào bán là trên 50%, nhà đầu tư nào mua được trọn lô này sẽ trở thành chủ sở hữu mới của Vinaconex – một đại gia đang quản lý và sở hữu 3,2 triệu m2 đất, bao gồm 131.786 m2 được giao tại 9 công trình và 3 triệu m2 đất thuê đang thực hiện đầu tư tại 7 dự án khác.

Kết quả phiên đấu giá của SCIC, Công ty TNHH An Quý Hưng trúng giá khi sẵn sàng trả tới 28.900 đồng cho mỗi cổ phiếu – cao hơn gần 36% so với mức giá khởi điểm và cao hơn 30% so với mức giá đấu cao tiếp theo (22.300 đồng/cp). SCIC “bội thu” khi thu về tới 7.367 tỉ đồng, cao hơn giá trị khởi điểm 1.934 tỉ đồng.

Chủ mới của Vinaconex - Công ty TNHH An Quý Hưng có địa chỉ tại huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Công ty được thành lập năm 2001, hiện có vốn điều lệ 360 tỉ đồng, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng công trình, giao thông thủy lợi…

An Quý Hưng có hai người góp vốn là ông Nguyễn Xuân Đông (góp 70%) và bà Đỗ Thị Thanh (góp 30%). Năm 2017, An Quý Hưng đạt doanh thu thuần 956 tỉ đồng, lãi sau thuế 62 tỉ đồng, tổng tài sản tính đến 31/12/2017 đạt 1.000 tỉ đồng. Các chỉ tiêu này đều nhỏ hơn đáng kể so với Vinaconex khiến nhiều người liên tưởng đây là thương vụ “cá bé nuốt cá lớn”.

7 su kien doanh nghiep noi bat 2018 tu o to vinfast den giac mo bay cua bamboo airways
Tương quan giữa Vinaconex và An Quý Hưng, số liệu năm 2017. Nguồn: Bạch Mộc tổng hợp, Alex đồ họa.

Sau khi Vinaconex về tay An Quý Hưng, ông Đỗ Trọng Quỳnh - Tổng Giám đốc Vinaconex đã có đơn xin từ nhiệm, ông Nguyễn Xuân Đông - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc An Quý Hưng được bổ nhiệm thay thế ông Đỗ Trọng Quỳnh.

Xem thêm


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Kiên Dương

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.